Sửa đổi các Luật thuế đảm bảo tăng trưởng nguồn thu ngân sách
Đó là mục tiêu quan trọng được ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính nhấn mạnh tại buổi Họp báo chuyên đề “Giới thiệu Dự án Luật sửa 5 Luật Thuế” do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 15/8/2017.
Tại buổi Họp báo chuyên đề, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết, tại công văn số 4191/BTC-CST ngày 30/3/2017 Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho sửa đổi, bổ sung 05 Luật thuế hiện hành, gồm có Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật thuế tài nguyên.
Dự án Luật sửa 5 Luật Thuế thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã đưa ra mục tiêu từng bước cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước.
Dự án Luật sửa 5 Luật Thuế nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý. Theo đó việc sửa đổi các Luật thuế phải đảm bảo tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn.
Ông Phạm Đình Thi nhấn mạnh, Dự án Luật sửa 5 Luật Thuế nhằm thực hiện cải cách chính sách thuế để đáp ứng và tương thích với các Luật mới được Quốc hội ban hành như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật đầu tư, Luật khoáng sản...; để góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng, nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích người nộp thuế mở rộng sản xuất kinh doanh theo chính sách phát triển của Nhà nước trong giai đoạn sắp tới trên cơ sở thu hẹp diện ưu đãi theo ngành, lĩnh vực, qua đó góp phần mở rộng cơ sở thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế.
Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung chính sách thuế hướng đến đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đó tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, đòi hỏi chính sách thuế phải đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển; phù hợp với các cam kết quốc tế, với cam kết tại các thỏa thuận và Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc đang trong quá trình đàm phán để ký kết, tham gia, qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và tăng việc làm cho người lao động, chống thất thu ngân sách nhà nước, chống gian lận thương mại, chuyển giá...