Sứ mệnh của APEC trong thời kỳ hậu COVID-19
Thúc đẩy phục hồi kinh tế, tái cơ cấu hướng tới phát triển xanh, bền vững, bao trùm và dựa trên nền tảng số sẽ là “sứ mệnh” của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong thời kỳ “hậu Covid-2019”.
Những nhiệm vụ trọng tâm nêu trên sẽ được thảo luận tại Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 28 diễn ra từ ngày 8 đến 12/11 theo hình thức trực tuyến. Tuần lễ cấp cao APEC năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức lớn và phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh đó, New Zealand, chủ nhà APEC 2021, đã xác định chủ đề “Cùng phối hợp - Cùng hành động - Cùng tăng trưởng” cho năm APEC 2021, tập trung vào ba ưu tiên gồm các chính sách kinh tế, thương mại thúc đẩy phục hồi kinh tế; đẩy mạnh phục hồi bao trùm và bền vững; thúc đẩy sáng tạo và số hóa. Trong đó, vấn đề trọng tâm là thúc đẩy hợp tác phục hồi sau đại dịch và triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Thúc đẩy hợp tác phục hồi sau đại dịch được xác định là trọng tâm thảo luận của Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 28 bởi đây là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các thành viên trong “đại gia đình APEC” cũng như toàn cầu hiện nay. Trong gần hai năm qua, “bão Covid-19” đã quét qua tất cả các khu vực và đẩy hầu hết các nền kinh tế APEC cũng như toàn cầu lún sâu vào khủng hoảng.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9%, thấp hơn dự báo hồi tháng 7. Định chế này cảnh báo hai vấn đề lớn với kinh tế toàn cầu. Một là, những đứt gãy các chuỗi cung ứng và sức ép giá đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Hai là, đại dịch Covid-19 tiếp tục cản bước phục hồi kinh tế và bất bình đẳng trong việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới khiến tình hình không mấy sáng sủa tại các nước đang phát triển.
Trước những thách thức mang tính khu vực và toàn cầu, các quốc gia không thể “đơn thương độc mã” đối phó và sứ mệnh của APEC là dẫn dắt các nền kinh tế thành viên cùng vượt qua thách thức. Quyết tâm hành động để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch đã được thể hiện tại các phiên thảo luận kỹ thuật của các quan chức cấp cao APEC hôm 5/11 vừa qua.
Các nền kinh tế thành viên APEC hiện chiếm khoảng 60% Tổng sản phẩm quốc nội, hơn 48% kim ngạch thương mại và gần 40% dân số thế giới, tham gia vào tổng số 170 thỏa thuận thương mại và thương mại tự do khu vực. Bởi vậy, việc APEC quyết tâm thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu Covid-19, tái cơ cấu hướng tới phát triển xanh, bền vững, bao trùm có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trên quy mô toàn cầu.