Sức hút Việt Nam với nhà đầu tư Nhật Bản
Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, 32 giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản, với tổng giá trị lên đến 8 tỷ USD đã được ký kết. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam với nhà đầu tư Nhật Bản.
"Miền đất hứa"
Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, được tổ chức tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với tầm nhìn Nhật Bản tiếp tục là đối tác chiến lược quan trọng nhất trong hợp tác đầu tư, Việt Nam khuyến khích các đầu tư FDI chất lượng cao của Nhật Bản vào Việt Nam. Trong đó, ưu tiên dự án đầu tư thân thiện với môi trường, hạ tầng chất lượng cao, áp dụng và chuyển giao công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo; hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ, đưa hàng hóa của Việt Nam tham gia các kênh phân phối khu vực, toàn cầu.
Dự kiến, khi Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) được thực thi thì xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42% sau 6 năm nữa. “Đây chính là thời cơ để doanh nghiệp Nhật Bản đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu ở Việt Nam. Việt Nam sẽ là miền đất lành cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Các tập đoàn Nhật Bản cũng đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư và khẳng định mong muốn tiếp tục đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. “Niềm tin của doanh nghiệp Nhật Bản với Việt Nam ngày càng tăng” - ông Nobuhiko Sasaki - Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) - khẳng định.
Tuy nhiên, về vấn đề công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp Nhật cho rằng, một số lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam chưa có khả năng cung ứng và bày tỏ mong muốn hợp tác liên kết nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Chuyển dịch dòng vốn
Đến nay, Nhật Bản có 4.190 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 57,9 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Vốn đầu tư từ Nhật Bản được xem là dòng vốn chính, hình mẫu cho mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Khảo sát gần đây nhất do JETRO thực hiện cho thấy, Việt Nam là nước đứng vị trí thứ 2 được doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn là điểm đến mở rộng kinh doanh trong tương lai. Đối với kế hoạch mở rộng xuất khẩu ra nước ngoài, doanh nghiệp Nhật Bản cũng ưu tiên lựa chọn Việt Nam làm điểm đến, đặc biệt lĩnh vực phi sản xuất đứng vị trí thứ 2.
Theo các chuyên gia về đầu tư nước ngoài, việc nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, thương mại sẽ là xu hướng chung trong vài năm tới, do nhiều công ty sản xuất lớn của Nhật Bản đã rót vốn vào Việt Nam ở giai đoạn trước. Trong khi thị trường tiêu dùng trực tiếp tại Việt Nam đang rất hấp dẫn với các công ty dịch vụ và thương mại nước ngoài.