Tác động của Brexit đến nền kinh tế và thị trường bảo hiểm Việt Nam

ThS. NGUYỄN QUANG PHI

Sự kiện Vương quốc Anh – một trong những nền kinh tế lớn của Liên minh châu Âu quyết định rời khỏi liên minh này (còn gọi là Brexit) thực sự đã gây sốc cho thị trường tài chính toàn cầu nói chung và châu Âu nói riêng. Bài viết đánh giá lại những tác động của sự kiện Brexit đối với nền kinh tế Việt Nam, đồng thời, đưa ra các dự báo về ảnh hưởng của sự kiện này đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhận diện tác động của Brexit đến kinh tế vĩ mô

Là trung tâm tài chính của châu Âu, nước Anh khẳng định vị thế đầu tàu của mình đối với sự phát triển kinh tế của khu vực EU. Do vậy, sự kiện Brexit được dự báo sẽ gây ra sự bất ổn tới các thị trường tài chính, tình hình đầu tư trên thế giới và cụ thể nhất chính là sự suy giảm giá trị đồng bảng Anh (GBP) và cả đồng euro (EUR); đồng thời, sẽ đẩy kinh tế khu vực EU rơi vào khó khăn khi mà trong những năm qua, các thành viên của khối này cũng đang vật lộn với suy thoái, nợ công.

Đối với Anh quốc, sự kiện Brexit được nhận định sẽ gây tác động xấu tới nền kinh tế nước này và hơn tất cả sẽ là “một thập niên bất ổn” cho nước Anh, khi phải cần rất nhiều thời gian và nguồn lực để đàm phán lại các thỏa thuận kinh tế và thương mại với hơn 50 nước nước trong và ngoài EU. Bối cảnh kinh tế nước Anh hậu Brexit được dự đoán có thể sẽ tổn thất gần 1 triệu cơ hội việc làm và khoảng 100 tỷ bảng.

Thêm vào đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm 3,3% tới năm 2020 và giảm 5,1% vào năm 2030. Ngoài ra, những tác động từ thuế tăng, giảm lao động di cư, bất ổn kinh tế, chính trị và những biến động của đồng GBP là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm này. Từ đó, không chỉ tác động nặng nề tới các nhà đầu tư mà còn làm suy giảm và gián đoạn dòng chảy tài chính, hay bị giới hạn và lược bỏ nhiều lợi ích trên các hợp đồng hợp tác kinh tế.

Hình 1: Quy mô thương mại song phương việt nam - anh giai đoạn 2006 - 2015

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo các chuyên gia tài chính, Brexit là sự kiện lớn, có tác động nhiều mặt lên hệ thống kinh tế - tài chính toàn cầu, cùng với những diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới. Do đó, để đánh giá một cách toàn diện tác động của việc Anh rời EU đối với kinh tế Việt Nam, trong thời gian tới cần phải tiếp tục theo dõi và phân tích một cách tổng thể, nhiều chiều. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, vẫn có thể thấy ảnh hưởng của Brexit trên các phương diện sau:

- Đối với xuất nhập khẩu: Việc đồng EUR, GBP mất giá sẽ là bất lợi cho đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn, trong đó có Việt Nam vào thị trường EU khi giá cả sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Nguy hại hơn, sự ảm đạm của nền kinh tế châu Âu hậu Brexit sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào EU, từ đó gây áp lực lên các nhà xuất khẩu lớn như Trung Quốc hay Việt Nam vào EU. Trong số các nước ở châu Á, tỷ lệ xuất khẩu sang UK/GDP của Việt Nam là tương đối cao, chiếm 2.3% GDP năm 2015, chỉ đứng sau Cambodia và cao hơn cả Hong Kong. Khi kinh tế và nhu cầu của Anh giảm sút có thể kéo theo sụt giảm nhu cầu với hàng hóa của Việt Nam.

Trong khi đó, theo Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm khoảng 3% tổng giá trị xuất khẩu, trong khi đó nhập khẩu từ Anh nhỏ hơn 1%, song Anh lại là đối tác thương mại tương đối quan trọng của Việt Nam trong EU, nên việc kinh tế Anh suy giảm sẽ ảnh hưởng xấu tới thương mại của Việt Nam.

Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn duy trì mức xuất siêu trong quan hệ thương mại với Anh. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt tăng trưởng kép (CAGR) gần 17% trong giai đoạn 2008-2015, đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU.

Tính riêng 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Anh là 1,7 tỷ USD và năm 2015 là 3,9 tỷ USD. Kinh tế của Anh suy giảm sẽ kéo theo việc giảm nhu cầu đối với các loại hàng hóa của Việt Nam, làm giảm xuất khẩu và thặng dư thương mại. Hơn nữa, việc đồng bảng Anh mất giá cũng sẽ khiến cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường Anh kém cạnh tranh hơn. Ngoài ra, việc đồng Bảng Anh mất giá khiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Anh giảm đáng kể về mặt giá trị.

- Đối với tỷ giá: Trong tình hình hiện nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ trì hoãn hoặc không tăng lãi suất cho vay. Trong khi đó, đối với các nước thuộc EU, việc tiếp tục tăng cường các biện pháp kích thích vẫn có thể đối phó với vấn đề tăng trưởng. Thêm vào đó, đồng EUR mất giá đồng nghĩa với đồng USD mạnh lên tương đối so với các ngoại tệ mạnh khác, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của DN. Tất nhiên, xu thế này cũng sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá của Việt Nam.

Đồng Yên Nhật đã tăng giá mạnh khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố. Cụ thể, đồng Yên đã tăng giá 3.8% còn tính từ đầu năm đồng Yên đã tăng giá 17.6%. Với một quốc gia vay nợ bằng đồng Yên nhiều như Việt Nam (tương đương 45 tỷ USD), việc lên giá quá mạnh của đồng Yên sẽ gây áp lực lớn đến nợ công. Trong số các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, PPC là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều nhất do có khoản vay lớn bằng đồng Yên, tương đương 4.3 nghìn tỷ VND ở thời điểm cuối năm 2015.

Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp vay nợ bằng đồng Euro được cho là được hưởng lợi khi đồng Euro mất giá, tuy nhiên mức độ hưởng lợi là chưa thực sự rõ ràng. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần thay đổi mạnh mẽ hơn trong việc điều hành tỷ giá, thậm chí việc duy trì tỷ giá có thể sẽ phải đánh đổi bằng thiệt hại, đặc biệt là về nguồn dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, cần theo dõi sát sao vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam bởi vấn đề này có thể sẽ “tăng nhiệt” trở lại khi ngân hàng phải bán ra lượng VND lớn để củng cố lại trạng thái ngoại tệ khi có sự chênh lệch lớn xảy ra.

- Đối với thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán nói riêng và những tài sản rủi ro cao nói chung sau Brexit được nhận định sẽ gặp nhiều bất lợi. Trong đó, thị trường chứng khoán sẽ phải đón nhận những ảnh hưởng tiêu cực tương ứng. Theo một số chuyên gia chứng khoán, Brexit chắc chắn làm giảm dư địa tăng giá của chứng khoán Việt Nam ở một mức độ nhất định.

Tác động tiếp theo đến thị trường chứng khoán phụ thuộc các biến số: Brexit/các sự kiện là hệ quả của Brexit sẽ ảnh hưởng ra sao tới những yếu tố vĩ mô chủ chốt của Việt Nam như tỷ giá, lạm phát, lãi suất. Sự bất định trong trung dài hạn mà sự kiện Brexit tạo ra có thể vượt xa khỏi những nhận định sơ bộ ban đầu. Trong khi đó, về dòng vốn, giới đầu tư quốc tế sẽ tiếp tục cẩn trọng với những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.

Theo đó, họ sẽ có xu hướng chuyển dòng vốn từ các tài sản rủi ro cao như cổ phiếu sang các tài sản rủi ro thấp hơn như vàng, trái phiếu hay đồng Yên. Tính từ đầu năm đến nay, dòng vốn đổ vào các quỹ đầu tư trái phiếu trên toàn cầu là 76 tỷ USD trong khi đó rút ra khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu là 114 tỷ USD. Sau sự kiện Brexit, xu hướng dịch chuyển vốn sang các tài sản an toàn có thể còn kéo dài.

- Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Anh: Tốc độ đầu tư của Anh vào Việt Nam không có sự liên quan đến tăng trưởng kinh tế. Năm 2015, tổng vốn đầu tư FDI của Anh là 1.2 tỷ USD, đứng thứ 5 trong các nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Kinh tế nước Anh năm 2015 đạt mức tăng trưởng thấp 2.2%. Ngược lại năm 2014 tăng trưởng kinh tế Anh là 2.9% thì giá trị đầu tư của Anh chỉ rất khiêm tốn 24.8 triệu USD. Như vậy, nói cách khác xu hướng đầu tư vào Việt Nam phụ thuộc vào phía Việt Nam (cơ hội đầu tư, thủ tục hành chính) nhiều hơn là từ Anh.

- Đối với các ngành hàng khác: Bên cạnh những tác động lên chỉ số thị trường chung, Brexit còn tác động gián tiếp tới các ngành Giày dép, Cà phê, Dệt may, Thủy sản... Đáng ngại hơn, theo các chuyên gia nước ngoài, Brexit có thể làm chậm lại quá trình hiện thực hóa FTA Việt Nam - EU. Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan, các doanh nghiệp Việt Nam có các khoản vay, các khoản tài trợ bằng đồng EUR sẽ hưởng lợi trong các giao dịch, tuy nhiên cơ cấu đáo hạn của các khoản nợ sẽ tạo ra các tác động khác nhau ở từng doanh nghiệp.

Hình 2: Cơ cấu hàng việt nam xuất khẩu sang Anh

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Brexit tác động đến thị trường bảo hiểm ra sao?

Nhận định mới đây của Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang tăng trưởng tích cực sau vài năm chững lại. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 38.613 tỷ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.580 tỷ đồng, tăng 15%, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 21.033 tỷ đồng, tăng 36,78%. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 218.219 tỷ đồng. Trong đó, khối công ty bảo hiểm phi nhân thọ là 61.000 tỷ đồng, nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 157.219 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2016, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 175.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài, 15, 20 và 30 năm của Kho bạc Nhà nước.

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm Việt Nam mặc dù tăng trưởng cao song quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 2%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%). Giữa các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, việc quản trị rủi ro, quản trị tài chính phân tán và khó kiểm soát gian lận bảo hiểm. Do vậy, trước một sự kiện như Brexit, thị trường bảo hiểm khu vực EU, Anh quốc và Việt Nam nói riêng sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định, cụ thể:

- Đối với khu vực EU: Thực tế cho thấy, mặc dù đã trải qua hơn 60 năm hội nhập nhưng ngành Bảo hiểm của khối EU cho tới ngày nay vẫn chỉ là tập hợp các thị trường riêng lẻ và độc lập. Do vậy, những lợi ích do EU đem lại cho nước Anh trong việc tiếp cận thị trường bảo hiểm là rất hạn chế. Và trên thực tế, tác động lớn nhất của EU thêm vào ngành Bảo hiểm lại là khung pháp lý. Từ đó, việc Anh ra khỏi EU sẽ có tác dụng tích cực đối với doanh nghiệp bảo hiểm cho dù những tác động đó sẽ đến sớm hay muộn.

- Đối với Anh Quốc: Ngay sau khi Brexit xảy ra, thị trường tài chính Vương quốc Anh có chiều hướng suy giảm mạnh khi GBP rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 30 năm và lợi suất trái phiếu chính phủ của nước này rơi tự do xuống mức thấp kỷ lục. Điều này khiến cho cổ phiếu của một số doanh nghiệp bảo hiểm có xu hướng giảm.

Trong đó, Công ty bảo hiểm nhân thọ Standard Life Plc, có cổ phiếu sụt giảm tới 17% trong phiên giao dịch trên thị trường London, bắt buộc đã phải có những “biện pháp cần thiết tại chỗ” để hỗ trợ các khách hàng. Đồng thời, Hiệp hội bảo hiểm Anh cũng phải lên tiếng trấn an dư luận và nhà đầu tư khi khẳng định, ngành Bảo hiểm này đủ mạnh và đã được xây dựng củng cố để có thể tự bảo vệ chống lại những cú sốc của thị trường như sự kiện “Brexit”.

- Đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam: Theo ông Chong Ik Wei, Giám đốc Điều hành Clyde & Co châu Á, Brexit sẽ đẩy mạnh tự do hóa thương mại tập trung vào châu Á có thể đem lại những lợi ích đặc biệt đối với ngành Bảo hiểm trong khu vực và cụ thể là Việt Nam khi các doanh nghiệp bảo hiểm Anh sẽ chuyển sang thị trường châu Á, từ đó đem đến những cơ hội lớn cho các nhà môi giới và các bên trung gian bảo hiểm của khu vực.

Do vậy, nhiều khả năng mức độ tác động tiêu cực tới thị trường bảo hiểm thế giới, thị trường bảo hiểm châu Á nói chung và thị trường bảo hiểm Việt Nam nói riêng cũng chỉ hạn chế. Lý do là bởi hiện nay các công ty bảo hiểm đã tích lũy một danh mục đầu tư đủ lớn với thời hạn phù hợp đủ để đảm bảo các nghĩa vụ thanh toán và chi trả quyền lợi cho khách hàng.


Tài liệu tham khảo:

1. Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính (2016), Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm và định hướng 6 tháng cuối năm 2016;

2. Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (2016), Brexit sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam thông qua các kênh thương mại và đầu tư;

3. Tổng Cục Hải quan (2016), Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 6 năm 2016 và 6 tháng năm 2016;

4. Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), (2016), Tác động của Brexit đến kinh tế Việt Nam;

5. Một số trang web: chinhphu.vn; mof.gov.vn; tinnhanhchungkhoan.vn...