Suy thoái kinh tế là 'chất xúc tác' bất ổn chính trị của Thái Lan?
Từng được ca ngợi là cường quốc kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan hiện đang phải vật lộn với thách thức có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính và chính trị của nước này.
Những lựa chọn kinh tế
Kết thúc quý III năm nay với chỉ 1,5% tăng trưởng so với mức 2,4% được dự đoán, là quý thứ 2 liên tiếp nền kinh tế Thái Lan có tốc độ tăng trưởng bị suy giảm. Thêm vào đó, Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC), đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng 2023 của nước này xuống 2,5% - mức thấp nhất trong phạm vi 2,5-3% đã dự báo trước đó.
Điều này làm dấy lên lo ngại về quỹ đạo kinh tế của quốc gia và cho thấy khả năng phục hồi chậm hơn dự kiến. Ngoài ra, tình trạng này cũng tăng thêm sự hoài nghi về mục tiêu tăng trưởng 5% trong 4 năm nắm quyền của Thủ tướng Thavisin.
Nó cũng đe dọa khả năng thành công của chính sách phát tiền kỹ thuật số nhằm mục đích bơm hơn 500 tỷ baht (14 tỷ USD) vào nền kinh tế, thông qua khoản phân phát 10.000 baht (285USD) cho mỗi người dân Thái Lan.
Nói về chính sách này, TS. James Guild của Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (Singapore), cho biết mục tiêu trước mắt của chính phủ Thái Lan là kích cầu, và xa hơn giúp nền kinh tế dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu hay du lịch - từ lâu là trụ cột tăng trưởng quốc gia. Nhưng hầu như giới chuyên môn ít ai cảm thấy hài lòng về cách tiếp cận này của chính quyền.
Trong khi Chính phủ cam kết đưa đà thâm hụt tài khóa xuống dưới 3% GDP vào năm 2023 sau thời kỳ ngân sách bị “hút máu” bởi virus Corona, việc bơm 500 tỷ baht có thể biến toàn bộ các nỗ lực đang thực hiện hóa hư không và đưa mức thâm hụt trở về thời kỳ đại dịch.
Cơ sở lý thuyết để phát tiền trực tiếp cho dân nhằm kích cầu tiêu dùng dựa trên nguyên tắc tài khóa nghịch chu kỳ, thế nhưng thực tế chứng minh không phải lúc nào điều đó cũng thành công. Đặc biệt là khi Chính phủ không thể chắc chắn về cách người dân sử dụng tiền, và doanh nghiệp cần thời gian để lập kế hoạch sản xuất gắn với hành vi tiêu dùng của người dân.
Thay vào đó, có những cách khác tuy chậm mà chắc, như tập trung tăng mức thu nhập trong dài hạn. Việc phát tiền cho dân chỉ là “khoản thân toán một lần”, còn việc tăng lương trong dài hạn sẽ thúc đẩy sức mua từ năm 2024 trở đi, giúp chia sẻ gánh nặng tài khóa từ chính phủ và sang các doanh nghiệp.
Trong phiên họp Quốc hội hồi tháng 9, Thủ tướng Thavisin cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp sớm nâng mức lương tối thiểu hàng ngày lên 400 baht để giúp người lao động phục vụ các nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, để làm được như vậy phải có sự thống nhất của Ủy ban Tiền lương Quốc gia 3 bên, gồm đại diện người sử dụng lao động, người lao động và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét trước tiên.
Tiêu chí họ quan tâm cân nhắc hàng đầu là lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng trớ trêu thay, có lẽ kế hoạch tăng lương dễ bị tắc bởi chính kế hoạch phát tiền cho dân. Thế lưỡng nan này đòi hỏi Nội các Thavisin cần lắng nghe tiếng nói phản đối của giới chuyên gia nghiêm túc hơn. Một cách khác là giải quyết mức nợ tiêu dùng cao của Thái Lan.
Theo Kantar Worldpanel, các hộ gia đình Thái Lan vẫn có mức nợ cao và hiện được hưởng lợi ít hơn từ trợ cấp của chính phủ, khiến họ thận trọng trong chi tiêu. Do đó, nếu giải quyết được mối lo này, sẽ mang lại cho họ nhiều thu nhập khả dụng hơn để chi tiêu vào hàng hóa và dịch vụ, có nghĩa sẽ làm tăng sức mua của người tiêu dùng.
Những rủi ro chính trị
Về mặt chính trị, tính bền vững về vai trò dẫn dắt của ông Thavisin trong chính trường Thái Lan đang bị đặt dấu hỏi lớn. Đặc biệt, khi các chính trị gia đối lập đang không ngừng ngờ vực và phản đối gói kích cầu khổng lồ có thể khiến quá trình phục hồi kinh tế trở nên phức tạp hơn. Nếu kết quả kích cầu thất bại và lạm phát lại tăng lên khiến lãi suất bị siết chặt và trở lại trạng thái thâm hụt tài khóa, uy tín của chính phủ càng thêm tổn hại.
Dưới góc nhìn này, kế hoạch phát tiền của ông Thavisin dường như là biện pháp dân túy hơn là giải pháp kinh tế. Và khi các chính sách dân túy ngắn hạn được áp dụng không đi kèm với các cải cách mang tính cơ cấu trong hệ thống kinh tế, có thể dẫn đến tình trạng nợ công không bền vững.
Bởi chúng chỉ có nhiệm vụ củng cố thêm vị thế cầm quyền còn lung lay của một liên minh chính trị. Thực tế, ông Thavisin có được chiếc ghế Thủ tướng sau tình trạng bế tắc chính trị dài 3 tháng ở Thái Lan, khi đảng MFP đối lập giành được nhiều phiếu nhất, nhưng ứng viên được đề cử Pita Limjaroenrat không quy tụ đủ 375 phiếu tối thiểu ở lưỡng viện Quốc hội do sự cản trở của quân đội ở Thượng viện. Thay vào đó là liên minh 11 đảng của ông Thavisin có xu hướng thân quân đội.
Tình trạng này có thể tạo ra thế đối đầu giữa những lợi ích cơ bản ngay trong chính phủ Thái Lan, khi Thủ tướng muốn sử dụng các biện pháp dân túy để duy trì quyền lực, nhưng bản chất cấu trúc liên minh lại không bảo chứng cho những phát ngôn và hành động của ông. Vả lại, vẫn chưa rõ Srettha Thavisin thực sự nắm giữ bao nhiêu sức ảnh hưởng trong liên minh cầm quyền rộng lớn này.
Thái Lan vốn có lịch sử bất ổn chính trị, việc có thêm những bất ổn về kinh tế có thể làm tăng rủi ro. Những nghi ngờ xung quanh khả năng ông Thavisin vượt qua cơn bão kinh tế, cùng với sự chậm trễ trong việc thực thi các chính sách quan trọng trong dài hạn, đã tạo ra môi trường lý tưởng cho sự bất mãn.
Ở một quốc gia mà sự ổn định chính trị thường khó đạt được như Thái Lan, suy thoái kinh tế có thể là chất xúc tác cho tình trạng bất ổn chính trị mới. Và cuối cùng, nguy cơ mất vị thế cạnh tranh trước các nước trong khu vực có sự tiến bộ kinh tế gắn với ổn định chính trị sẽ là mối lo thực sự đối với sự bền vững của chính phủ.
Tăng trưởng chậm lại, chi tiêu công yếu, xuất khẩu giảm và những bất ổn trong chính sách tiền tệ, sẽ là bài kiểm tra khắc nghiệt đối với khả năng lãnh đạo của ông Srettha Thavisin trong việc tạo dựng niềm tin vào tính bình ổn trên cả 2 mặt trận kinh tế và chính trị.