Sức bật mới từ dòng vốn FII
Cùng với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) cũng ghi nhận được những con số cực kỳ ấn tượng trong năm 2017.
Đa phần các thương vụ đầu tư FII diễn ra trên thị trường chứng khoán (TTCK), nơi tập trung các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, việc nâng cấp TTCK cả về định lượng lẫn định tính là yếu tố quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FII.
Dòng vốn đang tăng dần
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), vốn FII thông qua các hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD (tăng 45,1% so với 2016). Đặc biệt, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2018, cả nước có 415 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN với tổng giá trị vốn góp 356,04 triệu USD (tăng 54,7% so với cùng kỳ 2017).
Trong đó có 212 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 199,15 triệu USD, và 203 lượt góp vốn mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị 156,89 triệu USD. Đáng chú ý phần lớn các hoạt động đầu tư này diễn ra trên TTCK.
Theo thống kê, từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, dòng vốn FII gia nhập TTCK Việt Nam khá mạnh thông qua các quỹ đầu tư ETF và quỹ mở.
Chính vì vậy, mức độ tham gia của NĐTNN trên TTCK đã tăng từ mức 10-11% trong các năm trước lên khoảng 15% vào nửa cuối năm 2017. Chỉ riêng trong tháng 1-2018, NĐTNN đã mua ròng khoảng 8.000 tỷ đồng, tương đương 35% giá trị mua ròng cả năm 2017 (không tính giá trị thoái vốn tại Sabeco).
So với thời điểm cách đây hơn 10 năm, sự gia tăng của dòng vốn FII trên TTCK gần như được đáp ứng đầy đủ với sự tăng trưởng về quy mô thị trường mở rộng thêm chỗ cho các NĐTNN mới. Tính đến thời điểm cuối năm 2017, NĐTNN đã mua vào 174.791 tỷ đồng trên 3 sàn (tương đương 14,4% giá trị giao dịch toàn thị trường) và bán ra 148.015 tỷ đồng (tương đương 12,2% giá trị thị trường).
Như vậy, tổng giá trị mua ròng đạt 26.776 tỷ đồng (chiếm 2,2% giá trị giao dịch toàn thị trường). Một trong những thương vụ đầu tư nổi bật là NĐTNN đến từ Singapore Jardine Cycle & Carriage (JC&C), đã trúng thầu ngoạn mục 3,33% cổ phần tại Vinamilk với giá 186.000 đồng/cổ phần (cao hơn giá khởi điểm 24%). Sau đó, JC&C liên tiếp thỏa thuận nâng sở hữu cổ phần tại Vinamilk lên trên 1 tỷ USD.
Hoạt động mua ròng này đã đưa tổng giá trị mua ròng khối ngoại trên sàn giao dịch lên trên 1 tỷ USD. Nếu tính cả thương vụ thỏa thuận giá trị này đã tương đương với mức mua ròng 1,4 tỷ USD vào thời kỳ hoàng kim năm 2007.
Nâng hạng và minh bạch TTCK
Nâng hạng và minh bạch TTCK
Trong năm 2017, dòng vốn FII đóng vai trò dẫn dắt và định hướng TTCK, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm. Khác với năm 2016, khối ngoại không còn coi Việt Nam là thị trường biên, mà đã nâng hạng thành thị trường chiến lược nên liên tục tăng tỷ trọng đầu tư trong danh mục của họ. Xu hướng hiện tại rất giống với giai đoạn 2006-2007, nhưng tốt hơn rất nhiều do TTCK đã đa dạng hơn và quy mô cũng lớn hơn rất nhiều so với những năm trước. Điều này khẳng định, về mục tiêu nâng hạng cho TTCK sẽ tiếp tục là một điểm hỗ trợ quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FII trong năm 2018.
TTCK đã khẳng định tốt vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho Chính phủ, cho doanh nghiệp và là kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng, đóng góp quan trọng vào công cuộc cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước và thu hút vốn FII vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Theo phân tích của CTCK Maybank KimEng (MBKE), các NĐTNN đã “đi trước một bước” trong việc đón đầu khả năng thăng hạng dành cho TTCK Việt Nam trong năm 2017, và khả năng cao sẽ tiếp diễn trong trong năm 2018.
Trên thực tế, dù vẫn đang nằm ở nhóm thị trường cận biên, song TTCK Việt Nam đang hứa hẹn sẽ thực hiện thành công các bước chạy đà quan trọng, nhằm tạo tiền đề cho việc nâng hạng sẽ có thể xảy ra trong giai đoạn 2019-2020. Để được nâng hạng, ngoài các các yếu tố định lượng đã được đề cập khá nhiều lần (về vốn hóa, giá trị giao dịch…), thì các yếu tố định tính mới là vấn đề MSCI đánh giá Việt Nam cần tiếp tục cải thiện.
Các yếu tố đó theo MSCI, bao gồm: độ mở và thủ tục tiếp cận thị trường cho NĐTNN; đảm bảo quyền bình đẳng đối với NĐTNN; minh bạch hóa thông tin ở mức cao hơn, các quy định liên quan đến giao dịch như cho vay chứng khoán và bán khống. Tất cả những vấn đề định tính và định lượng này nếu được cải thiện để đáp ứng tiêu chí nâng hạng, đều là những điểm cộng quan trọng cho triển vọng của thị trường trong năm 2018.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), định hướng phát triển TTCK Việt Nam là dần tiếp cận và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. UBCKNN luôn quan tâm khuyến khích, nâng cao tính công khai minh bạch trên TTCK, nhất là đối với tính minh bạch về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của công ty đại chúng được thể hiện qua sự minh bạch, tin cậy của báo cáo tài chính, minh bạch trong quản trị công ty.
Thời gian qua, UBCKNN đã có nhiều giải pháp, biện pháp nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của báo cáo tài chính kiểm toán của công ty đại chúng công bố ra thị trường, như hoàn thiện quy định về công bố thông tin trên TTCK theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế; chỉ đạo các sở giao dịch chứng khoán tăng cường giám sát việc công bố thông tin của tổ chức niêm yết, tăng cường công tác giám sát chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức kiểm toán được chấp thuận; xử lý nghiêm các tổ chức công bố thông tin có nội dung không chính xác, sai lệch tại báo cáo tài chính; xử lý tổ chức kiểm toán, kiểm toán thực hiện kiểm toán không đạt yêu cầu về chất lượng.
Cùng với việc hoàn thiện quy định pháp luật, tăng cường quản lý giám sát và bảo đảm thực thi pháp luật về công bố thông tin, UBCKNN cũng chú trọng tổ chức các hoạt động phổ biến, tuyên truyền, tập huấn cho các thành viên thị trường để nắm vững và chấp hành đúng quy định pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ của tổ chức, cá nhân tham gia thị trường.
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam năm 2018 xếp hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm trước. Sự cải thiện của môi trường kinh doanh tiếp tục trở thành yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài dồi dào trong năm 2018.Tiếp tục “mồi” FII khác
Có thể nói, những con số thống kê trên có ý nghĩa rất quan trọng khi đã giải phóng một lượng tiền lớn của các quỹ đã đầu tư trước đó, và quan trọng hơn hết là tiếp tục làm “mồi” FII khác cho các đợt thoái vốn nhà nước trong năm 2018.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), sự tham gia của các NĐTNN mới với quy mô lớn được thực hiện trong thời gian ngắn, đang báo hiệu trước về sự cạnh tranh đón đầu của các quỹ và thể chế đầu tư lớn trước cơ hội thoái vốn và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn. Nỗi lo thiếu hụt một khối lượng tiền đối ứng để hấp thu hết khối lượng cổ phần trong các đợt bán vốn nhà nước lớn trong thời gian tới đã được giảm nhẹ.
Ngược lại, đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn hoạt động hiệu quả đang là điều thu hút NĐTNN tham gia, cho dù viễn cảnh phải đến 2019 Việt Nam mới có cơ hội được xét nâng hạng TTCK như lời phát biểu của đại diện MSCI vào cuối năm 2017.
Thực tế của TTCK hiện nay cho thấy, cơ hội vẫn còn rộng mở cho các NĐTNN đến sau. Đơn cử là quy định mới của Chính phủ đã thiết lập một lộ trình nhằm đảm bảo các doanh nghiệp IPO sắp tới phải thực hiện việc niêm yết trong vòng 1 năm từ năm 2018. Đây là một thay đổi quan trọng theo hướng tích cực cho việc gia tăng hàng hóa chất lượng trên TTCK Việt Nam.
Theo tính toán, chỉ riêng 15 công ty lớn chưa niêm yết đã có kế hoạch bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), giá trị vốn hóa có thể đạt xấp xỉ 9 tỷ USD, sẽ tăng thêm vốn hóa cho thị trường. Cùng với các đợt IPO lớn sẽ diễn ra trong năm 2018, lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước cũng được kỳ vọng diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn đáng kể trong năm nay.
Theo kế hoạch, Chính phủ đã đề ra trong năm 2018 có đến hơn 150 công ty nằm trong diện thoái vốn, và đây sẽ là năm trọng điểm nhất trong việc thoái vốn giai đoạn 2018-2020. Sau những thành công tốt đẹp từ việc thoái vốn tại Vinamilk và gần đây nhất là Sabeco vào cuối năm 2017, cơ sở để tin tưởng vào việc tiếp tục thực hiện thoái vốn thành công trong năm 2018 khá rõ ràng, và điều này tạo thêm nhiều hàng hóa chất lượng trên thị trường, qua đó giúp kích thích mạnh hơn dòng vốn FII tham gia vào TTCK, cũng như giúp cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh tại các công ty hậu thoái vốn.
Công khai, minh bạch là những nguyên tắc hoạt động trên TTCK, giúp thị trường hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin cho các NĐT, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. Với quy mô TTCK hiện nay đạt trên 74% GDP, gần 2.000 công ty đại chúng, trong đó hơn 2/3 là tổ chức niêm yết/đăng ký giao dịch, hơn 100 tổ chức kinh doanh chứng khoán, 1,9 triệu tài khoản NĐT, trong đó có nhiều NĐTNN, việc đảm bảo tính công khai, minh bạch về thông tin luôn là ưu tiên của cơ quan quản lý.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCKNN