Sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
Sự phối hợp hài hòa giữa hai chính sách đã đóng góp quan trọng để bảo đảm cân đối vĩ mô, đảm bảo thu chi ngân sách theo kịp tiến độ.
“Chưa bao giờ sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ tốt như bây giờ…”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét như vậy khi đề cập đến một trong những nguyên nhân dẫn tới kết quả ngành Tài chính đã đạt được trong 6 tháng qua. Ông cho rằng, sự phối hợp đó có đóng góp quan trọng để bảo đảm cân đối vĩ mô, đảm bảo thu chi ngân sách theo kịp tiến độ.
Hiệu quả từ phối hợp chính sách
Trên thực tế, ngành Tài chính bước vào thực hiện nhiệm vụ ngân sách 6 tháng đầu năm 2016 trong bối cảnh có nhiều khó khăn và thách thức. Sức ép “điều hành như đi trên dây” mà Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phải thốt lên trước Quốc hội năm ngoái, đến nay chưa bớt. Cân đối ngân sách vẫn là khó khăn nhất trong các cân đối vĩ mô.
Bởi lẽ, tăng trưởng kinh tế chậm lại, thu ngân sách vì thế đầy khó khăn. Trong khi đó, chính sách thuế cũng phải thay đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn cho DN, giảm nhiều loại thuế… Chính vì vậy ngay từ đầu năm, bám sát tình hình Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các kịch bản điều hành ngân sách phù hợp.
Nhưng để đảm bảo nhiệm vụ chi, đảm bảo chi trả nợ thì phải huy động thêm vốn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng chậm và ở mức thấp nên nợ công đứng trước nguy cơ đụng trần. Bộ đã nhất quán điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính...
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, để hỗ trợ cân đối ngân sách, đảm bảo vốn cho đầu tư, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các giải pháp huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ, thúc đẩy giải ngân vốn vay ODA; tiếp tục cơ cấu lại nợ trong nước theo hướng đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên; tăng cường quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh cũng như nợ của chính quyền địa phương… Trong quá trình huy động vốn cân đối ngân sách ấy, vai trò ngành Ngân hàng rất lớn.
Riêng về quản lý giá cả, một trong những nội dung quan trọng để đảm bảo ổn định vĩ mô, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện quản lý, điều hành đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, sữa…; điều chỉnh giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2016. “Với những giải pháp đã triển khai cùng với việc kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, công tác quản lý giá đã có kết quả tích cực”, Thứ trưởng Hà báo cáo.
“Cả 2 bên Bộ Tài chính và NHNN đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, bám sát tình hình kinh tế - xã hội để bảo đảm khi thực hiện chính sách điều hành, sẽ không chủ quan với lạm phát”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ thêm và đồng thời nhấn mạnh: kiểm soát lạm phát, phát triển thị trường tài chính và huy động vốn là những vấn đề liên quan trực tiếp đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa là đặc biệt quan trọng.
Cụ thể hóa các hỗ trợ
Trong nửa đầu năm nay, song hành cùng nhiệm vụ điều hành linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ để vừa hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay vừa ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối… NHNN đã hỗ trợ tích cực cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ. Mà nền tảng cho sự hỗ trợ đó đến từ việc hai bên đã hợp tác chặt chẽ hơn trong các mặt công tác.
“Sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa còn thể hiện ở việc NHNN và Bộ Tài chính tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin kịp thời”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết. Chủ động về phần mình, NHNN thường xuyên cung cấp thông tin về thanh khoản của các TCTD, diễn biến lãi suất trên thị trường... Ngược lại, Bộ Tài chính cung cấp thông tin về khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành, dự kiến những khoản đến hạn thanh toán...
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chia sẻ những thông tin về thu chi ngân sách, để NHNN nắm được chỉ số đầu vào cho việc điều hành chính sách tiền tệ. Trên cơ sở những thông tin được chia sẻ, các đơn vị chức năng của hai bên, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc NHNN sẽ đưa ra những quyết định điều hành phù hợp, bám sát chỉ đạo của Chính phủ.
Cụ thể, NHNN đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho ngân sách đúng pháp luật; điều hành để đảm bảo ổn định thị trường, điều tiết lượng dư thừa thanh khoản ở các TCTD một cách hợp lý, vừa đáp ứng được mục tiêu điều hành của NHNN vừa hỗ trợ việc phát hành trái phiếu Chính phủ.
Sáng hàng ngày, NHNN tính toán lượng vốn khả dụng dư thừa của các TCTD, trao đổi với đơn vị chức năng của Bộ Tài chính rồi quyết định lượng tiền đưa ra. Đặc biệt những ngày Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc tín phiếu Kho bạc Nhà nước thì NHNN không phát hành, hoặc phát hành tín phiếu NHNN với lượng ít hơn.
Trong điều hành tỷ giá, từ khi NHNN áp dụng điều hành tỷ giá mới đã giảm thiểu hiện tượng găm giữ và đầu cơ ngoại tệ, lượng vốn khả dụng dư thừa, các TCTD có điều kiện thuận lợi mua trái phiếu Chính phủ. NHNN cũng đã sửa đổi Thông tư 36 cho tăng tỷ lệ mua trái phiếu Chính phủ của các NHTM Nhà nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho phát hành trái phiếu Chính phủ đạt mục tiêu. Đồng thời, NHNN cũng đã phối hợp hỗ trợ Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp của Bộ về cơ cấu lại thị trường trái phiếu Chính phủ.
Kết quả, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ 6 tháng đầu năm đã đạt 85% kế hoạch đề ra cho năm; kỳ hạn phát hành bình quân đã lên 6,8 năm; với giải pháp điều tiết tiền tệ hợp lý, duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp nên trái phiếu Chính phủ được phát hành với lãi suất thấp và lãi suất loại kỳ hạn từ 3-5 năm đã giảm so với 2015…