Sửa đổi Luật Đấu thầu: Tăng quyền tự quyết và tính linh hoạt cho doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập
Những đề xuất sửa đổi một số điều của Luật Đấu thầu tại dự thảo Luật sửa đổi 7 luật chuyên ngành năm 2025 được Chính phủ trình Quốc hội được đánh giá là tăng tính tự chủ của đơn vị, nâng cao hiệu quả và tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động mua sắm đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Một trong những điểm đề xuất sửa đổi đáng chú ý của Luật Đấu thầu tại tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội xem xét tại kỳ họp lần này về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật chuyên ngành (gồm Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) là về hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Đây được đánh giá là những sửa đổi khá triệt để nhằm tăng tính tự chủ, góp phần nâng cao hiệu quả và tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động mua sắm đấu thầu của các đơn vị này.
Cụ thể, theo đề xuất sửa đổi tại Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 2, Điều 3 theo hướng: Bãi bỏ khoản 2 Điều 2 và sửa đổi đoạn đầu, điểm d khoản 7 Điều 3 theo hướng: Hoạt động mua sắm để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên và thực hiện dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (không phân biệt nguồn vốn sử dụng) và hoạt động mua sắm thường xuyên, mua sắm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện dự án đầu tư không sử dụng ngân sách nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2, thì doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.
Đồng thời bãi bỏ khoản 4a Điều 6, chỉnh lý kỹ thuật tại đoạn đầu khoản 1 Điều 2, điểm b khoản 7 Điều 3, điểm c khoản 2, khoản 4, khoản 7 Điều 53 để bảo đảm tính đồng bộ với định hướng sửa đổi về doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tại dự thảo Luật.
“Cởi trói” cho doanh nghiệp nhà nước được tự quyết định hoạt động mua sắm
Giải thích lý do sửa đổi, bổ sung, một đại diện Ban soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi cho biết, đối với trường hợp là các doanh nghiệp nhà nước, theo quy định của Luật Đấu thầu, dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc đối tượng áp dụng Luật này. Theo số liệu cập nhật đến hết năm 2023 của Bộ Tài chính, Việt Nam có khoảng 680 doanh nghiệp nhà nước. Theo số liệu năm 2024 được tổng hợp trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, số lượng gói thầu của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu là 17.542 gói với tổng giá trị là 96.218 tỷ đồng. Như vậy, Luật Đấu thầu đang quy định đối tượng áp dụng Luật gồm chủ thể là doanh nghiệp và nguồn vốn thực hiện dự án, không phân biệt vốn của nhà nước hay vốn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, vốn nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước là vốn của doanh nghiệp nhà nước. Do đó, hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước là hoạt động sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, không phải là vốn nhà nước.
Đồng thời, hiện nay, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đang sửa đổi, hoàn thiện theo hướng chỉ quản lý doanh nghiệp nhà nước mà không quản lý các doanh nghiệp khác để tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, để tiếp tục thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 12- NQ/TW nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tách bạch chức năng chủ sở hữu, quản lý và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, cần xem xét, sửa đổi quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu theo hướng cho phép doanh nghiệp nhà nước được tự quyết định hoạt động mua sắm để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên và thực hiện dự án đầu tư (không phân biệt nguồn vốn sử dụng) theo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế, trách nhiệm giải trình; bảo đảm cho các doanh nghiệp này hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Tăng tính tự chủ, linh hoạt của đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, theo Ban soạn thảo, theo quy định của Luật Đấu thầu, hoạt động đấu thầu sử dụng ngân sách nhà nước và nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập phải tố chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật này. Trong khi đó, Nghị định số 60/2021/NĐ-GP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đã cho phép đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1) và tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2) được tự quyết định đối với các khoản kinh phí từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp.
Như vậy, việc yêu cầu các đơn vị tự chủ tài chính phải tuân thủ Luật Đấu thầu đã làm hạn chế tính tự chủ, linh hoạt của các đơn vị này, nhất là các bệnh viện, cơ sở y tế công lập phải thường xuyên mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh.
Theo Ban soạn thảo, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, đồng thời thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công chưa tự chủ khẩn trương chuyển đổi cơ chế tự chủ theo chủ trương tại Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương, cần xem xét thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính.
Theo đó, dự thảo Luật bổ sung quy định tại khoản 7 Điều 3 để cho phép đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và nhóm 2 được tự quyết định hoạt động mua sắm thường xuyên, mua sắm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện dự án đầu tư không sử dụng ngân sách nhà nước; đối với hoạt động mua sắm sử dụng ngân sách nhà nước (bao gồm hoạt động của các đơn vị chưa tự chủ tài chính) thì vẫn phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu.
Theo Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Tài chính), hiện nay, có khoảng 47 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập. Việc thực hiện phương án này sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế chủ động trong hoạt động đấu thầu của khoảng 450 đơn vị thuộc nhóm 1 (tương đương 0,95% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập) và khoảng 3.366 đơn vị thuộc nhóm 2 (tương đương 7,2% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập).
Đồng thời, việc cho phép các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế được tự quyết định việc mua sắm sử dụng nguồn thu hợp pháp của mình sẽ giúp cho người dân được tiếp cận với thuốc tốt, vật tư, thiết bị y tế hiện đại, công nghệ cao.