04 nguyên tắc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng
Nghị định 93/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước có quy định cụ thể 04 nguyên tắc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng vốn của tổ chức tín dụng.
Nghị định đã quy định rõ về nguyên tắc kê khai tài chính, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ và các cam kết của mình theo quy định của pháp luật.
Nhưng đồng thời, Nghị định cũng quy định các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tài chính khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính mình.
Cụ thể, Nghị định quy định rõ việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng vốn của tổ chức tín dụng phải theo 4 nguyên tắc sau:
Một là, việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng vốn của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Hai là, tổ chức tín dụng chỉ được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, của các tổ chức tín dụng khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Ba là, thẩm quyền quyết định phương án góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, của các tổ chức tín dụng khác; phương án chuyển nhượng phần vốn đã đầu tư ra bên ngoài thực hiện theo quy định của Luật các TCTD, các quy định của pháp luật khác có liên quan và Điều lệ của tổ chức tín dụng.
Đối với TCTD do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và TCTD có vốn nhà nước còn phải tuân thủ quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Bốn là, TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó.
Về bảo đảm an toàn vốn, Nghị định quy định, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, thực hiện chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Đồng thời thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy đinh của Luật các TCTD và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Trường hợp không đạt hoặc có khả năng không đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Luật các TCTD và hướng dẫn của NHNN Việt Nam, trong thời gian tối đa là 01 tháng, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo NHNN Việt Nam các giải pháp khắc phục để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định bao gồm: Giải pháp chuyển nhượng vốn đầu tư ra bên ngoài; Giải pháp tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; Các giải pháp khác.
Bên cạnh đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải mua bảo hiếm tài sản đối với các tài sản quy định phải mua bảo hiểm; Tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật các TCTD, Luật bảo hiểm tiền gửi, các quy định pháp luật khác có liên quan và công khai việc tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiếm tiền gửi tại trụ sở và chi nhánh…