Điểm sáng bức tranh kinh tế - xã hội tháng 2/2018
Công nghiệp chế biến chế tạo có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, số lượng doanh nghiệp và vốn đăng ký kinh doanh tăng so với cùng kỳ 2017, vốn đầu tư đạt 29.076 tỷ đồng ... là những điểm sáng nổi bật trong bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội tháng 2 năm 2018.
Công nghiệp chế biến chế tạo có tốc độ tăng trưởng ấn tượng
Theo Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 2/2018 do Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 2 ước tính tuy giảm 17,1% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tháng 2 năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn. So với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 3%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1%; khai khoáng giảm 1,8%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 2,4% của cùng kỳ năm 2017, trong đó ấn tượng nhất vẫn là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,7%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2018 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số sản xuất của Bắc Ninh tăng cao nhất với mức tăng 45,1%....
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/2/2018 tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 4,3%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 3,2% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,6%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 0,4%.
Lao động trong các doanh nghiệp tại thời điểm 1/2/2018 so với cùng thời điểm năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Cần Thơ tăng 33,8%; Thái Nguyên tăng 17,3%; Bắc Ninh tăng 15,1%; Vĩnh Phúc tăng 8,3%; Hải Phòng tăng 5,6%; Hải Dương và Quảng Nam cùng tăng 3,2%; Bình Dương tăng 3,1%; Hà Nội tăng 2,2%; Quảng Ninh tăng 1,4%; Đồng Nai tăng 1,3%; Đà Nẵng tăng 1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,2%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 0,2%.
Số lượng doanh nghiệp và vốn đăng ký kinh doanh tăng so với cùng kỳ 2017
Theo số liệu thống kê, trong tháng 2, cả nước có 7.864 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 99,1 nghìn tỷ đồng, giảm 27,4% về số doanh nghiệp và tăng 0,8% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 38,9%; tổng số lao động đăng ký trong tháng của các doanh nghiệp thành lập mới hơn 71,1 nghìn người, giảm 16,6%.
Cùng tháng 2, cả nước có 2.319 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 49,4% so với tháng trước; có 4.232 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (bao gồm: 2.677 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 1.555 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể), giảm 68,2%; có 975 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 37,3%.
Tính chung 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 18.703 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 197,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29,4% về số doanh nghiệp và tăng 29,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,5 tỷ đồng, giảm 0,1%.
Trong 2 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới tại các vùng trong cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đông Nam Bộ vẫn là khu vực dẫn đầu với 8,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 33%, vốn đăng ký 94,4 nghìn tỷ đồng, tăng 30,7…
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 2 tháng đầu năm nay là 17.132 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 11.191 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 29% và 5.941 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 23,1%.
Vốn đầu tư đạt 29.076 tỷ đồng
Với hoạt động đầu tư, hoạt động chủ yếu trong tháng là tập trung thực hiện các dự án, công trình chuyển tiếp từ năm trước và triển khai kế hoạch đầu tư năm 2018. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2 ước tính đạt 12.582 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 29.076 tỷ đồng, bằng 8,6% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/2/2018 thu hút 411 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 1.391,2 triệu USD, tăng 31,3% về số dự án và giảm 31,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 133 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 700,3 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng đầu năm 2018 còn có 873 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1.253,4 triệu USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 471 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 858,9 triệu USD và 402 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 394,5 triệu USD.
Trong 2 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 817,4 triệu USD, chiếm 58,8% tổng vốn đăng ký cấp mới. Cả nước có 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 2 tháng đầu năm, trong đó Ninh Thuận có số vốn đăng ký lớn nhất với 253,9 triệu USD, chiếm 18,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Trong số 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 2 tháng năm nay, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 353,5 triệu USD, chiếm 25,4% tổng vốn đăng ký cấp mới.
2 tháng đầu năm xuất siêu 1,08 tỷ USD
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 1/2018 đạt 20.220 triệu USD, cao hơn 1.220 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2018 ước tính đạt 13,40 tỷ USD, giảm 33,7% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 33,62 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017. Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 2 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,2 tỷ USD, tăng 64,8% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với 6 tỷ USD, tăng 14%; tiếp đến là EU đạt 5,8 tỷ USD, tăng 15%; ASEAN đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,2%; Nhật Bản đạt 2,6 tỷ USD, tăng 11,1%; Hàn Quốc đạt 2,6 tỷ USD, tăng 36,4%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 1/2018 đạt 20.040 triệu USD, cao hơn 740 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2 ước tính đạt 12,50 tỷ USD, giảm 37,6% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 32,54 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường nhập khẩu 2 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 7 tỷ USD, tăng 18,7%; ASEAN đạt 4,4 tỷ USD, tăng 13,2%; Nhật Bản đạt 2,5 tỷ USD, tăng 5,7%; EU đạt 1,8 tỷ USD, tăng 5,7%; Hoa Kỳ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 5,5%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 1 xuất siêu 180 triệu USD. Tháng 2 ước tính xuất siêu 900 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm xuất siêu 1,08 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,68 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,76 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thống kê, những số liệu khá khả quan ngay từ đầu năm 2018 hứa hẹn một năm nền kinh tế trong nước có khả năng đạt được mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra./.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định
Theo đó, về nông nghiệp, trong tháng 2, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo trồng lúa và rau màu vụ đông xuân năm 2018. Tính đến trung tuần tháng 2, cả nước gieo cấy được 2.616,2 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,2% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 663,8 nghìn ha, bằng 95,5%; các địa phương phía Nam đạt 1.952,4 nghìn ha, bằng 100,5%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.562 nghìn ha, bằng 99,9%.
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định, chăn nuôi gia cầm đạt khá, đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Riêng chăn nuôi lợn, mặc dù giá thịt lợn hơi trong tháng tăng nhẹ nhưng vẫn không đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi nên quy mô đàn tiếp tục giảm. Ước tính tháng 2, đàn trâu cả nước giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 2,3%; đàn gia cầm tăng 6,9%; đàn lợn giảm 5,7%. Tính đến thời điểm 27/2/2018, cả nước không còn dịch lợn tai xanh, các dịch bệnh chưa qua 21 ngày còn ở một số địa phương: Dịch cúm gia cầm ở Hải Phòng; dịch lở mồm, long móng ở Sơn La.
Về lâm nghiệp, trong tháng 2, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 3,9 nghìn ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 10,2 triệu cây, tăng 2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 450 nghìn m3, tăng 3,4%; sản lượng củi khai thác đạt 1,3 triệu ste, giảm 0,8%. Tính chung 2 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 6,8 nghìn ha, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 10,9 triệu cây, tăng 1,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.075 nghìn m3, tăng 5,2%; sản lượng củi khai thác đạt 2,8 triệu ste, giảm 0,7%. Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 2 là 32,7 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 12,8 ha; diện tích bị chặt phá là 19,9 ha. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 60,5 ha rừng bị thiệt hại, giảm 49,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 17,1 ha, giảm 75,2%; diện tích rừng bị chặt phá là 43,4 ha, giảm 14,5%.
Về thủy sản, sản lượng thủy sản tháng 2 ước tính đạt 523 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 276,3 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước… Sản lượng thủy sản khai thác tháng 2 ước tính đạt 246,7 nghìn tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2018, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1.048,7 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2017.