Sửa Nghị định 86: Cải cách mạnh mẽ thủ tục kinh doanh vận tải
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP đã chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cải cách mạnh mẽ. Cụ thể, hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải giảm 3 thành phần, đồng thời toàn bộ các thành phần hồ sơ chỉ yêu cầu bản sao.
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Hitacom Việt Nam phản ánh bất cập trong thủ tục cấp phép kinh doanh vận tải và đề nghị chuyển thủ tục cấp giấy phép sang Sở Kế hoạch và Đầu tư để cấp cùng một lần khi doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh.
Theo phản ánh của Công ty TNHH Hitacom Việt Nam, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Hồ sơ đề nghị cấp phép yêu cầu đến 6 loại giấy tờ, có giấy tờ không phù hợp với thực tế, mang tính hình thức và không kiểm soát được như văn bằng chứng chỉ của người điều hành, phương án kinh doanh…
Công ty Hitacom cho rằng, các thủ tục đề nghị cấp phép này rườm rà, không cần thiết, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Công ty đề nghị cơ quan chức năng chuyển thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải ô tô từ Sở Giao thông vận tải sang Sở Kế hoạch và Đầu tư để cấp cùng một lần khi doanh nghiệp làm giấy phép kinh doanh.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Giảm một nửa số giấy tờ đề nghị cấp phép kinh doanh vận tải
Ngày 19/4/2017, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có Tờ trình số 4195/TTr-BGTVT trình Chính phủ và gửi kèm theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các báo cáo liên quan.
Trong đó dự thảo Nghị định thay thế đã chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cải cách mạnh mẽ. Cụ thể, hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP chỉ còn 3 thành phần hồ sơ (giảm 3 thành phần so với Nghị định 86/2014/NĐ-CP); đồng thời toàn bộ các thành phần hồ sơ chỉ yêu cầu bản sao để thuận tiện trong quá trình thực hiện dịch vụ công cấp độ 4.
Trong những năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã quan tâm công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động vận tải và cải cách thủ tục hành chính; đặc biệt từ tháng 1/2017, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với các thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, cấp phù hiệu, biển hiệu.
Vì vậy, việc cấp Giấy phép kinh doanh hiện nay rất thuận tiện và đơn giản, giảm chi phí đi lại, giảm thời gian chờ đợi, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký và gửi hồ sơ trực tuyến qua mạng; kết quả sẽ được gửi qua đường bưu điện.
Sở GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận tải là phù hợp
Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 thì kinh doanh vận tải đường bộ là một trong những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Khoản 4, Điều 67 Luật Giao thông đường bộ đã quy định: "4. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện và việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô"; đồng thời theo quy định hiện hành của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành, nghề đó.
Do vậy, việc cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Sở Giao thông vận tải địa phương thực hiện theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 là hoàn toàn phù hợp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hơn nữa, việc cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm mục tiêu tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải, giữa các đơn vị vận tải; đồng thời góp phần công tác an toàn giao thông và kết hợp hài hòa giữa các phương thức vận tải nhằm giảm giá thành vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.