Luật thuế Tài nguyên:
Sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn khai thác tài nguyên theo từng giai đoạn
Luật thuế Tài nguyên là một trong 5 Luật thuế dự kiến được Chính phủ xem xét đưa vào diện sửa đổi, bổ sung lần này. Mục tiêu nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Luật khoáng sản và phù hợp với thực tiễn hoạt động khai thác tài nguyên theo từng giai đoạn.
Sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn khai thác tài nguyên
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) tại Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội, ngày 30/3/2017, Bộ Tài chính đã có công văn số 4191/BTC-CST ngày 30/3/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho sửa đổi, bổ sung 05 Luật thuế hiện hành, trong đó gồm có Luật thuế tài nguyên và Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Định hướng sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tài nguyên lần này thực hiện mục tiêu tổng quát đã nêu ra trong Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ): Đưa thuế tài nguyên trở thành công cụ quản lý, bảo vệ và thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia, nhất là đối với tài nguyên không tái tạo; Thúc đẩy khai thác tài nguyên gắn liền với chế biến sâu và góp phần hạn chế tối đa xuất khẩu tài nguyên chưa qua chế biến; Sửa đổi, bổ sung quy định về giá tính thuế, thuế suất và thực hiện phương pháp quản lý thu cho phù hợp với thực tiễn hoạt động khai thác tài nguyên theo từng giai đoạn.
Thực tiễn triển khai thực hiện Luật thuế Tài nguyên thời gian qua cho thấy, quy định tại Luật thuế Tài nguyên cơ bản phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên đã phát huy được những tác động tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, chính sách thuế Tài nguyên cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Cụ thể một số quy định tại Luật thuế Tài nguyên hiện hành chưa thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan, chưa thống nhất với các quy định khác tại Luật và chưa phù hợp với thực tế, cụ thể: Quy định về người nộp thuế trong trường hợp khai thác nhỏ lẻ (hầu hết đều không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác) là chưa phù hợp với quy định của Luật khoáng sản, tạo điều kiện hợp thức hóa hoạt động khai thác trái phép nguồn tài nguyên; Quy định về tên gọi các loại nước thiên nhiê n tại Luật chưa thống nhất; Quy định về giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện và tài nguyên khai thác xuất khẩu là chưa phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan (pháp luật về điện lực, pháp luật về hải quan).
Những nội dung xem xét sửa đổi, bổ sung
Về người nộp thuế: Mục tiêu đảm bảo phù hợp với quy định của Luật khoáng sản và phù hợp với thực tế tình hình thực hiện. Tại Điểm c Khoản 2 Điều 3 Luật thuế Tài nguyên quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp thuế tài nguyên cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế”.
Trên thực tế, việc quản lý đối với các tổ chức, cá nhân khai thác nhỏ, lẻ là rất khó khăn, nhất là các trường hợp cá nhân khai thác thủ công, khai thác ở vùng sâu, vùng xa...
Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua chỉ lập bảng kê thu mua chứ không cam kết nộp thuế thay hoặc không có hóa đơn chứng minh tài nguyên thu mua đã được nộp thuế tài nguyên. Vì không quy định điều kiện ràng buộc nộp thuế cũng không quy định chế tài xử lý nên không có cơ sở để thu thuế tài nguyên đối với các trường hợp này.
Theo quy định của Luật Khoáng sản, để được phép khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện quy định (có dự án đầu tư khai thác khoáng sản; có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản...).
Theo đó, về cơ bản chỉ có tổ chức mới đủ khả năng để được cấp phép khai thác khoáng sản. Trên thực tế cũng cho thấy, các hoạt động khai thác khoáng sản nhỏ, lẻ hầu hết là khai thác trái phép, không được cơ quan nhà nước cấp phép khai thác. Do đó, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Luật thuế Tài nguyên nêu trên sẽ tạo điều kiện hợp thức hóa hoạt động khai thác trái phép nguồn tài nguyên.
Để phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản, phù hợp với thực tế, đề nghị bỏ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Luật thuế Tài nguyên về người nộp thuế trong trường hợp khai thác nhỏ, lẻ.
Nội dung sửa đổi, bổ sung được thể hiện tại khoản 2 Điều 6 dự thảo Luật.
Về tên gọi các loại nước thiên nhiên: Thống nhất tên gọi của các loại nước thiên nhiên tại Luật. Tại khoản 5 Điều 5 Luật thuế Tài nguyên về sản lượng tài nguyên tính thuế quy định: “Đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên dùng cho mục đích công nghiệp thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định bằng mét khối (m3) hoặc lít (l) theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam.”
Tại Điều 2 và Điều 8 Luật thuế Tài nguyên về đối tượng chịu thuế và biểu khung thuế suất thuế tài nguyên chỉ quy định nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp, nước thiên nhiên dùng sản xuất, kinh doanh; không quy định nước thiên nhiên dùng cho mục đích công nghiệp.
Do đó, để thống nhất tên gọi các loại nước thiên nhiên tại Luật thuế Tài nguyên, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 5 Luật thuế Tài nguyên về sản lượng tài nguyên tính thuế đối với các loại nước thiên nhiên, trừ nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện như sau: “Đối với nước thiên nhiên (trừ nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện) thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định bằng mét khối (m3) hoặc lít (l) theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam”.
Nội dung sửa đổi, bổ sung được thể hiện tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật.
Về giá tính thuế tài nguyên: Đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về điện lực, pháp luật về hải quan.
- Về giá tính thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện: Tại điểm a khoản 3 Điều 6 Luật thuế Tài nguyên về giá tính thuế tài nguyên quy định: “Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện là giá bán điện thương phẩm bình quân”.
Theo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành thì giá bán điện thương phẩm bình quân để tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện đang được lấy theo giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công Thương công bố.
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 15 Điều 1 Luật số 24/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực thì có nhiều loại giá bán điện khác nhau như: Giá bán lẻ điện, giá bán buôn điện, giá phát điện...; khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện... do Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt.
Luật số 24/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực chưa có quy định về giá bán điện thương phẩm bình quân và cơ quan ban hành, công bố giá bán điện thương phẩm bình quân.
Để nâng cao tính pháp lý, phù hợp với quy định của pháp luật về điện lực, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện tại điểm a khoản 3 Điều 6 Luật thuế Tài nguyên như sau: “Giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng sản xuất thủy điện là giá bản lẻ điện bình quân do Bộ chuyên ngành quy định”.
Nội dung sửa đổi, bổ sung được thể hiện tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật.
- Về giá tính thuế tài nguyên đối với tài nguyên khai thác xuất khẩu: Tại điểm c khoản 3 Điều 6 Luật thuế Tài nguyên quy định: “c) Đối với tài nguyên khai thác không tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu là giá xuất khẩu; ”
Theo Luật Hải quan số 54/2014/QH13 thì không có khái niệm “giá xuất khẩu” mà chỉ có khái niệm “trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu”.
Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 6 Luật thuế Tài nguyên như sau: “c) Đối với tài nguyên khai thác không tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu là trị giá hải quan của tài nguyên khai thác xuất khẩu theo quy định của Luật Hải quan”.
Nội dung sửa đổi, bổ sung được thể hiện tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật.