Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: “Gói” như vậy hay mở rộng hơn?
Tại hội thảo do Ủy ban Kinh tế tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đề cập đến phạm vi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Bên cạnh luồng quan điểm nhất trí với Dự thảo Luật, theo đó tập trung vào các quy định xử lý TCTD yếu kém, khá đông đại biểu cho rằng Ban soạn thảo nên rà soát và sửa ngay những vấn đề đang gây ách tắc cho hệ thống ngân hàng.
“Sửa ngay, không chờ”
Trước khi giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đoàn Thái Sơn cho biết, việc ban hành Luật này nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém; đồng thời bổ sung các biện pháp ngăn ngừa phát sinh mới các TCTD yếu kém và giải quyết tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hệ thống.
Với mục đích như vậy, Ban soạn thảo đã tập trung hoàn thiện các quy định về kiểm soát đặc biệt. Không chỉ làm rõ khái niệm “kiểm soát đặc biệt”, liệt kê cụ thể những trường hợp đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt, Dự thảo Luật còn quy định rõ trách nhiệm đề xuất và thẩm quyền quyết định chủ trương xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Đáng chú ý, Ban soạn thảo đã bổ sung quy định về phương án chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt - chính là việc NHNN mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng trước đây. Chính bởi sự thiếu vắng những cơ sở pháp lý đã khiến dư luận tỏ ra không hoàn toàn thông suốt với hành động mạnh tay này của NHNN nhằm xử lý các vấn đề tồn tại trong hệ thống ngân hàng.
"Tôi nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật", Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hữu Đức chia sẻ quan điểm. Tuy nhiên, một “đồng nghiệp” của ông - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh - lại có góc nhìn khác. “Ngoài nội dung như Tờ trình của Chính phủ, tôi cho rằng cần mở rộng thêm. Cái gì thực tiễn đang cần và đã được chứng minh rõ ràng thì nên sửa ngay, không chờ”.
Một ví dụ ông Sinh đưa ra là quy định về lãi suất đang có sự không đồng nhất giữa Bộ Luật Dân sự 2015 và Luật Các Tổ chức tín dụng. “Tại sao không sửa luôn”, ông Sinh đặt câu hỏi.
“Nghe ý kiến anh Sinh tôi mới thấy mình sai lầm”, nguyên Phó Thống đốc NHNN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Dương Thu Hương tiếp lời. Trước khi đến dự hội thảo, bà cho rằng, cơ cấu lại các TCTD là việc cấp thiết thì nên tập trung sửa đổi. “Nhân lúc này, vấn đề nào đang gây ách tắc cho hệ thống ngân hàng thì rà soát sửa luôn”, bà Hương đề xuất.
Đại diện Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và đại diện Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng có quan điểm như vậy. Giải thích vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, trước mắt, việc ban hành Luật nhằm tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém. NHNN đã có kế hoạch sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước vào sau năm 2020.
Chưa có tiêu chí mang tính định lượng
Đại diện Ban soạn thảo cho biết, đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua và thể hiện trong Dự thảo Luật.
Tuy nhiên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến cho rằng, Dự thảo Luật chưa đưa ra được tiêu chí mang tính định lượng để xác định các phương án cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt nhằm tăng tính minh bạch. Ông đề xuất Ban soạn thảo làm rõ điều kiện, quyền lợi của các TCTD được chỉ định nhận chuyển giao bắt buộc.
“Một số quy định khác cũng phải được làm rõ như quyền lợi của người gửi tiền trong các trường hợp TCTD bị kiểm soát đặc biệt, trách nhiệm của các bên liên quan trong giai đoạn trước và sau cơ cấu lại; tiêu chí, nguyên tắc, cơ chế lựa chọn, chỉ định TCTD, nhà đầu tư nhận chuyển giao bắt buộc”, ông Tiến góp ý.
Nhằm xử lý tình trạng sở hữu chéo, ngăn ngừa nợ xấu mới, Dự thảo Luật bổ sung quy định: Các trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của TCTD trở lên phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.
Trường hợp này, bên mua, bên nhận chuyển nhượng phải kê khai cụ thể các nguồn vốn sử dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần và có văn bản cam kết không sử dụng nguồn vốn do TCTD cấp để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần. Quy định này gây nhiều băn khoăn. Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, với các ngân hàng đã niêm yết trên thị trường, các giao dịch chủ yếu là khớp lệnh thỏa thuận, không thể biết đâu là bên mua, đâu là bên bán.
Nếu quy định “cứng” 1%, có thể các cá nhân vẫn sẽ tìm cách “lách luật”, ví dụ mua 0,9% cổ phần mỗi lần. Thấu hiểu nỗi lo lắng của NHNN về tình trạng cổ đông lớn sở hữu chi phối, song ông Kerry, chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, nếu chuyển nhượng 1% cũng phải có xác nhận bằng văn bản sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng dự kiến được thông qua tại Kỳ họp cuối năm; đồng thời có thể xem xét việc áp dụng hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.