Thái Lan thúc đẩy chiến lược ngoại giao kinh tế


Trong nỗ lực đẩy mạnh chiến lược ngoại giao kinh tế nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của nền kinh tế, Bộ Ngoại giao Thái Lan đang có kế hoạch yêu cầu các đại diện ngoại giao của nước này trên khắp thế giới tăng cường kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các dự án trong nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara.
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara.

Phát biểu tại sự kiện có tên gọi “Bước tiếp theo của Thái Lan 2024: Sự Thịnh vượng và Bền vững tiếp theo”, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara nói rằng Chính phủ Thái Lan đang sử dụng chiến lược “ngoại giao kinh tế” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư trên khắp thế giới.

Bởi vậy, Bộ Ngoại giao Thái Lan chuẩn bị mời tất cả các đại sứ, đại diện ngoại giao của nước này trên khắp thế giới về dự một cuộc họp tại thủ đô Bangkok nhằm thảo luận về việc làm thế nào sử dụng ngoại giao kinh tế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Dự kiến, cuộc họp diễn ra từ ngày 20 đến 24/11.

Theo ông Parnpree, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp này với đại diện của các tập đoàn quốc tế lớn để thuyết phục họ đầu tư vào Thái Lan.

Ông Parnpree nói rằng, hướng phát triển mới của Thái Lan sẽ phụ thuộc vào bối cảnh toàn cầu, nơi các cường quốc đang cạnh tranh về ảnh hưởng chính trị, kinh tế và công nghệ. Điều này đã mang lại cho Thái Lan cơ hội để thể hiện lập trường của mình trong bối cảnh xung đột kinh tế toàn cầu.

Kế hoạch về hướng tăng trưởng mới của Thái Lan, dự kiến bắt đầu từ năm tới, sẽ được chia làm ba phần. Trong đó, phần đầu tiên với tên gọi “Tăng trưởng xanh” sẽ giúp các doanh nghiệp có quy trình sản xuất giảm phát thải khí nhà kính được tiếp cận các nguồn lực đầu tư và dịch vụ tài chính.

Phần thứ hai có tên “Tăng trưởng theo định hướng đổi mới” sẽ cho phép gia tăng các giá trị dịch vụ và sản phẩm bằng cách sử dụng công nghệ và phần thứ ba “Tăng trưởng định hướng cộng đồng” nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn tài chính.

Ông Parnpree nói: “Chính phủ Thái Lan sẽ thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng mới bằng cách triển khai chiến lược ngoại giao kinh tế nhằm kết nối các đối tác trong khu vực và trên toàn cầu. Các khu vực nhà nước, tư nhân và tài chính sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước láng giềng của Thái Lan cùng phát triển, song song với việc giải quyết các vấn đề chung trong khu vực”.

Chính phủ Thái Lan cũng sẽ tận dụng ngoại giao kinh tế để tìm kiếm các cơ hội kinh tế số và phát triển các doanh nhân kinh doanh thế hệ mới và quảng bá đầu tư của Thái Lan ở nước ngoài.

Ông Parnpree khẳng định, Chính phủ Thái Lan sẽ triển khai các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, hợp tác với các đối tác trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tăng cơ hội đầu tư và thương mại.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan cho biết, dự án cầu đất liền của Thái Lan, nhằm nối Vịnh Thái Lan với Biển Adaman, sẽ biến Thái Lan trở thành một điểm kết nối hậu cần quan trọng đối với các nước khác. Đồng thời, giúp thay đổi hoặc giảm bớt xung đột địa chính trị và cho phép các quốc gia tập trung vào thương mại dựa trên sự công bằng.

Theo nhandan.vn