Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Gỡ vướng cho condotel, officetel
Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình xây dựng hình thành trong tương lai, đặc biệt là các công trình văn phòng lưu trú, căn hộ du lịch.
Trong báo cáo đề xuất sửa đổi Luật kinh doanh bất động sản 2014, Bộ Xây dựng có ý kiến hướng sửa đổi rà soát, bổ sung quy định về chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê mua bất động sản, bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình xây dựng hình thành trong tương lai, đặc biệt là các công trình văn phòng lưu trú (officetel), căn hộ du lịch (condotel)...
Bộ Xây dựng cho biết, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản là cần thiết nhằm xử lý những tồn tại, bất cập của các quy định cụ thể của Luật hiện hành, bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động giao dịch bất động sản, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch; hạn chế phát sinh điều kiện, thủ tục hành chính trong quản lý giao dịch bất động sản, thị trường bất động sản; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý giao dịch bất động sản, thị trường bất động sản.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, thời gian qua, thị trường bất động sảnđã xuất hiện nhiều loại hình mới như căn hộ du lịch, văn phòng lưu trú và đã có những giai đoạn được sự đón nhận mạnh mẽ của thị trường.
Tuy nhiên, việc thiếu hành lang pháp lý riêng biệt đã khiến các loại hình trên gặp khó trong 2 – 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư muốn “tháo chạy” khỏi thị trường nhưng không được, một phần do thanh khoản kém, một phần do thủ tục pháp lý chưa rõ ràng.
Chia sẻ với phóng viên, anh Hoàng Văn Đại (Hà Tĩnh) – một nhà đầu tư condotel cho biết, do Luật Kinh doanh bất động sản chỉ quy định về chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai – không có quy định về căn hộ dịch vụ nên dù có người muốn mua lại, hợp đồng cũng bị gây “khó dễ”.
Trong khi đó, ở diễn biến khác, mới đây, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công thương đã cảnh báo tới người tiêu dùng về các hợp đồng lạ trong giao dịch căn hộ chung cư. Đã có người dân phản ánh việc hai bên ký kết một số loại hợp đồng có tên gọi như “Hợp đồng mua bán quyền căn hộ”, “Hợp đồng chuyển nhượng tài sản”. Trong đó, đối tượng mua bán là dạng hợp đồng căn hộ du lịch hoặc quyền sử dụng căn hộ (chứ không phải quyền sở hữu).
Đáng chú ý trong các hợp đồng dạng này đều không nêu căn cứ vào Luật Nhà ở; văn bản xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai của Sở Xây dựng địa phương; hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng đối với nghĩa vụ tài chính của bên bán trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ bàn giao căn hộ và thời hạn sử dụng các loại căn hộ này ghi trong hợp đồng là 50 năm.
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, đã có những trường hợp người dân mua phải dạng căn hộ nghỉ dưỡng, du lịch ( condotel) nhưng tưởng nhầm là mua căn hộ chung cư thông thường. Đến khi về ở, họ mới biết đây là căn hộ condotel và rất nhiều bất cập đã phát sinh từ việc “nhầm lẫn” này, ví dụ như không được đăng ký hộ khẩu thường trú dẫn tới những thiệt thòi trong việc học hành của con cái hay việc khám chữa bệnh theo tuyến.
Theo Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, hành lang pháp lý đầy đủ cho các loại hình bất động sản mới là rất cần thiết. Song, về đề xuất trên của Bộ Xây dựng vẫn còn những vấn đề cần được giải đáp.
Thứ nhất, văn phòng lưu trú” có phải là “căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn” như trong báo cáo không? Đây có được xác định là “căn hộ” và có được “lưu trú” hay chỉ được đăng ký “tạm trú”? Nếu là "lưu trú" thì ai sẽ đi đăng ký? Nếu chỉ được tạm trú thì xin đổi tên thành “văn phòng tạm trú” cho rõ ràng về tính chất.
Thứ hai, cần xác định “căn hộ du lịch” (hay gọi là Condotel) thuộc đối tượng Luật du lịch (cơ sở lưu trú) hay là đối tượng của Luật kinh doanh Bất động sản bởi hiện nay Luật kinh doanh bất động sản lấy luôn đối tượng “căn hộ du lịch” để báo cáo, còn Luật du lịch sẽ lấy đối tượng này để báo cáo số lượng căn hộ đã đạt được. Như vậy, cùng 1 đối tượng mà có 2 ngành cùng báo cáo là không hợp lý.