Sự tham gia của lực lượng lao động và những tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam


Nghiên cứu này chỉ ra mối quan hệ trong ngắn hạn và dài hạn giữa tăng trưởng kinh tế, sự tham gia của lực lượng lao động và tổng vốn cố định hình thành (GFCF). Dữ liệu chuỗi thời gian từ năm 1994 đến năm 2019 được thu thập từ Ngân hàng Thế giới, thông qua mô hình tự hồi quy phân phối trễ chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế trong 26 năm gần đây có diễn biến ngược chiều đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, trong khi tổng vốn cố định và sự tham gia của lực lượng lao động có mối quan hệ tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, tồn tại mối quan hệ cân bằng dài hạn tích cực có ý nghĩa thống kê của tổng vốn cố định và sự tham gia của lực lượng lao động đến tăng trưởng kinh tế.

Giới thiệu

Tổng sản phẩm quốc nội là giá trị của hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất trong ranh giới của các quốc gia trong khoảng thời gian một năm. Tăng trưởng hàng năm của tổng sản phẩm quốc nội được sử dụng làm biến đại diện cho tăng trưởng kinh tế (TTKT).

Lực lượng lao động (LLLĐ) bao gồm những người sản xuất hàng hóa và dịch vụ để đáp ứng các yêu cầu của xã hội và nói cách khác là số người sẵn sàng làm việc và độ tuổi trên 16 tuổi. Các nước đang phát triển phải đối mặt với vấn đề mức độ tham gia của LLLĐ thấp. Các nghiên cứu khác nhau cho thấy, có mối quan hệ chặt chẽ giữa TTKT và tỷ lệ tham gia LLLĐ. LLLĐ có tay nghề cao góp phần thúc đẩy TTKT (Duval, Eris & Furceri, 2010).

Các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển đều muốn tăng tổng sản phẩm quốc nội, vì tổng sản phẩm quốc nội đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ nền kinh tế nào. Tốc độ TTKT của Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu được thể hiện tại Hình 1.

Sự tham gia của lực lượng lao động và những tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 1

Thời kỳ 1994–1999 được coi là giai đoạn phát triển thành công của Việt Nam. Việc chuyển sang kinh tế thị trường (KTTT) đã làm thay đổi toàn diện nền kinh tế. TTKT giai đoạn này có năm đạt trên 9%, cụ thể năm 1995 là 9,54% và năm 1996 là 9,34%. Giai đoạn 1994-1997 là thời kỳ kinh tế Việt Nam kiềm chế thành công lạm phát, đồng thời tăng trưởng nhanh chóng. Sau đó, kinh tế tăng trưởng chậm lại trong 2 năm 1998-1999, ở mức 5,76% năm 1998 và 4,77% năm 1999, rồi lại tiếp tục đà tăng nhanh trong những năm đầu 2000.

Thập niên 1990 và đầu năm 2000 là thời kỳ mà Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế mà đỉnh cao là việc ký hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (năm 2006) và Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (năm 2001). "Đổi mới" là cụm từ được dùng để mô tả thời kỳ 1986-2000, thời kỳ chuyển biến thực sự về nhận thức tư duy kinh tế, áp dụng KTTT và hội nhập quốc tế. Báo chí nước ngoài đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam, ví Việt Nam như "con hổ" kinh tế trong tương lai.

Sự tham gia của lực lượng lao động và những tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 2

Kinh tế năm 2007 tăng trưởng 8,5%, cao nhất kể từ năm 1997. Tuy nhiên, năm 2008, nền kinh tế Việt Nam chững lại, được cho bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2010.

Từ năm 2007, nền kinh tế đã có dấu hiệu lạm phát cao. Đặc trưng giai đoạn này là tốc độ TTKT chững lại (chỉ đạt 5–6%/năm so với 7–8% giai đoạn trước). Năm 2009 tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,39%, thấp nhất kể từ năm 1999. Năm 2010 là 6,42% và năm 2011 là 6,24%.

Tiếp đó, năm 2019, trước khi chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức tương đối cao 7,02%. Để tìm hiểu các yếu tố tác động đến TTKT thời gian qua, tác giả thực hiện nghiên cứu này, trong đó tập trung làm rõ các tác động của lực lượng lao động và tổng vốn cố định hình thành.

Tổng quan nghiên cứu và đề xuất giả thuyết nghiên cứu

Denton, Spencer (1997) đã nghiên cứu dân số, LLLĐ và TTKT trong dài hạn. Các tác giả sử dụng kỹ thuật phân tích xu hướng. Kết quả cho thấy, phần lớn dân số Canada đang già đi. Độ tuổi của họ trên 65 tuổi, tốc độ gia tăng dân số cũng giảm, nguyên nhân chính là do tỷ lệ sinh thấp và dự đoán sẽ tiếp tục giảm nếu tình trạng nhập cư tiếp tục ở mức độ gần đây. Sự tham gia vào LLLĐ của người dân Canada cũng bị giảm sút. Giờ đây, nền kinh tế Canada chủ yếu phụ thuộc vào nhập cư để tăng trưởng LLLĐ.

Sự tham gia của lực lượng lao động và những tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 3

Duval, Eris và Furceri (2010) nhận thấy, tình trạng có trễ của sự tham gia của LLLĐ ở các nước công nghiệp. Các tác giả đã sử dụng phương pháp tiếp cận hàm phản ứng xung lực để tìm ra tác động lớn của sự tham gia của LLLĐ đối với khu vực công nghiệp. Dữ liệu mẫu của 30 quốc gia trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 2008. Tuy nhiên, kết quả cho thấy những cú sốc kinh tế bất lợi có ảnh hưởng dai dẳng đến sự tham gia của LLLĐ.

Sarwar, Abbasi (2013) đã phân tích, sự tham gia của LLLĐ của phụ nữ ở Pakistan. Các tác giả sử dụng kỹ thuật phân tích xu hướng cho thấy sự tham gia của LLLĐ nữ dưới mức tiêu chuẩn quốc tế và các nước phát triển. Hơn nữa, hầu hết phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức thích nông nghiệp. Yếu tố đằng sau sự phân biệt đối xử về giới là chính trị, kinh tế và văn hóa đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc tham gia LLLĐ nữ ở Pakistan.

Sự tham gia của lực lượng lao động và những tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 4

Với tình huống của Việt Nam, có một số nghiên cứu như của Nguyễn Ngọc Hùng (2016). Tác giả sử dụng mô hình tự hồi quy phân phối trễ. Kết quả cho thấy, yếu tố tăng trưởng lao động có tác động tức thời và ngược chiều lên tăng trưởng GDP; khi tỷ lệ lao động càng tăng lên thì tỷ lệ GDP lại có xu thế giảm.

Yếu tố tuổi thọ có tác động kéo dài lên tăng trưởng GDP, trong đó tuổi thọ có tác động tức thời và cùng chiều lên tăng trưởng GDP ở độ trễ 2, tuy nhiên ở độ trễ 1 tuổi thọ có tác động ngược chiều lên tăng trưởng GDP.

Yếu tố tỷ lệ người lớn biết chữ có tác động tức thời và cùng chiều lên tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào phân tích tác động của tổng vốn cố định đến TTKT của Việt Nam. Đó là khoảng trống để tác giả thực hiện nghiên cứu này.

Sự tham gia của lực lượng lao động và những tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 5

Tổng vốn cố định hình thành (Gross Fixed Capital Formation – GFCF) là một khái niệm kinh tế vĩ mô, đo lường mức đầu tư vào hạ tầng, từ đó xác định tiềm năng tăng trưởng tương lai của một nền kinh tế.

Tổng vốn cố định hình thành theo dõi các khoản đầu tư vào nhà ở và các tòa nhà khác, đường xá, cầu cống, đường sắt, mạng lưới điện cũng như mua sắm thiết bị máy móc trong một nền kinh tế.

Từ tình huống nghiên cứu tại Pakistan, tác giả thực hiện nghiên cứu cho Việt Nam với mục tiêu sau: (i) Tìm tác động của sự tham gia của LLLĐ đối với TTKT; (ii) Tìm ảnh hưởng của tổng vốn cố định đến TTKT.

Căn cứ tổng quan lý thuyết, tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu tại Hình 2.

Tuy nhiên, khác với phương pháp của Muhammad Shahid, tác giả không sử dụng kiểm định đồng tích hợp Johanson hay mô hình tự hồi quy dạng vectơ mà sử dụng mô hình tự hồi quy có phân phối trễ để nghiên cứu mối quan hệ giữa sự tham gia của LLLĐ và tổng vốn cố định đến TTKT, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Kết quả nghiên cứu

Số liệu theo năm thu thập được từ World Bank trong giai đoạn 1994-2019 được biểu hiện cụ thể tại Bảng 1.

Bảng 2 thể hiện các giá trị thống kê cơ bản của từng biến như: giá trị trung bình, giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất, độ lệch chuẩn. Trong đó, các biến nghiên cứu đều có phân phối chuẩn. Đồ thị mô tả biến động của từng biến đã thể hiện trực quan sự vận động của mỗi biến trong giai đoạn nghiên cứu (Hình 3).

Sự tham gia của lực lượng lao động và những tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 6

Ngoài việc cung cấp hình ảnh trực quan về sự biến động của từng biến, Hình 3 còn giúp dự báo tính dừng của các chuỗi dữ liệu. Có thể đưa ra dự đoán rằng, các biến đều không dừng. Các kết quả kiểm định tính dừng của chuỗi thời gian sử dụng kiểm định Augmented Dicky Fuller có hệ số chặn, được trình bày trong Bảng 3.

Kết quả kiểm định tính dừng của các chuỗi trong Bảng 3 cho thấy, với mức ý nghĩa 5%, các chuỗi thời gian ban đầu của 3 biến nghiên cứu đều không dừng nhưng các chuỗi sai phân bậc nhất của các biến này đều dừng. Nói các khác các biến này có đồng tích hợp bậc 1 hay ký hiệu là I (1).

Để đảm bảo các chuỗi đưa vào mô hình đều dừng, các chuỗi sai phân bậc nhất sẽ được sử dụng. Các tác giả thực hiện ước lượng cho mô hình, với bậc trễ tối đa cho các biến đều là 5, sử dụng tiêu chuẩn Hannan-Quinn để lựa chọn mô hình tốt nhất. Kết quả nhận được mô hình tốt nhất là mô hình ARDL (2, 3, 5). Kết quả ước lượng mô hình này như trong Bảng 4.

Sự tham gia của lực lượng lao động và những tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 7

Để sử dụng mô hình trong phân tích, cần thực hiện các kiểm định với mô hình. Kết quả kiểm định cho thấy, mô hình ARDL không mắc khuyết tật tự tương quan của phần dư bậc từ 1 đến 5. Kiểm định phần dư: Tổng tích lũy của phần dư (CUSUM: Cumulative Sum of Recursive Residuals) nằm trong dải tiêu chuẩn ứng với mức ý nghĩa 5%, nên có thể kết luận phần dư của mô hình ARDL có tính ổn định và vì thế mô hình ARDL là ổn định. Ngoài ra, kiểm định đồng tích hợp thể hiện sự tồn tại của mối cân bằng dài hạn giữa các biến trong mô hình ARDL. Và mối quan hệ cân bằng trong dài hạn được thể hiện như tại Bảng 5.

Kết luận

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, trong ngắn hạn:

- Tăng trưởng GDP trong 2 năm trước có xu hướng tác động ngược chiều đến tăng trưởng GDP năm nay.

- Tỷ lệ lao động tham gia vào nền kinh tế có xu hướng kích thích TTKT nhưng hiệu ứng tích cực có độ trễ trong 2 năm. Điều này cho thấy, việc tăng trưởng lao động cũng như dân số đang có phản ứng tốt đến nền kinh tế.

- Tổng vốn cố định trong 2, 3, 4 năm trước đều phát huy tác động tích cực đến tăng trưởng GDP năm nay.

Kết quả trong Bảng 5 cũng thể hiện rằng, trong dài hạn, tỷ lệ lao động tham gia vào nền kinh tế và tổng vốn cố định đều có tác động tích cực đến TTKT.

Sự tham gia của lực lượng lao động và những tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 8

Như vậy, kết quả trong ngắn hạn và dài hạn đều thể hiện chính sách lao động và đầu tư tài sản cố định của Việt Nam đang đúng hướng với mục tiêu TTKT. Theo đó, khuyến nghị đặt ra đối với Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo là nên tiếp tục duy trì chiến lược tăng cường mức độ tham gia, tạo cơ hội việc làm cho LLLĐ tham gia vào nền kinh tế và quan tâm đầu tư cho tài sản cố định cho toàn nền kinh tế, nhằm mục tiêu TTKT cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Ngọc Hùng (2016), Tác động của nguồn nhân lực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Tạp chí Tài chính online, kỳ 1, tháng 8/2016, https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/tac-dong-cua-nguon-nhan-luc-den-tang-truong-kinh-te-viet-nam-111620.html.

2. Denton, F. T., Spencer, B. G., (1997). Population, labour force and long-term economic growth. Hamilton, Ont.: Research Institute for Quantitative Studies in Economics and Population, McMaster University.

3. Duval, R., Eris, M., & Furceri, D. (2010). Labour Force Participation Hysteresis in Industrial Countries: Evidence and Causes.

4. Muhammad S. (2014). Impact of Labour Force Participation on Economic Growth in Pakistan. Journal of Economics and Sustainable Development, Vol.5, No.11, 89-93.

5. Sarwar, F., & Abbasi, A. S. (2013). An In-Depth Analysis of Women's Labor Force Participation in Pakistan. Middle East Journal of Scientific Research,15(2).

* TS. Võ Thị Vân Khánh-Học viện Tài chính 

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 11/2021