Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi: Đẩy mạnh phân cấp, tăng cường hậu kiểm
Một trong những mục tiêu đề ra khi sửa đổi Luật Đầu tư công là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, tăng cường hậu kiểm trong quản lý đầu tư công.
Đầu tư công dàn trải
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi bình luận về hiệu quả của đầu tư công đã nói rằng: “Đầu tư công đã bàn bao nhiêu năm nay rồi và lúc nào cũng là “điểm nóng” nhưng vẫn dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả và điều này có thể sẽ lặp lại trong nhiều năm nữa nếu chúng ta không thay đổi tư duy quản lý”.
PGS., TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra những bất cập tồn đọng trong việc thực hiện đầu tư công thời gian qua.
“Tình trạng giải ngân đầu tư công chậm đang cản trở hoạt động đầu tư công. Số lượng dự án vi phạm trong năm không thay đổi đáng kể, thậm chí tăng lên. Hệ thống thông tin theo dõi, giám sát các dự án đầu tư công còn nhiều hạn chế. Việc xác định danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn vướng mắc”, ông Chung khẳng định.
Tăng cường hậu kiểm trong quản lý đầu tư công là một trong những mục tiêu khi sửa đổi Luật Đầu tư công.
Ngoài ra, còn nhiều bất cập cả trong văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức điều hành của các cơ quan Trung ương và địa phương, các bộ ngành trong việc phối hợp quản lý công.
Cũng theo PGS., TS. Trần Kim Chung, một trong những bất cập lớn hiện nay của Luật Đầu tư công đó là Nghị định số 71/2018/QH14 đưa ra quy định rõ ràng về việc “ai ra quyết định, người đó chịu trách nhiệm” nhưng thực tế, tình trạng “tôi quyết, anh chịu trách nhiệm” lại đang diễn ra phổ biến. “Có quyết định của người trước song người kế nhiệm sau lại phải chịu trách nhiệm”, ông Chung nhấn mạnh.
GS. Nguyễn Kế Tuấn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho hay, với tư cách một công dân, một cử tri, đối tượng được thụ hưởng trực tiếp từ đầu tư công và cũng phải chịu hệ lụy tiêu cực của nó, thì người dân không quan tâm tốc độ giải ngân nhanh hay chậm, nhiều hay ít mà quan tâm hiệu quả nó mang lại như thế nào.
“Từ khi có Luật Đầu tư công, còn tồn tại hay không việc vốn đầu tư phân tán, còn cơ chế xin cho, chạy dự án, chạy vốn hay không? Chất lượng của các dự án đầu tư công ra sao?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Theo đó, để trả lời câu hỏi này, ông Tuấn lấy dẫn chứng về tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông với số vốn vay từ hơn 500 triệu đến hơn 800 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2013 và trả lời còn 1% nữa thôi là đi vào hoạt động nhưng không biết 1% này đến bao giờ mới xong?
“Thêm nữa, Hà Nội trước đây có dự án lát lại vỉa hè có tuổi thọ lên đến vài trăm năm nhưng ngay sau mấy tháng đã nát vụn”, ông Tuấn nói.
Phân cấp mạnh hơn, đơn giản hóa thủ tục nhiều hơn
Để khắc phục những khó khăn này, bà Phạm Thúy Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ khẳng định Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) do Chính phủ trình đã sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Tuy nhiên, bà Hạnh cũng đưa ra lưu ý rằng trong quá trình thảo luận có một số ý kiến đề nghị cân nhắc thẩm quyền của các cơ quan quyết định dự án đầu tư công: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân… Luật Đầu tư công đã quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan này, tuy nhiên cần bảo đảm tính kế thừa, thống nhất giữa các quyết định đầu tư công các cấp và chức năng, thời gian làm việc của các cơ quan này, có thể rút ngắn thời gian xem xét, phê duyệt, phù hợp với thực tế và có tính đến thủ tục rút gọn, đơn giản cho một số dự án đầu tư công đặc thù, khẩn cấp.
Cụ thể hơn, PGS., TS. Phạm Văn Hùng thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân góp ý: Do bản chất của đầu tư công ngoài tính chất kinh tế, còn có yếu tố chính trị và sự linh hoạt trong từng thời kỳ, Quốc hội chỉ quyết định chủ trương các dự án quan trọng quốc gia và các chương trình mục tiêu. Quốc hội xem xét và phê duyệt kế hoạch đầu tư tổng thể với mục tiêu và các tiêu chí xác định. Còn việc lựa chọn các dự án cụ thể khác có thể phân cấp cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Hóa - Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, theo quy định hiện hành, khi trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau phải bao gồm danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án cụ thể. Tuy nhiên, việc xây dựng danh mục dự án cần phải có thời gian. Đồng thời, các dự án để được đưa vào danh mục phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, song khi chưa xác định được nguồn vốn của giai đoạn sau thì chưa có cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Ngoài ra, theo ông Hóa, Quốc hội phê duyệt danh mục, mức vốn nên trong trường hợp điều chỉnh cũng phải trình Quốc hội dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong thực hiện do số lượng dự án đầu tư công lớn, việc điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn là công việc thường xuyên. Thực tế triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã có những vướng mắc này.
Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, ông Phạm Minh Hóa khuyến nghị, cần nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng: Quốc hội quyết định những vấn đề lớn như mục tiêu, định hướng, tổng mức vốn, mức vốn bố trí cho các bộ, ngành, địa phương; tỷ lệ, cơ cấu vốn bố trí cho các ngành kinh tế, danh mục các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình đầu tư công; quyết định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư… Trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ do Quốc hội phê duyệt, Chính phủ sẽ quyết định danh mục, mức vốn các dự án đối với nguồn vốn còn lại chưa phân bổ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để Quốc hội thực hiện giám sát.