Vì sao tỷ giá bất ngờ tăng vọt?

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn

Những ngày qua, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng khá mạnh. Hiện giá bán USD tại ngân hàng đã lên mức trên 23.000 đồng/USD. Vì sao lại có hiện tượng này?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trao đổi với VnBusiness ngày 20/4, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, diễn biến tăng mạnh của tỷ giá USD/VND trong những ngày gần đây do áp lực từ sự mạnh lên của đồng USD trên thị trường quốc tế. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm có thể là động thái của nhà điều hành để tránh tình trạng điều chỉnh đột ngột, gây sốc cho thị trường.

Tỷ giá sẽ còn tạo thêm những mốc mới

Khảo sát phiên giao dịch ngày 20/4, tỷ giá tại Vietcombank tăng 25 đồng ở hai chiều mua – bán so với sáng qua, đang niêm yết USD ở mức 22.815 – 23.095 VND/USD. VietinBank tăng 31 đồng trong khi BIDV tăng 30 đồng ở mỗi chiều, đang cùng niêm yết USD ở mức 22.815– 23.095 VND/USD.

ACB và Eximbank tăng 30 đồng ở mỗi chiều, đang cùng niêm yết USD ở mức 22.870 – 23.050 VND/USD. Tỷ giá tại Sacombank đang là 22.833 – 23.090 VND/USD, tăng 34 đồng ở chiều mua và 36 đồng chiều bán.

Techcombank đang giao dịch USD ở mức 22.823 – 23.103 VND/USD, tăng 37 đồng ở mỗi chiều mua và bán. Tương tự, tỷ giá kỳ hạn USD tại ngân hàng này cũng được điều chỉnh tăng từ 35 đến 39 đồng tùy từng kỳ hạn.

Cụ thể, tỷ giá kỳ hạn USD 3 ngày đang được niêm yết ở mức 22.825 – 23.111 VND/USD, tại kỳ hạn 30 ngày, giá USD đang ở mức 22.861 – 23.191 VND/USD, tại kỳ hạn 90 ngày, tỷ giá là 22.940 – 23.357 VND/USD và tại kỳ hạn 360 ngày, giá USD ở mức 23.280 – 24.271 VND/USD.

Theo nhận định của các chuyên gia, tỷ giá sẽ còn tạo thêm những mốc mới trong năm nay do tác động từ yếu tố bên ngoài như: chính sách điều hành lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), xung đột Nga – Ukraine đang diễn ra. Cùng với đó, trong nước hoạt động mua bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng không còn được thuận lợi như những năm trước.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam đánh giá, năm 2022 có thể là một năm nhiều biến động cho tỷ giá trong khu vực châu Á nói chung và VND nói riêng.

“Trong ngắn hạn, áp lực giảm giá của VND đang rất hiện hữu do những thay đổi về chính sách tiền tệ của Fed, cùng với rủi ro về tăng trưởng toàn cầu chậm lại cũng như căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine đang diễn ra”, ông Khoa nói.

VND mất giá trong ngưỡng chấp nhận

Trao đổi với VnBusiness, vị Phó tổng giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần nói rằng, tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong bối cảnh trên thị trường thế giới, đồng bạc xanh tiếp tục duy trì ở vùng cao nhất trong 2 năm qua. Hiện chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đang đứng ở mức trên 100 điểm.

Bên cạnh đó, nền kinh tế đang dần phục hồi tích cực, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh tăng mạnh, nên xuất hiện nhu cầu đột biến để thanh toán cho khoản đáo hạn của một vài tổ chức lớn. Trong khi trước đó, các ngân hàng dự báo tỷ giá giảm nên hạn chế duy trì trạng thái dương ngoại tệ. Nhu cầu đột xuất tăng cộng với việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm khiến tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng "xao động."

Theo báo cáo vĩ mô quý I/2022, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) tiếp tục nhận định đồng VND có xu hướng mất giá so với đồng USD năm 2022.

Nhóm phân tích cho rằng xu hướng trung hoà chính sách tiền tệ nới lỏng các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn tiếp diễn, đi đầu là các động thái mang tính diều hâu hơn của Fed hay BOE trong giai đoạn tới. "Từ nay đến cuối năm Fed dự kiến có 5-6 lần tăng lãi suất. ECB dù chưa xác nhận thời gian nâng lãi suất cũng đã đẩy nhanh tiến độ kết thúc chương trình mua lại tài sản. Tổng hợp lại, đồng USD dự báo lên giá so với ngoại tệ mạnh khác", VCBS cho hay.

Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ cũng không thực sự thuận lợi cho năm nay do rủi ro xung đột vũ trang làm chậm quá trình ra quyết định đầu tư và giải ngân vốn đầu tư. Ngoài ra, giá nguyên nhiên, vật liệu tăng bào mòn thặng dư thương mại đặc biệt tại khối doanh nghiệp trong nước.

"Diễn biến này khiến cho quá trình tăng cường nguồn lực dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước gặp khó khăn so với các năm trước đây. Cũng đồng thời, dự báo sự sụt giảm thanh khoản tiền đồng vốn được tăng cường thông qua hoạt động mua ngoại tệ trong giai đoạn trước," báo cáo cho hay.

Dù vậy, VCBS cho rằng Việt Nam vẫn có yếu tố mang tính điểm sáng đủ mang lại kỳ vọng về sự ổn định của thị trường ngoại hối Việt Nam với khả năng kiểm soát dịch bệnh, rộng hơn là sự ổn định kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng cao hơn so với nhiều quốc gia, kèm sự ổn định chính trị vẫn sẽ là điểm thu hút với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Do đó, công ty chứng khoán dự báo VND sẽ giảm giá tương đối so với USD, với mức biến động không quá 2% cho cả năm 2022.