Sửa gấp Luật Đất đai 2013
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xem xét sửa đổi, bổ sung thêm những nội dung quan trọng liên quan đến 8 nhóm chính sách lớn của Luật Đất đai 2013.
Sau 5 năm triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý, quy hoạch, sử dụng đất vẫn còn nhiều bất cập do Luật này và các Luật khác có liên quan còn mâu thuẫn, chồng chéo, dẫn tới không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện.
Quốc hội, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Trong đó, dự kiến xem xét sửa đổi, bổ sung 8 nhóm chính sách lớn liên quan đến việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; quản lý, sử dụng đất của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng…
Các chuyên gia cho rằng, việc thi hành Luật Đất đai năm 2013 thời điểm hiện nay đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nếu sớm được đưa vào thực hiện sẽ giúp cho thị trường bất động sản có thêm cơ hội phát triển theo quy luật của thị trường.
GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ, Luật này đang lạc hậu so với những đổi mới đáng kể trong những luật ban hành từ năm 2014 trở đi như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch...
"Luật Đất đai năm 2013 đang thể hiện nhiều bất cập, xung đột, không thể thực thi trên thực tế. Đây là những nguyên nhân gây ra nhiều sai phạm trong thực thi pháp luật, làm thất thoát giá trị đất công, nhiều cán bộ quản lý đất đai ở địa phương rơi vào vòng lao lý” – ông Võ nhấn mạnh.
Ông Võ dẫn chứng, Luật Đất đai năm 2013 đưa ra giải pháp xử lý các dự án "treo" bằng cách cho gia hạn thêm 24 tháng nữa mà vẫn bị "treo" thì nhà nước thu hồi đất và "tịch thu" mọi giá trị đã đầu tư trên đất.
Việc thu hồi đất là phù hợp Hiến pháp vì chủ đầu tư vi phạm pháp luật về đất đai nhưng tài sản đã đầu tư trên đất không hề vi phạm pháp luật về đầu tư nên việc này có biểu hiện vi phạm quy định của Hiến pháp về việc nhà nước bảo hộ tài sản hợp pháp của các doanh nghiệp và không thực hiện quốc hữu hóa.
Trên thực tế, số lượng dự án "treo" rất nhiều nhưng không được xử lý vì nhiều lý do, trong đó có việc do pháp luật thiếu phù hợp. Đây chính là một nội dung phải sửa gấp để giải quyết tình trạng dự án "treo" rất phổ biến hiện nay.
"Theo đó, cần sửa Luật Đất đai năm 2013 bằng cách loại bỏ điểm i khoản 1 ra khỏi điều 64 và bổ sung một điều mới có nội dung xử lý các dự án "treo" dựa trên xử phạt bằng công cụ tài chính” - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích.
Tương tự, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng rất cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vào Luật Đất đai năm 2013.
“Tôi nhận thấy Luật Đất đai đang áp dụng có những khuyết điểm như hệ thống pháp luật chưa đồng bộ trong quá trình triển khai. Điểm yếu nhất là công tác thực thi pháp luật và quy định về các điều kiện, cơ chế thực thi pháp luật của hệ thống các văn bản dưới luật, thủ tục hành chính còn rườm rà, bất cập, trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước còn yếu" – ông Châu nói.
Theo ông Châu, nhìn toàn diện, người triển khai các nghị định và thông tư cần bám sát, hướng dẫn chi tiết hơn đối với người dân, doanh nghiệp. Bỏ bớt lưu trữ giấy tờ, cần quản lý theo 4.0 như các nước trên thế giới đang áp dụng.
Góp ý về Luật Đất đai năm 2013, ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải có kết quả kiểm tra thực địa.
Tuy nhiên, hồ sơ giao đất, cho thuê đất… không có văn bản nào để trên cơ sở đó xác định chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính thực hiện dự án. Chưa kể đến việc năng lực tài chính của chủ đầu tư có thể có biến động trong thời gian dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư hay giao sản phẩm cho khách hàng.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản có dấu hiệu “chững” lại, mà nguyên nhân chính liên quan đến những khuôn khổ pháp lý. Theo đó, hàng loạt các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư có dấu hiệu vi phạm đều bị thanh tra toàn diện. Vì vậy, rất nhiều dự án đang triển khai cũng phải dừng lại để phục công tác thanh tra.
Hơn lúc nào hết, sửa đổi gấp Luật Đất đai 2013 là nội dung cần thiết. Việc sửa đổi cũng cần công khai hóa trên cơ sở tiếp nhận ý kiến chuyên gia, người dân, doanh nghiệp.