Xử lý vướng mắc các dự án trọng điểm

Theo Trần Hữu/Báo Quảng Nam

Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều vướng mắc phát sinh về tiến độ giải phóng mặt bằng đã được Ban Chỉ đạo đôn đốc, xử lý.

Một phương tiện thi công nạo vét luồng neo đậu trên sông. Ảnh: H.P
Một phương tiện thi công nạo vét luồng neo đậu trên sông. Ảnh: H.P

Ách tắc từ trên bờ đến lòng sông

Dự án nạo vét sông Cổ Cò trong dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Hội An. Đến nay, thị xã Điện Bàn đã phê duyệt phương án bồi thường (BT), giải phóng mặt bằng (GPMB) 76 hộ/81,7ha và đã bàn giao mặt bằng.

Tuy nhiên gần 34ha chưa lập phương án BT ở 3 phường Điện Dương, Điện Nam Bắc và Điện Nam Trung (Điện Bàn). Còn tại km16+00 - km+900 đã phê duyệt phương án BT cho 295 hộ với diện tích 10,3ha, trong số này có 158 hộ nhận tiền BT, còn 47 hộ không nhận BT và yêu cầu BT theo giá mới.

Về vướng mắc của dự án này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Nguyễn Trường Sơn cho biết, có 47/205 hộ đã phê duyệt phương án BT từ năm 2017 nhưng chưa đồng ý nhận tiền vì yêu cầu BT theo giá mới và tranh chấp đất đai.

Hiện nhiều vị trí đã mất hiện trạng sử dụng đất, nhiều thửa đất đã phát sinh tranh chấp quyền sử dụng đất; đồng thời nhiều vị trí có tình trạng xây dựng cơi nới trái phép gây khó khăn trong kiểm kê, điều chỉnh, quy chủ và giải quyết tranh chấp của các cấp chính quyền.

Một dự án khác là nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, Hội An. Phía Hội An còn vướng 270 hộ nuôi cá với 273 lồng bè, 5 hồ tôm do các hộ cơi nới ở xã Cẩm Hà và các hộ làm nghề sông nước chưa thống nhất nhận tiền BT.

Phía Điện Bàn vướng chủ yếu là nạo vét luồng, chưa GPMB một mố cầu Nghĩa Tự và đường dẫn. Đáng nói, các trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp không được chính quyền cứng rắn xử lý ngay từ đầu.

Qua rà soát, có 10 hộ dân khối phố Hà My Đông A (phường Điện Dương) lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý nhưng thời điểm này vẫn không chịu bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, 40 trường hợp không nhận tiền khi cho rằng đơn giá BT thấp, yêu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, diện tích đo đạc nhỏ hơn với diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giải quyết đồng bộ và đúng pháp luật

Liên quan đến khiếu nại của người dân đòi BT loại đất trồng cây lâu năm chứ không phải loại đất rừng sản xuất từ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Thaco Chu Lai tại xã Tam Anh Nam (Núi Thành), Giám đốc Sở TN&MT Trần Thanh Hà cho biết, nguồn gốc 963 thửa đất/558 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án theo Nghị định 64 của Chính phủ là đất rừng sản xuất, số hộ đã nhận tiền BT là 508 hộ; số hộ chưa nhận tiền BT là 55.

“Số hộ yêu cầu BT đất trồng cây lâu năm là 27/558 hộ - chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các hộ bị ảnh hưởng của dự án nên việc điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa có cơ sở thực tiễn và pháp lý để xem xét giải quyết” - ông Hà khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, dự án nạo vét luồng cảng Kỳ Hà giai đoạn 2 rất quan trọng, khi đưa vào sử dụng sẽ tạo nguồn thu lớn. Vì vậy chính quyền địa phương tiếp tục đối thoại, vận động nhân dân không cản trở thi công nạo vét phần đáy luồng.

Về dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Thaco Chu Lai tại xã Tam Anh Nam, người đứng đầu chính quyền tỉnh lưu ý Núi Thành cần tập trung đầu tư nhanh khu tái định cư Tam Anh để bố trí cho dân vùng dự án. Đồng thời, địa phương sớm xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu đất đai... để có cơ sở quản lý hiện trạng.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, tinh thần là Ban Chỉ đạo không làm thay chính quyền, mà chỉ đôn đốc, giám sát để thúc đẩy tiến độ dự án. Đối với 7 dự án trọng điểm, yêu cầu các địa phương vùng dự án phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, quản lý hiện trạng; các thành viên thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được phân công.

Chủ đầu tư cần phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để tháo gỡ khó khăn, cam kết bàn giao mặt bằng đúng thời gian. Địa phương cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ phù hợp cho người dân trong vùng dự án chuyển đổi nghề nghiệp và tạo điều kiện cho người dân trong vùng dự án có cuộc sống tốt hơn. Đồng thời khẩn trương xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu đất đai.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Na, có 7 dự án trọng điểm của giai đoạn 2021 - 2025 thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo dự án trọng điểm tỉnh. Đó là các dự án đường Võ Chí Công; nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà giai đoạn 2; đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (xã Tam Anh Nam, Núi Thành); phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Hội An; nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống ngập mặn sông Cổ Cò (Hội An); quốc lộ 40B đoạn đường từ tuyến cao tốc đến đường tránh thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước); đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến quốc lộ 1 tại ngã ba Cây Cốc (Thăng Bình).