Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền, đáp ứng lộ trình thực hiện cam kết quốc tế

PV.

Dự kiến trong quý IV/2019, Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) sẽ tiếp tục đánh giá về cơ chế phòng, chống rửa tiền (PCRT), tài trợ khủng bố của Việt Nam theo 40 khuyến nghị mới của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (FATF). Để chuẩn bị cho việc đánh giá đa phương của APG, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và thực hiện Kế hoạch tổng thể, định hướng chỉnh sửa Luật PCRT phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam…

Sự phát triển của công tác PCRT ở phạm vi liên ngành của Việt Nam được đánh dấu bằng sự ra đời của Ban chỉ đạo PCRT theo Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 13/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Ban chỉ đạo là tổ chức liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành trong công tác PCRT trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Song song với các hoạt động diễn ra trong nước, hoạt động hợp tác quốc tế về PCRT của Việt Nam cũng được đẩy mạnh. Điểm nhấn nổi bật là năm 2007, Việt Nam đã gia nhập Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), trở thành thành viên thứ 34 của APG với cam kết là Việt Nam sẽ tuân thủ các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (FATF).

Tháng 11/2008, APG đã cử Đoàn đánh giá vào Việt Nam để đánh giá việc tuân thủ 40+9 khuyến nghị của FATF. Kết quả đánh giá không mấy khả quan đã được thông qua tại Hội nghị thường niên của APG vào tháng 7/2009 tại Australia. Cụ thể là Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát của Nhóm xem xét các vấn đề về hợp tác quốc tế thuộc FATF từ tháng 02/2010 và phải cam kết hoàn thành đúng tiến độ Kế hoạch hành động mà FATF đưa ra. Trước tình hình đó, Luật PCRT đã được Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội thông qua vào ngày 18/6/2012. Luật PCRT năm 2012 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.

Dựa trên cơ sở Luật PCRT, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong công tác PCRT; Khắc phục những hạn chế của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về PCRT, đồng thời tạo căn cứ, cơ sở đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về PCRT… Nỗ lực trên của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Kết quả trên cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp FATF đưa Việt Nam ra khỏi danh sách đen (tháng 10/2013). Tháng 7/2017, Việt Nam cũng đã rút tên ra khỏi quy trình giám sát liên tục của APG.

Thống kê kết quả sau 5 năm thực hiện Luật PCRT (2013-2018), Cục trưởng Cục PCRT NHNN ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết, Luật PCRT đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện cho việc triển khai đồng bộ và có hiệu quả công tác PCRT trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tính từ tháng 1/2013 đến tháng 1/2018, Cục PCRT đã tiếp nhận gần 6.000 báo cáo giao dịch đáng ngờ, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước khi có luật (2005 – 2012). Hiện nay, mỗi ngày cơ sở dữ liệu của Cục PCRT tiếp nhận khoảng gần 200 nghìn giao dịch tiền mặt có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điện tử ra/vào Việt Nam. Tính đến tháng 1/2018, hệ thống đang lưu trữ khoảng 250 triệu giao dịch, liên quan đến khoảng 11 triệu khách hàng.

Nhìn chung, khuôn khổ pháp lý cho công tác PCRT đã được kiện toàn, góp phần tích cực trong đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, tuy nhiên, theo đánh giá Luật PCRT và các văn bản hướng dẫn vẫn còn tồn tại một số bất cập như: Một số quy định của Luật PCRT chưa đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế mới về PCRT và tài trợ khủng bố; Chưa có quy định cụ thể về cơ quan PCRT dẫn đến trong quá trình thực hiện còn có nhiều ý kiến khác nhau, không thống nhất trong quy trình xử lý các nội dung về PCRT; Một số quy định của Luật PCRT còn chưa đồng bộ hoặc còn chồng chéo dẫn đến một số bất cập trong quá trình triển khai; Việc phối hợp liên ngành trong PCRT nhiều khi chưa đáp ứng được chất lượng và thời gian do còn vướng mắc về thủ tục hành chính…

Theo lộ trình, dự kiến trong quý IV/2019, APG sẽ vào Việt Nam tiếp tục đánh giá về cơ chế PCRT, tài trợ khủng bố của Việt Nam theo 40 khuyến nghị mới của FATF. Thực hiện nghĩa vụ thành viên và triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao, Ngân hàng nhà nước Việt Nam hiện đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và thực hiện Kế hoạch tổng thể chuẩn bị cho việc đánh giá đa phương của APG. Trong đó, gồm có cả định hướng chỉnh sửa Luật PCRT cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và yêu cầu thực tiễn của Việt Nam; Xóa bỏ những quy định không cần thiết, không phù hợp với thực tế; Đảm bảo thống nhất trong quá trình tổ chức triển khai các quy định về PCRT cũng như thẩm quyền ký kết quy chế trao đổi thông tin với các cơ quan PCRT trong nước và nước ngoài…