Sửa đổi Luật Hải quan: Mở rộng và tăng cường kiểm soát địa bàn hoạt động hải quan
Địa bàn hoạt động hải quan là một trong những nội dung sửa đổi quan trọng trong đề án Luật Hải quan sửa đổi do Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan chủ trì xây dựng, hiện đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, ngành và đang được tiến hành chỉnh lý.
Điều 6 Luật Hải quan hiện hành quy định “Địa bàn hoạt động hải quan bao gồm các khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, khu chế xuất, kho ngoại quan, kho bảo thuế, khu vực ưu đãi hải quan, bưu điện quốc tế, các địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong lãnh thổ và trên vùng biển thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam, trụ sở doanh nghiệp khi tiến hành kiểm tra sau thông quan và các địa bàn hoạt động hải quan khác theo quy định của pháp luật”.
Quy định này đã chỉ rõ các địa điểm theo địa chỉ ranh giới xác định, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong phạm vi địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh những vướng mắc.
Thứ nhất, thủ tục hải quan được thực hiện tại trụ sở cơ quan Hải quan, nhưng việc giám sát hải quan phải mở rộng các địa điểm khác. Ví dụ: Các tuyến đường vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh đang chịu sự giám sát của hải quan, khu vực được phép lưu giữ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan chưa được quy định thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
Thứ hai, thực tế hiện nay, do đặc thù điều kiện kinh tế - xã hội của một số địa phương, ở những thời điểm nhất định, Thủ tướng Chính phủ cho phép một số mặt hàng được xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu phụ hoặc lối mở. Tại những nơi này không có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên, không có hoạt động của cơ quan Hải quan, tuy nhiên khi có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá tại đây, cơ quan Hải quan phải bố trí lực lượng để làm thủ tục cho hàng hoá theo quy định. Những nơi này cũng chưa được quy định là địa bàn hoạt động hải quan.
Thứ ba, một số địa điểm lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như kho bảo quản hàng hóa chờ hoàn thành thủ tục hải quan, khu vực cách ly lưu giữ hàng hóa để thực hiện việc kiểm dịch, nơi tập kết hàng hóa chờ làm thủ tục xuất khẩu... hiện đều chưa được quy định là địa bàn hoạt động hải quan.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, tại Điều 7 dự án Luật Hải quan sửa đổi, dự kiến quy định theo hướng mở rộng phạm vi địa bàn hoạt động của hải quan, bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Cụ thể, ngoài những địa điểm đã được xác định như Luật hiện hành, địa bàn hoạt động hải quan còn bao gồm địa điểm khác được phép xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; tuyến đường vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan, khu vực được phép lưu giữ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan.
Tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm soát ở biên giới
Điều 6 Luật hải quan hiện hành cũng quy định “Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hoá, phương tiện vận tải”.
Ngày 21/6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam, trong đó khoản 2 Điều 14 quy định: “Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam”. Ngoài ra, khoản 1 Điều 47 Luật này cũng quy định: “Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển bao gồm: các lực lượng có thẩm quyền thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành khác”.
Để bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động kiểm soát hải quan, phù hợp với quy định của Luật Biển Việt Nam, bảo đảm chủ động trong hoạt động kiểm soát hải quan, Dự thảo sửa đổi, bổ sung nội dung này tại Điều 7 như sau: “Tại vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, cơ quan Hải quan thực hiện hoặc phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát để ngăn ngừa, xử lý hành vi vi phạm pháp luật hải quan theo thẩm quyền và quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả của công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, Dự thảo Luật bổ sung quy định tại Điều 93: “Trường hợp hàng hoá, phương tiện vận tải đang di chuyển ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan Hải quan có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới thì cơ quan Hải quan được tiếp tục truy đuổi để áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo cho các cơ quan chức năng trên địa bàn biết và phối hợp”.
Theo chia sẻ kinh nghiệm của ông Mizui Osamu - chuyên gia Hải quan Nhật Bản - thì, hải quan có vai trò rất quan trọng, là người gác cửa nền kinh tế. Hoạt động tại biên giới của cơ quan Hải quan chỉ có hiệu quả nếu hải quan được giao quyền kiểm soát tại khu vực này. Nhất là tại Việt Nam, cơ quan Hải quan được giao một nhiệm vụ rất quan trọng là chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, trốn thuế… Để thực hiện được nhiệm vụ nặng nề đó, cơ quan Hải quan phải được giao quyền kiểm soát tại biên giới.
Ông Mizui Osamu khẳng định, việc tăng quyền về địa bàn hoạt động cho Hải quan Việt Nam là rất cần thiết, để đảm bảo chức năng kiểm soát của cơ quan Hải quan được thực hiện đầy đủ, hiệu quả. Từ quan điểm đó, vị chuyên gia Nhật Bản gợi ý, Việt Nam có thể học tập mô hình “kiểm soát liên ngành” ở một số nước, nghĩa là cơ quan Hải quan phối hợp với công an, cảnh sát, bộ đội biên phòng để thực hiện chức năng kiểm soát.
Còn tại buổi làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, đại diện các đơn vị này đều cơ bản thống nhất với những nội dung tại dự thảo Luật về địa bàn hoạt động hải quan. Bên cạnh đó, đại diện các bộ, ngành này cũng góp ý thêm về các vấn đề hoạt động kiểm soát trên biển, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng...
(Trích dự thảo Luật Hải quan sửa đổi)
Điều 7. Địa bàn hoạt động hải quan
Địa bàn hoạt động hải quan bao gồm các khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, các địa điểm làm thủ tục hải quan, khu chế xuất, kho ngoại quan, kho bảo thuế, khu vực ưu đãi hải quan, bưu điện quốc tế, các địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong lãnh thổ và trên vùng biển thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam, trụ sở doanh nghiệp khi kiểm tra sau thông quan, địa điểm khác được phép xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, tuyến đường vận chuyển hàng hoá đang chịu sự giám sát hải quan, khu vực được phép lưu giữ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan và các địa bàn khác theo quy định của pháp luật.
Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hoá, phương tiện vận tải.
Tại vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, cơ quan Hải quan thực hiện hoặc phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát để ngăn ngừa, xử lý hành vi vi phạm pháp luật hải quan theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Chính phủ quy định cụ thể phạm vi địa bàn hoạt động hải quan.