Sửa Luật Kế toán: Đáp ứng yêu cầu phát triển của hoạt động tài chính - kinh tế
(Tài chính) Sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay, Luật Kế toán 2003 đã đạt được những kết quả quan trọng cho sự phát triển hoạt động tài chính, quản lý nền kinh tế nước nhà. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động kế toán kiểm toán, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo dự án sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kế toán để trình Chính phủ xem xét cho ý kiến.
Công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu
Theo Bộ Tài chính, Luật Kế toán 2003 đã được quy định khá chặt chẽ, rất nhiều nội dung Luật mang tính khoa học và thực tiễn cao, mang lại nhiều lợi ích lớn.
Luật Kế toán 2003 là văn bản pháp lý cao nhất, toàn diện nhất cho việc thực hiện công tác kế toán của nước ta, đáp ứng yêu cầu quản lý của nhà nước, của doanh nghiệp, đơn vị và xã hội 10 năm qua…
Bên cạnh đó, trên cơ sở của Luật, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản quy định, tạo ra khuôn khổ pháp luật đầy đủ, toàn diện về kế toán, thực hiện thống nhất trong cả nước.
Cụ thể việc quản lý kế toán được chia thành các khu vực: kế toán nhà nước; kế toán doanh nghiệp; kế toán ngân hàng, các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, các quỹ tài chính Nhà nước; kế toán hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã.
Đứng trên phương diện quản lý, Luật Kế toán 2003 đã thực hiện hiệu quả vai trò kiểm tra, giám sát thông qua lập, trình bày, công bố báo cáo tài chính; góp phần tích cực trong việc thực hiện công tác kiểm toán (cả Kiểm toán Nhà nước cũng như Kiểm toán độc lập); giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước, tạo cơ chế công khai, minh bạch các báo cáo tài chính.
Về việc thúc đẩy hoạt động kinh tế phát triển hội nhập, Luật Kế toán 2003 và các văn bản quy định pháp luật về kế toán đã tạo điều kiện hoàn thiện cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài có được thông tin cần thiết để quyết định tham gia các hoạt động đầu tư, phát triển thị trường tài chính cũng như dịch vụ về kế toán.
Luật Kế toán 2003 đã tạo lập được nền tảng pháp lý cho hoạt động đào tạo lực lượng cán bộ kế toán trình độ đại học và trên đại học, có sự hợp tác của tổ chức quốc tế.
Sửa đổi để hội nhập
Hạn chế của Luật Kế toán 2003 hiện hành là quy định hạch toán theo giá gốc, điều này không phản ánh được tình hình biến động tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Theo chuẩn mực kế toán quốc tế và thông lệ phổ biến trên toàn thế giới việc hạch toán được thực hiện theo giá trị hợp lý (giá thị trường tại thời điểm đánh giá).
Về chuẩn mực kế toán, Luật Kế toán 2003 không quy định nội dung chuẩn mực kế toán, mà được hướng dẫn tại các văn bản dưới luật (thông tư). Các chuẩn mực kế toán được ban hành từ những năm 2001-2005, đến nay do điều kiện kinh tế - tài chính đã có sự thay đổi, chuẩn mực kế toán quốc tế đã được cập nhật, tuy nhiên các chuẩn mực kế toán Việt Nam vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Về chế độ kế toán, theo Luật Kế toán 2003 các quy định về chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hướng dẫn. Tuy nhiên trên thực tế hệ thống tổ chức tín dụng vẫn được áp dụng theo chế độ kế toán riêng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định. Xét về bản chất hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp với mục đích kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, có thể xếp vào khu vực kế toán doanh nghiệp. Việc thống nhất chế độ kế toán là hết sức cần thiết, bao gồm các nội dung như chứng từ kế toán, hệ thống tài khoản kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính.
Về việc đảm bảo vai trò kiểm tra, kiểm soát thông qua công cụ kế toán, cần phải thể hiện rõ hơn trong Luật Kế toán 2003.
Ví dụ như các hành vi bị cấm, quy định hóa đơn bán hàng để đảm bảo cho hạch toán tại đơn vị kế toán cũng như sử dụng để kê khai, thanh quyết toán thuế với ngân sách nhà nước; các quy định về công khai báo cáo tài chính, về kiểm tra kế toán, xác định rõ trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán nhằm tạo ra cơ chế hạch toán rõ ràng, trung thực và công khai, minh bạch.
Về hiện đại hóa công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán cũng có những nội dung cần chỉnh sửa, khi đã ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại thì việc in, lưu giữ chứng từ điện tử, in và lưu giữ sổ kế toán cũng phải quy định phù hợp, khắc phục cách hạch toán kế toán thủ công như những năm trước đây.
Về việc phát triển nghề nghiệp dịch vụ kế toán, trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp được thành lập để cung cấp dịch vụ kế toán; các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và phương thức tổ chức cần được nghiên cứu chỉnh sửa để phát triển ngành nghề này và nâng cao chất lượng dịch vụ.