“Sứ mệnh” đặc biệt của báo chí, truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới
Sáng 27/10/2022, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số”. Hội thảo nhằm tăng cường trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học, tạo diễn đàn học thuật thảo luận về các vấn đề liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông.
Hội thảo tập trung vào 03 nhóm chủ đề chính, bao gồm: Truyền thông trong bối cảnh công nghệ số; Thực trạng vấn đề giới trên báo chí, truyền thông; Một số vấn đề khác liên quan đến chủ đề Hội thảo (từ góc độ pháp luật, đạo đức, văn hoá, thực hành...)
Hội thảo khoa học Quốc gia “Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số” được đánh giá là một diễn đàn khoa học có ý nghĩa đặc biệt trong việc nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong nâng cao nhận thức về bình đẳng và công bằng giới.
“Báo chí, truyền thông có sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Việc tuyên truyền, vận động, lan tỏa những hình ảnh, thông điệp đúng đắn, sâu sắc, toàn diện về bình đẳng giới vừa là vai trò và cũng là thách thức đối với báo chí, truyền thông” - PGS., TS. Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ về ý nghĩa của Hội thảo.
Khai mạc Hội thảo, TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, bình đẳng giới đã trở thành một trong những vấn đề mang tính toàn cầu, nói đến bình đẳng giới là nói đến sự bình đẳng về vị thế cơ hội và các quyền của phụ nữ với nam giới.
Bà Dương Kim Anh thông tin, ngày 3/3/2021, Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 ban hành cùng Nghị quyết số 28/NQ-CP nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với đó, ngày 23/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1790/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới.
Với nỗ lực không ngừng trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ số 3 (MDG3) về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDG5) về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.” – Bà Dương Kim Anh cho hay.
Tại Hội thảo, Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh khẳng định, thúc đẩy bình đẳng giới giúp cả nam giới và nữ giới đều có thể phát huy được những vai trò, thế mạnh cũng như mong ước của mình để đóng góp cho xã hội. Việc thúc đẩy bình đẳng giới thông qua báo chí và truyền thông cần đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Tham luận về vai trò của báo chí, truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong môi trường số, nhà báo Phí Quốc Thuyên – Phó Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam cho hay: "Trong môi trường số, báo chí có một vị trí đặc biệt vì đây được xem như thông tin nguồn đáng tin cậy đối với truyền thông, mạng xã hội. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới cũng cho thấy, trong thời gian qua, các cơ quan thông tấn, báo chí đã quan tâm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới". Nhiều hình ảnh người phụ nữ đã được xuất hiện với tần suất lớn, nói lên được cả những phương diện tích cực và định kiến đối với người phụ nữ nói chung. Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông đang diễn ra mạnh mẽ và dần khẳng định vai trò nguồn thông tin phản ánh mọi lĩnh vực đời sống, giải đáp, hướng dẫn, phân tích, chỉ ra bản chất của các sự kiện, hình ảnh về giới....
Và để báo chí, truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới tốt hơn trong môi trường số, nhà báo Phí Quốc Thuyên đã đưa ra một số giải pháp như sau: Phát huy vai trò cá nhân nhà báo trong chuyển tải thông điệp bình đẳng giới nhằm hạn chế thông điệp ngầm; Tăng cường chất và lượng của tin bài về bình đẳng giới trên báo chí; Nâng cao trách nhiệm của truyền thông, mạng xã hội nhằm lành mạnh hóa thông tin và lan rộng các thông tin tích cực, cổ vũ cho bình đẳng giới đến cộng đồng...
Đánh giá vấn đề giới trên truyền thông trong đại dịch COVID-19, TS. Nguyễn Kiều Nga – Cố vấn Cao cấp của CSAGA cho biết, có một số quan điểm cho rằng, trong bối cảnh thảm họa, phụ nữ có thể được trao quyền hơn, đặc biệt với những phụ nữ có được cơ hội mới để tham gia vào hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Kiều Nga thông tin rằng, các nghiên cứu đã chỉ ra phần lớn phụ nữ gặp nhiều khó khăn và bị ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần, thể chất khi họ phải đảm nhận thêm những gánh nặng liên quan đến tình trạng mất việc đối với những công việc được trả lương, gia tăng công việc chăm sóc không được trả lương... Cũng như ở các nước khác, phụ nữ Việt Nam là một trong những nhóm dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19.
"Truyền thông và báo chí đã lên tiếng phản ánh những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với phụ nữ. Đó là những thông tin về các rủi ro mà dịch bệnh gây thêm cho phụ nữ qua góc nhìn giới. Ngoài việc làm gia tăng gánh nặng, dịch bệnh cũng tạo thêm nỗi sợ hãi khi phải đối mặt với nạn bạo hành gia đình khi phụ nữ và trẻ em phải ở lâu trong nhà cùng người gây bạo lực do gãi cách kéo dài."
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ThS. Đặng Diễm Quỳnh – Giám đốc Trung tâm phim truyền hình VFC, Đài truyền hình Việt Nam cho biết, định kiến giới là vấn đề xã hội được nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu suốt nhiều thập kỷ. Dưới góc nhìn của mình, ThS. Đặng Diễm Quỳnh lựa chọn phân tích tính cách và hành vi của các nhân vật trong một bộ phim truyền hình của Việt Nam có tên "Anh có phải đàn ông không?" để nói về vấn đề này.
ThS. Đặng Diễm Quỳnh cho biết, thông qua bộ phim, ekip sản xuất đã đưa ra hình mẫu về 3 nhân vật nam tiêu biểu cho 3 định kiến vầ phái mạnh: phải là trụ cột gia đình; nắm quyền kiểm soát gia đình và thống trị phụ nữ; phải hoàn hảo và không được mắc sai lầm. Chính những định kiến đó đã ảnh hưởng đến hành vi, cách cư xử của họ đến những người xung quanh.
"Có thể gọi bộ phim này là thế giới thu nhỏ của những người đàn ông, một đề tài chưa có nhiều bộ phim truyền hình khai thác. Đây là một trong những cách tiếp cận, truyền thông dễ hiểu, dễ cảm, gần gũi, chân thực góp phần xóa bỏ định kiến giới trong xã hội." - Ths. Đặng Diễm Quỳnh nhấn mạnh.
Hội thảo đã nhận được hơn 80 đề xuất viết bài đến từ nhà khoa học, học giả trong nước và quốc tế; giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh từ các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, các nhà quản lý, hoạt động xã hội; các cơ quan báo chí, truyền thông. Qua quá trình phản biện, Ban Tổ chức đã lựa chọn và thông qua 37 tham luận chất lượng, đạt tiêu chuẩn về tính khoa học, tính lý luận và giá trị thực tiễn, được chọn in trên Kỷ yếu khoa học có chỉ số ISBN.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được lắng nghe và trao đổi, thảo luận về một số nội dung khác như: Sách minh họa kỹ thuật số dành cho thiếu nhi, một phương tiện truyền thông về bình đẳng giới trong thời đại công nghệ số; “Phụ nữ tùng thư” và sự tiếp nhận của giới trẻ đối với tủ sách thông qua kênh truyền thông mạng xã hội Facebook...