Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2021: Chung tay hành động cùng phát triển


Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính APEC 2020 đã diễn ra thành công tốt đẹp, các nhà lãnh đạo tài chính APEC đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về kiểm soát dịch bệnh, cũng như ứng phó với những thách thức trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Hội nghị không chính thức giữa các Bộ trưởng Tài chính APEC và Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC do Bộ trưởng Tài chính New Zealand Grant Robertson chủ trì ngày 25/6/2021.
Hội nghị không chính thức giữa các Bộ trưởng Tài chính APEC và Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC do Bộ trưởng Tài chính New Zealand Grant Robertson chủ trì ngày 25/6/2021.

Nối tiếp nối thành công đó, dưới sự chủ trì của New Zealand, Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2021 đã diễn ra với chủ đề “Cùng chung tay, cùng hành động, cùng phát triển” hướng tới xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương APEC cởi mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của người dân và thế hệ tương lai.

Năm 2021 là thời điểm quan trọng tất cả các quốc gia đều đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra. Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC được xem là cơ hội để các nền kinh tế thành viên APEC cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và xem xét các lựa chọn trong tương lai.

Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC đặt mục tiêu tìm ra các ý tưởng nhằm đóng góp vào tiến trình phát triển của toàn cầu thông qua các sự kiện được lên kế hoạch trong năm 2021 như: Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới lần thứ 12 và Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu.

Chương trình nghị sự được xây dựng tập trung vào 3 nhóm nội dung ưu tiên gồm: (i) Triển vọng kinh tế và các phản ứng chính sách với đại dịch COVID-19 nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó với đại dịch; (ii) Khung khổ và chính sách tài khóa, ngân sách hiện tại và tương lai hướng đến các giải pháp trước mắt nhằm khôi phục kinh tế sau đại dịch, cũng như tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển bền vững; (iii) Sơ kết thực hiện giữa kỳ công tác thực thi Kế hoạch Hành động Cebu và thực hiện Kế hoạch Putrajaya nhằm hiện thực hóa tầm nhìn APEC đến năm 2040 đã được đề ra tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC 2021.

APEC 2021 theo đuổi các chính sách kinh tế và thương mại nhằm thúc đẩy sự đổi mới, chuyển đổi kỹ thuật số và phục hồi kinh tế; tăng cường sự hòa nhập và tính bền vững cho quá trình phục hồi…

Vì vậy, chương trình nghị sự được xây dựng tập trung vào 3 nhóm nội dung ưu tiên gồm: (i) Triển vọng kinh tế và các phản ứng chính sách với đại dịch COVID-19 nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó với đại dịch; (ii) Khung khổ và chính sách tài khóa, ngân sách hiện tại và tương lai hướng đến các giải pháp trước mắt nhằm khôi phục kinh tế sau đại dịch, cũng như tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển bền vững; (iii) Sơ kết thực hiện giữa kỳ công tác thực thi Kế hoạch Hành động Cebu và thực hiện Kế hoạch Putrajaya nhằm hiện thực hóa tầm nhìn APEC đến năm 2040 đã được đề ra tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC 2021.

Các ưu tiên đã được New Zealand cũng như các nền kinh tế tích cực thảo luận thông qua chương trình nghị sự của Hội nghị Thứ trưởng tài chính APEC vào tháng 3/2021, Hội nghị Quan chức Tài chính APEC vào tháng 6/2021, hướng đến Tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vào cuối năm 2021.

Cụ thể: Triển vọng phục hồi kinh tế khu vực; thúc đẩy khung khổ tài khoá và ngân sách bền vững; hiện thực hoá tầm nhìn Putrajaya 2040 và triển khai hiệu quả kế hoạch hành động Cebu; xây dựng sự gắn kết khu vực công và doanh nghiệp...

Triển vọng phục hồi và tăng trưởng của các nền kinh tế APEC

Những vấn đề thảo luận tại Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2021 cho thấy, có sự nhìn nhận tích cực hơn về triển vọng của các nền kinh tế. Hội nghị Thứ trưởng và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tháng 3/2021 đã đưa ra dự báo về tăng trưởng trong năm 2021 và 2022 lần lượt lên mức 5,7% và 4,1%.

Tương tự, Quỹ Tiền tệ Quốc tế kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021 và 2022 lần lượt ở mức 6,0% và 4,9%. Các báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nhận định khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới trong thời gian tới, trong đó tăng trưởng khu vực Đông Nam Á ở mức 4,4% năm 2021 và 5,1% vào năm 2022. Riêng với Việt Nam, con số này lần lượt là 6,7% và 7,0%.

Tuy nhiên, theo các thành viên APEC, dù triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện, song các yếu tố rủi ro vẫn còn hiện hữu và tiềm ẩn, các tác động của đại dịch COVID-19 lên các nền kinh tế cũng như giữa các bộ phận trong cùng một nền kinh tế là khác nhau. Các chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội... (gồm: bảo vệ việc làm, cắt giảm thuế và các khoản tín dụng, trợ cấp tiền lương, cơ cấu lại nợ, cho vay không lãi suất và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền) liên tiếp được các nước triển khai trong vòng 2 năm qua, để kích thích phục hồi kinh tế và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Một số nền kinh tế cũng đã áp dụng các biện pháp nhằm vào những lĩnh vực dễ bị tổn thương như du lịch và hàng không, cũng như các đối tượng dễ bị chịu nhiều tác động như hộ gia đình có thu nhập thấp, thanh niên, phụ nữ, lao động tạm thời, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thống kê của APEC cung cấp tại Hội nghị quan chức cao cấp, kể từ thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 đến nay, các nền kinh tế APEC đã tăng chi cho các biện pháp y tế khoảng 686,2 tỷ USD, chiếm khoảng 0,3-3% GDP tùy theo quốc gia. Về các khoản chi hỗ trợ, nền kinh tế APEC đã chi các khoản chi hỗ trợ khoảng 2 nghìn tỷ USD để trợ cấp cho người dân và chi khoảng 652,5 tỷ USD để hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các khoản vay ưu đãi, trợ cấp tiền mặt, giãn giảm thuế và an sinh xã hội.

Các nền kinh tế APEC nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược đảm bảo tiếp cận và tiêm chủng vắc xin của người dân nhằm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Do vậy, giữa các nền kinh tế, các tổ chức quốc tế, các diễn đàn quốc tế trong đó có APEC cần tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ, hợp tác, viện trợ vắc xin nhằm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Trong khuôn khổ Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2021, các thành viên APEC cũng đã tập trung thảo luận, đánh giá việc thực hiện các biện pháp chính sách tiền tệ và tài khóa là cần thiết trong bối cảnh đại dịch, nhờ đó, kinh tế các nước đã đạt những kết quả tích cực bước đầu. Tuy nhiên, các giải pháp đã được thực thi cũng sẽ tạo ra những thách thức, rủi ro, nợ xấu tăng. Đặc biệt lưu ý tới các rủi ro này, một số nền kinh tế thành viên cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, sự phục hồi kinh tế rất mong manh, cho nên các nước cần tiếp tục thực hiện biện pháp mạnh, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tiếp tục tạo đà cho nền kinh tế phục hồi trong tương lai.

Ngoài việc giải quyết tác động tức thời, trước mắt của đại dịch COVID-19, các nền kinh tế cũng hướng tới việc theo đuổi sự phục hồi, tăng trưởng bền vững và bao trùm trong dài hạn. Một số nền kinh tế đã thúc đẩy cải cách cơ cấu, thị trường lao động và đầu tư vào các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế trong khối APEC cũng ủng hộ việc thúc đẩy phục hồi xanh thông qua quá trình chuyển đổi hướng tới một xã hội đạt được sự cân bằng trong phát thải, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các vấn đề kinh tế - xã hội khác như quản lý dân số già, chuyển đổi kỹ thuật số, đảm bảo tăng trưởng bao trùm.

Thúc đẩy khung khổ tài khóa và ngân sách bền vững

Tầm nhìn của các thành viên APEC cho thấy, trong ngắn hạn, chính sách tài khóa tiếp tục đóng vai trò trọng tâm của quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, quan điểm chung của các nền kinh tế thành viên APEC cho rằng, phản ứng tài khóa của các nền kinh tế cần đạt được 3 mục tiêu sau: (i) Cung cấp các hỗ trợ cần thiết trong hiện tại; (ii) Đảm bảo đạt được hiệu quả phục hồi trong ngắn hạn; (iii) Thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.

Các nền kinh tế APEC và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, ADB, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cũng chỉ ra rằng, với việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, kích thích nhằm ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19, đã khiến nợ công của các quốc gia tăng lên đáng kể (tính theo tỷ trọng GDP và thâm hụt tài khóa).

Theo ADB, tỷ lệ nợ công trung bình ở các nền kinh tế APEC được dự báo sẽ đạt 48% GDP vào năm 2021 - một mức tăng khá lớn so với mức 40% vào năm 2019. Nhằm giảm thiểu rủi ro, giảm nợ công và thâm hụt tài khóa, các nền kinh tế chia sẽ cần chuyển đổi chính sách tài khóa; thực hiện các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu, tập trung hơn vào các lĩnh vực ưu tiên, khu vực nông thôn và các nhóm dễ bị tổn thương. Khi triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện, các nền kinh tế APEC cần tập trung vào hiệu quả lâu dài và tính bền vững của các chính sách tài khóa.

Về tầm nhìn trong dài hạn, việc điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách tài khóa, tái cơ cấu kinh tế cần hướng đến mục tiêu đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tăng trưởng xanh, đảm bảo tính bền vững, bao trùm. Quan trọng hơn là tiếp tục duy trì sự hợp tác giữa các nền kinh tế trong tăng cường minh bạch nợ và chống trốn thuế, chuyển giá và ứng phó với các thách thức chung như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh…

Hiện thực hóa tầm nhìn Putrajaya 2040 và triển khai hiệu quả kế hoạch hành động Cebu       

Một trong những thành công của APEC 2020 là các nền kinh tế đã đạt được sự đồng thuận trong xây dựng Tầm nhìn Putrajaya 2040 hướng tới xây dựng một APEC mở, năng động, tự cường, hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai thông qua thúc đẩy 3 động lực kinh tế sau: (i) Thương mại và đầu tư; (ii) Đổi mới và số hóa; (iii) Tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm.

Năm 2021 là cơ hội để các nền kinh tế thảo luận về các đóng góp của Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vào việc hiện thực hóa tầm nhìn chung của APEC. Đây cũng là giai đoạn để đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động Cebu (thông qua năm 2015) và cập nhật những hành động hữu hiệu phù hợp với bối cảnh mới (như đại dịch COVID-19 và tầm nhìn Putrajaya). Thông qua các khảo sát đánh giá giữa kỳ, các nền kinh tế chỉ ra rằng, Kế hoạch hành động Cebu là công cụ quan trọng, cung cấp một cơ chế tốt để thu thập thông tin và một chuẩn mực thống nhất trong khu vực. Các nền kinh tế đạt được sự thống nhất cao trong việc phản ánh những thay đổi mới song song với việc triển khai các trụ cột chủ chốt trong Chiến lược thực hiện Kế hoạch hành động Cebu.

Xây dựng sự gắn kết giữa khu vực công và cộng đồng doanh nghiệp

Song song với các sự kiện chính, các nhà Lãnh đạo tài chính APEC cũng dành thời gian thảo luận với đại diện khối doanh nghiệp thông qua Hội nghị đối thoại không chính thức giữa Bộ trưởng Tài chính APEC với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC.

Theo đó, các nền kinh tế cũng như đại diện khối doanh nghiệp APEC đã cùng nhau chia sẻ, đánh giá tác động của đại dịch COVID-19, những biện pháp, chính sách, đặc biệt là chính sách tài khóa được thực thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong khu vực APEC, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Khối cộng đồng doanh nghiệp APEC đánh giá cao các biện pháp, chính sách tài khóa mà các nền kinh tế thành viên APEC đã và đang thực hiện trong thời gian qua và cho rằng, các biện pháp này cần được tiếp tục duy trì cho tới khi quá trình phục hồi đạt được kết quả chắc chắn hơn. Trong quá trình này, các nền kinh tế cần quan tâm và có giải pháp đặc biệt đối với: (i) Các doanh nghiệp vi mô, doanh nghiệp vừa và nhỏ - những đối tượng chịu tác động mạnh mẽ bởi đại dịch COVID-19; (ii) Các ngành lĩnh vực chịu tác động nặng nề như lưu trú, du lịch, vận tải...

Các vấn đề thảo luận trong Tiến trình cũng khẳng định vai trò và ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa khu vực công và tư trong giải quyết các vấn đề chung toàn cầu như đại dịch COVID-19, cũng như duy trì sự phát triển bền vững của các nền kinh tế APEC. Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC cũng ghi nhận khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, đó là “APEC cần tiếp tục duy trì môi trường thương mại đầu tư quốc tế tự do, ủng hộ nỗ lực cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới để tạo môi trường ổn định, thuận lợi, đẩy nhanh quá trình phục hồi đồng đều hơn của các nền kinh tế và trên toàn cầu”.

Các thảo luận trong chương trình nghị sự APEC sẽ được các nền kinh tế thể hiện thông qua Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2021 vào tháng 11/2021, qua đó phản ánh quyết tâm và nỗ lực của các nền kinh tế APEC cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19, hướng đến phát triển mạnh mẽ, năng động; trở thành hạt nhân của quá trình hội nhập và hợp tác tài chính toàn cầu, hướng đến sự thịnh vượng cho người dân và thế hệ tương lai.   

Tài liệu tham khảo:

1. Tóm tắt kết quả Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2021;

2. Tài liệu Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC và Hội nghị Quan chức Tài chính APEC 2021;

3. Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF, cập nhật tháng 7/2021;

4. Báo cáo Triển vọng kinh tế Châu Á của ADB, cập nhật tháng 4/2021.

(*) ThS. Trần Thị Thu Huyền, Trần Tiến Đạt - Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính).

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2021.