Xuất khẩu cá ngừ khó cán mốc “tỷ đô”
Theo chuyên gia của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong khi thị trường cá ngừ toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi thì ngành cá ngừ nước ta lại đối mặt với nhiều thách thức có thể kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu. Khả năng năm nay, xuất khẩu cá ngừ khó cán mốc “tỷ đô” như năm 2022.
Xuất khẩu sang các thị trường chính không ổn định
VASEP cho biết, tháng 3/2024, xuất khẩu cá ngừ tăng 17%, đạt gần 84 triệu USD. Luỹ kế 3 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt 215 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng thấp hơn 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến hết tháng 3/2024, cá ngừ Việt Nam đã xuất được sang 86 thị trường trên thế giới. Trong đó, các thị trường chính là Mỹ, EU, khối các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Israel, Nga, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong tháng 3, tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ đã tăng trở lại với mức tăng 16%, đạt hơn 32 triệu USD. Các đơn hàng sang châu Âu (EU) cũng tăng 30%, đạt 19 triệu USD. Xuất khẩu cá ngừ sang Italy và Đức, hai thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối này, tiếp tục tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nhiều thị trường trong khối EU như Hà Lan, Tây Ban Nha, Lithuania… đang giảm nhập khẩu từ Việt Nam.
Xuất khẩu sang Israel và Canada cũng tăng tốc trong tháng 3, với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 95% và 143%.
Sau một thời gian bất ổn, xuất khẩu sang thị trường Nga phục hồi mạnh mẽ từ cuối năm 2023. Riêng tháng 3.2024, xuất khẩu cá ngừ sang Nga tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Luỹ kế 3 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này tăng 65%, đạt gần 9 triệu USD. Con số này đã đưa Nga trở thành thị trường xuất khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 4 trong quý I.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang nhiều thị trường chính khác trong tháng 3 lại không khả quan, như Nhật Bản giảm 18%, Mexico giảm 38%, Chile giảm 34% và Thái Lan giảm 78%. Chính vì thế, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 3 chưa được cao.
Nhiều yếu tố kìm hãm tăng trưởng
Chuyên gia thị trường cá ngừ (VASEP) Nguyễn Hà nhận định, trong khi nhiều dự báo cho thấy thị trường cá ngừ toàn cầu sẽ phục hồi, ngành cá ngừ Việt Nam lại tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức có thể kìm hãm sự tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.
Hiện sản lượng đánh bắt cá ngừ trong nước giảm; theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng khai thác biển trong 3 tháng đầu năm ước đạt 833,6 nghìn tấn, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính riêng về cá ngừ, sản lượng khai thác 3 tháng đầu năm tại 3 tỉnh trọng điểm về khai thác cá ngừ ước đạt 5.392 tấn, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tại Phú Yên ước đạt 1.008 tấn, ước giảm 12% so cùng kỳ; tại Bình Định ước đạt 3.916 tấn, tăng 4%; tại Khánh Hòa ước đạt 368 tấn, giảm 12%.
Bên cạnh đó, mặc dù giá cá ngừ nguyên liệu tại Bangkok đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua nhưng căng thẳng tại biển Đỏ vẫn tiếp tục gia tăng. Có thể trong quý I/2024, điều này chưa ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu nhưng với tốc độ gia tăng giá cước phí vận chuyển như hiện nay và thời gian giao hàng kéo dài sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề về vốn.
Ngoài ra, những vướng mắc liên quan đến thủy sản khai thác và quy định chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cũng đang khiến cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó. Cụ thể, tình trạng thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá kéo dài hàng tháng, thậm chí 2 - 3 tháng đang gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo chuyên gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên xem xét thay đổi quy định theo hướng cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá. Việc này là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong kiểm soát IUU.
Bên cạnh đó, thời gian qua, việc Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản 2017 với nhiều quy định mới được đánh giá là xóa dần khoảng trống về chính sách. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn quan ngại việc Nghị định 37 yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu. Mối lo càng lớn hơn trong bối cảnh, nguồn nguyên liệu trong nước giảm, doanh nghiệp cá ngừ phải gia tăng nhập khẩu cá ngừ từ bên ngoài để đáp ứng các đơn hàng...
Với những khó khăn trên, VASEP dự kiến năm 2024 xuất khẩu cá ngừ sẽ phục hồi chậm và khó cán mốc “tỷ đô” như năm 2022.