Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ - Nguồn động lực cho kinh tế trí thức
Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng… đã đặt ra nhu cầu phải sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ.
Cần thiết sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ
Thời gian qua, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, thực thi pháp luật trong nước và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ còn là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đạt chuẩn mực theo các khía cạnh liên quan tới thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đáp ứng các nghĩa vụ theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gần đây.
Tuy nhiên, qua thực tiễn 15 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, PGS., TS. Bùi Xuân Hải cho biết, đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, nhiều quy định của Luật có sự mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với một số luật khác, làm giảm hiệu quả và chất lượng điều chỉnh pháp luật nói chung. Một số quy định không rõ ràng hoặc đã không còn phù hợp với thực tiễn khách quan; hoặc đã xuất hiện những vấn đề mới cần bổ sung, chỉnh sửa thích hợp.
Theo PGS., TS. Bùi Thị An - Nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trước bối cảnh mới với nhiều chuyển biến mạnh mẽ tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội cũng như quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng; đặc biệt là việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0,… thì việc sửa đổi Luật trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cần thiết.
Đồng thời, tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là “hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả”.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định rõ “hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ”…
Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật trong dự thảo
Góp ý về quy định quyền sở hữu công nghiệp trong dự thảo Luật, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, PGS., TS. Lê Thị Nam Giang, hiện nay chưa có bất kỳ một nhãn hiệu nào được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Nguyên nhân là do còn nhiều thiếu sót trong quá trình soạn thảo, ban hành pháp luật sở hữu trí tuệ. Cụ thể như sự thiếu quy định về trình tự, thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ chưa phù hợp để áp dụng, về thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng chưa rõ ràng.
Liên quan đến tranh chấp quyền tác giả, xác định tư cách đồng tác giả, PGS., TS. Vũ Thị Hải Yến - Trường đại học Luật Hà Nội cho biết, một trong những bất cập về vấn đề này là việc chỉ quy định khái niệm tác giả và đồng tác giả trong văn bản dưới luật, mà lại thiếu vắng các quy định liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Về định nghĩa đồng tác giả, pháp luật Việt Nam chỉ đưa ra một tiêu chí duy nhất để xác định đồng tác giả là “cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm”.
PGS., TS. Vũ Thị Hải Yến nhấn mạnh, quy định hiện hành chưa phân định giữa đồng tác giả với tập thể tác giả, cũng như chưa quy định quyền tác giả đối với tác phẩm đồng tác giả được thực hiện như thế nào. Mặc dù Dự thảo đã đưa ra 3 tiêu chí nhằm xác định đồng tác giả, điều này vẫn chưa đủ để làm rõ việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản của đồng tác giả như thế nào.
Cũng góp ý về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, TS. Trần Lê Hùng nhận định, các nội dung chính sách được quy định tại Điều 8 của Luật Sở hữu trí tuệ chưa cho thấy rõ trọng tâm chính sách của Việt Nam trong bảo hộ và khai thác quyền tác giả, nhất là gắn với lĩnh vực mà quyền tác giả đóng vai trò then chốt như công nghệ thông tin và công nghiệp văn hóa. Nếu có những chính sách đặc thù về quyền tác giả thì việc phát triển hai lĩnh vực này sẽ có thể dễ dàng, thuận lợi và có tính định hướng cao hơn…
Việc sửa đổi các quy định pháp luật trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ sẽ góp phần đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, là động lực của kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ cũng dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV