Tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam


Dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam phải đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn,... gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của bà con.

 Biến đổi khí hậu toàn cầu bao gồm cháy rừng thường xuyên hơn, thời gian hạn hán kéo dài hơn ở một số vùng và sự gia tăng cường độ gió và lượng mưa từ các cơn bão nhiệt đới. (Ảnh: NASA).
Biến đổi khí hậu toàn cầu bao gồm cháy rừng thường xuyên hơn, thời gian hạn hán kéo dài hơn ở một số vùng và sự gia tăng cường độ gió và lượng mưa từ các cơn bão nhiệt đới. (Ảnh: NASA).

Thời tiết ngày càng dị thường

Biến đổi khí hậu là thuật ngữ dùng để chỉ sự thay đổi về nhiệt độ, khí hậu do tác động chủ yếu của con người gây ra làm thay đổi thành phần khí quyển của Trái đất.

Vài năm gần đây, những thay đổi đối với khí hậu Trái đất do con người phát thải các loại khí nhà kính ngày càng tăng đã có những tác động rộng rãi đến môi trường như: Sông băng tan chảy với tốc độ kỷ lục, sóng đóng băng, phạm vi địa lý của thực vật và động vật đang thay đổi...

Những tác động do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra đã được các nhà khoa học dự đoán từ lâu như mực nước biển dâng nhanh hơn, các đợt nắng nóng kéo dài hơn, dữ dội hơn.

Theo Nasa, các nhà khoa học dự đoán nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng do khí nhà kính do con người tạo ra. Thiệt hại nghiêm trọng do thời tiết cũng sẽ gia tăng và dữ dội hơn các năm trước. 

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, một số thay đổi về thời tiết gần đây trên toàn cầu như hạn hán, cháy rừng, lượng mưa cực lớn đang diễn ra nhanh hơn so với đánh giá trước đây của các nhà khoa học.

Mức độ, tốc độ của biến đổi khí hậu và các rủi ro liên quan phụ thuộc rất nhiều vào các hành động của con người trong thời gian ngắn, đồng thời các tác động tiêu cực dự kiến ​​cũng như những tổn thất và thiệt hại liên quan sẽ leo thang theo từng đợt nóng lên toàn cầu.

Theo báo cáo đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu năm 2021, lượng khí thải do con người thải ra đã làm khí hậu nóng lên gần 2 độ F (1,1 độ C) kể từ năm 1850 - 1900.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt hoặc vượt 1,5 độ C (khoảng 3 độ F) trong vòng vài thập kỷ tới. Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các khu vực trên Trái đất.

Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 23/4/2024 cho biết, châu Á vẫn là khu vực chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do biến đổi khí hậu gây ra.

Theo đó, lũ lụt và bão gây ra số thương vong và thiệt hại kinh tế cao nhất tại châu Á trong khi tác động của các đợt nắng nóng trở nên nghiêm trọng hơn.

Vào năm 2023, tổng cộng có 79 thảm họa liên quan đến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm. Trong số này, hơn 80% liên quan đến lũ lụt và bão, với hơn 2.000 người thiệt mạng và 9 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp.

Vài năm gần đây, thời tiết ở Việt Nam ngày càng bất thường. Theo Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (KTTV), trong năm 2023, thời tiết và khí hậu nước ta chịu tác động mạnh mẽ của hiện rượng El Nino và biến đổi khí hậu. Năm 2023 ghi nhận là năm có mức nhiệt độ cao nhất toàn cầu và là năm thứ hai trong chuỗi số liệu quan trắc ở Việt Nam. Nhiệt độ cao nhất Việt Nam từ trước đến nay đã xuất hiện với trị số 44,2 độ ở Bắc Trung Bộ.

Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài với nền nhiệt thấp ở đồng bằng, vùng núi cũng như nắng nóng xuất hiện dài ngày ở khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2023, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.145 trận thiên tai (21/22 loại hình), đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng và là năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền.

Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích (giảm 3% so với năm 2022). Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng (bằng 42% so với năm 2022).

Tại Hội nghị Tổng kết công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn năm 2023, nhận định xu thế thiên tai năm 2024 do Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức, các chuyên gia nhận định rằng, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm được dự báo sẽ xảy ra nhiều hiện tượng cực đoan, dị thường.

Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống

Từ đầu tháng 4/2024 đến nay, xâm nhập mặn vùng ven biển gia tăng, một số thời điểm độ mặn tăng cao đột biến gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt của bà con tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, như từ ngày 18 - 22/4, tại cầu Cái Tư (sông Cái Lớn) độ mặn hơn 3-4 g/lít, tại Bắc Hồng Dân hơn 10 g/lít, ảnh hưởng đến lấy nước cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Theo thống kê, đến nay Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1.580 ha lúa (Sóc Trăng 1.530 ha, Bến Tre 50 ha), 4.640 ha chanh và cây ăn trái khác tại Long An có nguy cơ giảm năng suất. 43 ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng.

Khoảng 73.900 hộ (2,1% số hộ dân nông thôn) bị thiếu nước sinh hoạt tập trung tại bảy tỉnh Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, thấp hơn so với năm 2019 - 2020 (96.000 hộ).

Hạn hán kéo dài đã khiến mực nước các kênh, rạch vùng ngọt Đồng bằng sông Cửu Long xuống mức thấp; nhiều nơi khô cạn. Người, cây trồng, vật nuôi và cả nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cũng đều thiếu. Cao điểm vừa qua có khoảng 73.900 hộ dân của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước sinh hoạt.

Giữa tháng 4/2024, Long An công bố xâm nhập mặn khẩn cấp, độ mặn từ 1 đến 4 phần nghìn xâm nhập sâu vào hệ thống sông Vàm Cỏ, tỉnh Long An công bố rủi ro thiên tai xâm nhập mặn cấp 4 (độ rủi ro rất lớn). Trước Long An, hai tỉnh Tiền Giang và Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, xâm nhập mặn. 

Ở Đồng bằng sông Cửu Long hạn mặn tấn công, còn ở Tây Nguyên các hồ chứa nước thủy lợi lẫn thủy điện đều đang cạn dần. Do ảnh hưởng El Nino, mùa khô năm 2023 - 2024 ở Tây Nguyên có khả năng gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm 2024 tới nay là thời kỳ mùa khô, thời tiết trên địa bàn tỉnh chủ yếu là không mưa.

Trong khi đó, Trung tâm cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước dự báo trong tháng 3 và tháng 4, mực nước ngầm có xu thế hạ, mực nước thấp hơn từ 1,52 - 3,24 m so với tháng 2/2024.

Lượng mưa thấp cùng hạn hán kéo dài khiến tình trạng khô hạn ngày càng trầm trọng hơn. Thống kê đến ngày 15/4, toàn tỉnh Đắk Lắk có 619 hồ chứa đã có 44 hồ đã cạn nước; 139 hồ có dung tích hiện tại dưới 50%; 135 hồ có dung tích hiện tại còn từ 50% đến dưới 70%; 127 hồ có dung tích hiện tại còn trên 70%.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, từ tháng 3 đến 5/2024, khu vực đầu nguồn sông, suối thuộc các huyện Krông Bông, Ea H'leo, Cư M'gar, Buôn Đôn, Ea Súp khả năng bị cạn kiệt; xuất hiện tình trạng hạn hán cục bộ ở một số địa phương ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đến nay hạn hán xảy ra chỉ mang tính cục bộ, nhưng nhiều khu vực đang có nguy cơ thiếu nước cao.

Theo ghi nhận tại xã Đại Lào và Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc đang xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Tính đến giữa tháng 3/2024, tại xã Đại Lào có khoảng 300 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Tại tỉnh Kon Tum, dự báo 3 tháng tới có nguy cơ cao xảy ra khô hạn, thiếu nước trên diện rộng. Đặc biệt là các khu vực không chủ động được nguồn nước tưới ở TP Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Nam Đăk Glei.

Theo tỉnh này, tổng diện tích cây trồng dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước là 1.777ha, gồm 783ha lúa và 994ha cà phê.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm 2024 đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh duy trì trạng thái nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao dẫn đến mực nước ngầm hạ thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên cạn kiệt.

Bên cạnh đó, một số hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã gần mực nước chết, có hồ Tà Mon đã hết nước từ đầu tháng 3/2024. Do đó đã xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới và sinh hoạt cục bộ tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và khả năng thiếu nước tưới, sinh hoạt tăng cao hơn trong thời gian tới nếu thời tiết không có mưa.

Qua thống kê, toàn tỉnh Bình Thuận có 961 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2023 - 2024 bị thiệt hại do thiếu nước tưới; 4.672 ha cây rau màu và thanh long của huyện Hàm Thuận Nam đang bị thiếu nước; dự kiến sẽ có thêm 1.200 ha cây thanh long trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bị thiếu nước tưới vào thời điểm đầu tháng 5/2024 nếu thời tiết không có mưa.

Trước đó, ngày 1/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Chỉ thị nêu rõ: Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay, lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên.

Để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng các bộ và Thủ trưởng cơ quan có liên quan tổ chức theo dõi sát tình hình, tăng cường chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương khu vực Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn.

Kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.

Theo Hà My/kinhtemoitruong.vn