Tăng tốc giải ngân hơn 70 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công

Theo Tô Hà, Quang Hưng/nhandan.vn

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm và thu nhập, nâng cao đời sống người lao động.

Các nhà thầu triển khai thi công dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Các nhà thầu triển khai thi công dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng vốn đầu tư công của cả nước trong tháng 8 đã giảm 7,1% so tháng trước và giảm 24,7% so cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chính là do nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát và khống chế sự lây lan của dịch COVID-19, làm ảnh hưởng việc thực hiện các dự án đầu tư công.

Mới giải ngân 40,6% kế hoạch năm

Tính đến hết tháng 8/2021, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước mới ước đạt 40,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (46,41%). Hoạt động đầu tư công năm 2021 đặc biệt khó khăn ở các địa phương bùng phát dịch COVID-19.

Thông tin từ Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho biết, tháng 8 là thời điểm việc thi công các dự án, gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết dự án đang thi công cầm chừng vì chỉ có dự án đủ điều kiện “3 tại chỗ” mới được tiếp tục thi công trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Một số nhà sản xuất bê-tông cũng tạm dừng hoạt động do đại dịch COVID-19, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung cấp nguyên liệu cho các công trình. Bên cạnh đó, giá vật tư ngành xây dựng tăng, công tác đấu thầu, chọn thầu cũng bị chậm trễ.

Tính chung tám tháng, “đầu tàu kinh tế” của cả nước mới giải ngân được 13.267 tỷ đồng, bằng 37% kế hoạch cả năm, giảm hơn 27% so cùng kỳ. Tính riêng khối lượng giải ngân trong tháng 8 chỉ bằng 42,4% so tháng 7, bằng 23% so tháng 6 và bằng 13% so cùng kỳ. Các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố đều phải tạm dừng thi công hoặc thi công cầm chừng.

Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên hiện chỉ có gói thầu nhà ga Bến Thành được thi công do đáp ứng đủ điều kiện theo Chỉ thị 16, tính chung khối lượng toàn tuyến đến nay đạt hơn 88% cho nên dự kiến thời gian vận hành kỹ thuật dự án sẽ phải chuyển sang giữa năm 2022 thay vì cuối năm nay như dự kiến ban đầu. Trong những ngày hơn 20 địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều dự án do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư vẫn được đôn đốc thi công.

Từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT còn khối lượng vốn 20.914 tỷ đồng cần giải ngân. Vụ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Danh Huy cho biết: “Nếu thực hiện đúng kế hoạch giải ngân hằng tháng mà các chủ đầu tư đăng ký, trong tháng 9 này, Bộ GTVT sẽ giải ngân gần 4.200 tỷ đồng, lũy kế giá trị giải ngân đến hết tháng 9 đạt 61,4% kế hoạch cả năm, đáp ứng yêu cầu Chính phủ giao”.

Tổng kế hoạch vốn năm 2021 của Bộ GTVT khoảng 43.401 tỷ đồng, hết tháng 8, Bộ đã giải ngân khoảng 22.386 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch cả năm, cao hơn so bình quân chung cả nước và cao hơn so cùng kỳ năm 2020 (48,4%). Tuy nhiên, giá trị giải ngân chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước, còn phần giải ngân khối lượng thi công giá trị đạt thấp.

Trước tình trạng này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị lấy kết quả giải ngân đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng nhất đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân được phân công và người đứng đầu cơ quan tham mưu liên quan. Không dừng ở đó, ngày 1/9, Bộ GTVT thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là Tổ trưởng.

Tổ công tác sẽ xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực và kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Thách thức lớn cho những tháng cuối năm

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (Kế hoạch và Đầu tư) Trần Quốc Phương cho biết, hoạt động đầu tư công năm nay chịu tác động của nhiều yếu tố mới so với thông lệ hằng năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đó là vận chuyển nguyên vật liệu thi công khó khăn trong bối cảnh nhiều địa phương phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đội ngũ chuyên gia tư vấn, công nhân trực tiếp tham gia nhiều dự án phải thực hiện quy định giãn cách, ảnh hưởng tiến độ thi công tại các công trình ở địa bàn bùng phát dịch.

Đáng lưu ý, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình cũng như tâm lý của nhà thầu, do khó tìm nguồn cung về nguyên liệu hoặc ảnh hưởng phương án tài chính khi triển khai dự án. Về phía các địa phương, năm nay phải tập trung phòng, chống dịch cho nên bị phân tán lực lượng, thời gian, vật chất trong công tác chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, năm 2021 là năm đầu tiên của một kỳ kế hoạch đầu tư trung hạn, cho nên những tháng đầu năm chủ yếu tập trung thực hiện các bước chuyển tiếp của giai đoạn trước, trong khi các dự án mới của giai đoạn 2021-2025 phải chờ Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn. Theo quy luật, giải ngân vốn đầu tư công sẽ bứt tốc vào những tháng cuối năm. Nhưng trong bối cảnh thời gian quá ít, khối lượng công việc quá nhiều, đây là một nhiệm vụ vô cùng thách thức.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều dự án dự kiến sắp tới khởi công, đấu thầu, tạo điều kiện để giải phóng lượng vốn hơn 70 nghìn tỷ đồng. Đồng thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc về vĩ mô.

Cụ thể là trong “điểm nghẽn” về giải phóng mặt bằng, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP, trong đó giảm nhiều thủ tục hành chính đối với dự án ODA. “Hy vọng sự thay đổi, điều chỉnh này sẽ tác động vào giải ngân vốn các tháng cuối năm và đầu năm 2022.

Tuy nhiên, để có giải pháp mang tính đột phá thúc đẩy giải ngân đầu tư công phụ thuộc rất nhiều vào công tác chỉ đạo điều hành thực hiện dự án tại các bộ, ngành, địa phương. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất chia sẻ nhưng tùy điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, nơi nào ít chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 cần quan tâm thúc đẩy ngay giải ngân vốn đầu tư công. Nơi nào đang giãn cách xã hội có thể tận dụng mọi cơ hội để triển khai, không để chậm trễ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điểm tích cực là việc giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, địa phương có nguồn vốn đầu tư lớn đã được thực hiện khá tốt, bù đắp kết quả chung của cả nước. Về cơ bản, các dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia mặc dù gặp một số khó khăn nhưng vẫn đang triển khai và đạt kết quả tích cực.

Dự kiến cuối tháng 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có báo cáo tổng thể trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Nếu bộ, ngành, địa phương có nhu cầu bổ sung thêm vốn, Bộ sẽ tổng hợp trên cơ sở các đơn vị không có nhu cầu, xin hoặc bị giảm kế hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin điều chuyển vốn giữa các đơn vị.