Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm với hàng hóa nhập khẩu:

Tiết kiệm cho nền kinh tế hơn 399 triệu USD/năm

PV.

Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu của Bộ Tài chính được đánh giá mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các bên. Ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD/năm.

Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí tiết kiệm hơn 881 tỷ đồng trong một năm.
Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí tiết kiệm hơn 881 tỷ đồng trong một năm.

Ngày 16/9/2020, Bộ Tài chính có Tờ trình số 164/TTr-BTC trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Đề án được xây dựng trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 về việc giao Bộ Tài chính “xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại của khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm”.

Ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD/năm với giả định thời gian kiểm tra chuyên ngành 5 ngày, chi phí kiểm tra chuyên ngành chiếm 2,1% trị giá hàng hóa nhập khẩu.

Mục tiêu của Đề án nhằm cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN); bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu. Đề án cũng đưa ra mô hình cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa DN với các cơ quan, tổ chức...

Đề án này đã được Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ thực hiện đánh giá tác động, trong đó có tác động về kinh tế một cách độc lập, khách quan. Cụ thể, đối với DN nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, để đánh giá tác động ròng về kinh tế của đề xuất mô hình mới, Dự án đã tính toán về thời gian và chi phí tiết kiệm cho DN dựa trên dữ liệu hiện có của Tổng cục Hải quan về kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm tra chuyên ngành và số lần trung bình ước tính được từ các khảo sát và của các bên liên quan.

Cụ thể, theo số liệu ước tính, tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được theo Mô hình mới so với Mô hình hiện tại khoảng 54,4% (chưa tính đến việc giảm số lô hàng kiểm tra do Đề án đề xuất tăng đối tượng được miễn kiểm tra); Tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm DN tiết kiệm được khi áp dụng Mô hình mới trong một năm: 2.484.038 ngày; Chi phí tiết kiệm được cho DN trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD, tỷ giá 1 USD = 23.270 VNĐ tại Vietcombank ngày 01/9/2020). 

Về tác động chung đối với nền kinh tế, theo đánh giá của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại, khi mô hình mới được triển khai sẽ giúp cắt giảm số lô hàng cần phải kiểm tra dẫn đến giảm thiểu chi phí thương mại do giảm yêu cầu về hàng tồn kho và vốn cho phép kinh doanh sản xuất hiệu quả hơn. Từ đó, sẽ khuyến khích tăng trưởng đặc biệt là đối với các nhà sản xuất và nhà phân phối, thúc đẩy xuất khẩu và tăng sản lượng cuối cùng, mang lại nhiều cơ hội hiệu quả hơn cho nền kinh tế.

Căn cứ số tỷ lệ số liệu kiểm tra chuyên ngành năm 2019 do Tổng cục Hải quan cung cấp, Dự án tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ tính toán dựa trên dữ liệu trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD/năm với giả định thời gian kiểm tra chuyên ngành 5 ngày, chi phí kiểm tra chuyên ngành chiếm 2,1% trị giá hàng hóa nhập khẩu.

Theo đánh giá của nhiều DN nhập khẩu, việc cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu giúp DN tiết kiệm được thời gian làm thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; Tạo thuận lợi giải quyết thắc mắc khi có vấn đề, do thống nhất về cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng trước khi thông quan; Tiết kiệm chi phí khi lô hàng được miễn, giảm kiểm tra (đối tượng được miễn kiểm tra được mở rộng hơn); Môi trường kinh doanh cạnh tranh và bình đẳng hơn, do hàng nhập khẩu sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, minh bạch và khách quan hơn...