Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với kinh tế Việt Nam


Trong thời gian tới, khi các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) bước vào giai đoạn cắt giảm thuế sâu, đặc biệt các FTA với Hoa Kỳ, EU có hiệu lực, sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn, đem đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, đồng thời giúp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào các thị trường nguyên liệu truyền thống.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các hàng rào kỹ thuật và hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật khắt khe có thể là những rào cản khiến hàng hóa Việt Nam khó vào thị trường các nước đối tác FTA. Thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam chính là áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác trên chính thị trường nội địa. Qua việc phân tích, làm rõ những cơ hội, thách thức đối với Việt Nam trong quá trình tham gia vào các hiệp định FTA thế hệ mới, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tận dụng tốt cơ hội, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế...

Tổng quan các FTA thế hệ mới

 Thuật ngữ “thế hệ mới” hoàn toàn mang tính tương đối, được sử dụng để nói về các FTA có phạm vi toàn diện, vượt ra ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại hàng hóa. Có thể kể đến các FTA “thế hệ mới” như: FTA Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP); các FTA ASEAN + 1; FTA Australia - Hoa Kỳ (AUSFTA)... Các FTA nói trên được coi là “mới” vì:

Một là, các FTA nêu trên gồm cả các nội dung vốn được coi là “phi thương mại” như: lao động, môi trường, cam kết phát triển bền vững và quản trị tốt…

Vấn đề tiêu chuẩn lao động và vấn đề môi trường đã từng được đưa ra khỏi Chương trình nghị sự thương mại toàn cầu kể từ Hội nghị Seattle của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1999, bởi các nước đang phát triển lúc đó tỏ ra nghi ngại rằng liệu đây có phải là những “hàng rào bảo hộ mới”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở coi người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm trong thương mại quốc tế, nên trước hết họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản.

Đây là cách tiếp cận của các FTA thế hệ mới và đang trở thành một xu thế trong những năm gần đây trên thế giới. Nếu như vào thời điểm thành lập WTO năm 1995, chỉ có 4 FTA có nội dung về lao động, thì đến tháng 9/2016, đã có 79 FTA có nội dung về lao động.

Việc đưa nội dung về lao động vào các FTA còn nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại. Nếu một nước duy trì tiêu chuẩn lao động thấp, tiền lương và các điều kiện lao động không được xác lập trên cơ sở thương lượng thì được cho là sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn so với nước thực hiện những tiêu chuẩn lao động cao, dẫn tới cạnh tranh không bình đẳng dựa trên “quyền lao động rẻ”.

Hai là, các FTA thế hệ mới có các nội dung mới như: đầu tư, cạnh tranh, mua sắm công, thương mại điện tử, khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển cũng như dành thời gian chuyển đổi hợp lý để nước đi sau có thể điều chỉnh chính sách theo lộ trình phù hợp với trình độ phát triển của mình…

Ba là, các FTA thế hệ mới xử lý sâu sắc hơn các nội dung đã có trong các FTA trước đây như: Thương mại hàng hóa; bảo vệ sức khỏe động vật và thực vật trong thương mại quốc tế; thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ; tự vệ thương mại; quy tắc xuất xứ; minh bạch hóa và chống tham nhũng; giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài…

Như vậy, nếu so sánh với các hiệp định của WTO, thì các FTA thế hệ mới chính là các hiệp định “WTO cộng”, với những nội dung trước đây từng bị loại bỏ thì hiện đã được xác định đúng và được chấp nhận trong bối cảnh thương mại quốc tế đã thay đổi.

Cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong các FTA thế hệ mới

Sau 10 năm là thành viên của WTO, đến nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 Hiệp định FTA song phương và đa phương. Trong số đó, 9 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Với việc đàm phán, ký kết hàng loạt các FTA này, Việt Nam đang bước vào ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng, được các đối tác đánh giá rất cao. Các FTA này hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác về vốn, về những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho DN Việt Nam.

Theo số liệu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), có đến 66% trong tổng số 10.000 DN Việt Nam được hỏi ủng hộ và tin vào những lợi ích mà các FTA thế hệ mới mang lại cho họ. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các DN FDI khiêm tốn hơn, chưa tới 30%.

Các FTA thế hệ mới sẽ gần như ngay lập tức mở cửa thị trường cho các DN nước ngoài tiến vào thị trường Việt Nam, nhưng cũng được coi là “tấm vé” thông hành để các DN Việt Nam tiến sâu hơn vào các thị trường lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Khảo sát của VCCI cho thấy, DN Việt Nam đã sẵn sàng hơn trước các FTA. Cụ thể: có 83% DN biết về EVFTA; 93,78% DN biết về Cộng đồng Kinh tế ASEAN; 97,35% DN biết về WTO; 77,8% DN biết về Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, theo lộ trình cam kết, phần lớn các FTA mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu. Các FTA thế hệ mới xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa Việt Nam và các nước đối tác, trong đó có những đối tác đặc biệt lớn như Hoa Kỳ hay EU...

Cơ hội lớn nhất mà các FTA thế hệ mới mang lại là mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại để hàng hóa của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong đó, các đối tác FTA của Việt Nam đều là các đối tác thương mại quan trọng, thể hiện ở giá trị thương mại lớn và tỷ trọng cao trên tổng số thương mại với thế giới của Việt Nam hằng năm.

Thương mại của Việt Nam với các đối tác đã và đang đàm phán luôn chiếm trên 80% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam. Đây chính là cơ hội tốt để Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá. Nếu so sánh với WTO (các nước chỉ cam kết cắt giảm thuế chứ không phải loại bỏ thuế và chỉ với một số dòng thuế chứ không phải là hầu hết các dòng thuế), các FTA đã và đang mang lại những lợi thế hơn hẳn về thuế quan ưu đãi.

Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với kinh tế Việt Nam - Ảnh 1

Trong thời gian tới, khi các cam kết FTA bước vào giai đoạn cắt giảm sâu, đặc biệt các FTA với Hoa Kỳ, EU có hiệu lực sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn, đem đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, đồng thời giúp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào các thị trường nguyên liệu truyền thống.

Tuy FTA có nhiều cơ hội nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Theo nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ - ông Phạm Quang Vinh: Việt Nam có thể tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan, muốn vậy, trước hết hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng tốt các điều kiện về xuất xứ, rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ từ các thị trường nhập khẩu.

Nếu sản phẩm tăng cường được sức cạnh tranh thì sẽ tránh được nhiều hơn những vấn đề như áp thuế cao, điều kiện kỹ thuật. Việt Nam có rất nhiều mặt hàng thế mạnh như giày da, dệt may, thủy sản... Ngay cả khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương chưa có hiệu lực, nếu chúng ta bắt đầu khởi động quá trình chuẩn bị cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương đổi mới, chủ trương hội nhập, từ đó tạo ra sức hấp dẫn mới của nền kinh tế Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Các hàng rào kỹ thuật và hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật khắt khe có thể là những rào cản khiến hàng hóa Việt Nam khó vào thị trường các nước đối tác FTA. Ngoài ra, khi mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác FTA, sẽ không còn khái niệm “sân nhà”. Điều này cũng đồng nghĩa là thách thức đối với DN Việt Nam chính là áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác trên chính thị trường nội địa.

Việt Nam hiện có đến 96% tổng số DN đang hoạt động là DN nhỏ và siêu nhỏ (nếu cộng cả 4,6 triệu hộ kinh doanh được coi như DN thì con số này là 99,9%), áp lực cạnh tranh đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Tự do hóa thuế nhập khẩu sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là từ các nước EU vào Việt Nam do giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng, phong phú hơn sẽ tác động đến lĩnh vực sản xuất trong nước.

Ngoài ra, khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ nhưng các hàng rào kỹ thuật không hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng trong khi lại không bảo vệ được sản xuất trong nước. Để tối ưu hóa những tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế đến nền kinh tế, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Một số giải pháp và kiến nghị

Hội nhập đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại và việc tham gia các FTA thế hệ mới của của Việt Nam nhằm nâng cao vị thế của đất nước. Để tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua được thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp hữu hiệu và khả thi, trong đó tập trung vào các nội dung sau:

Thứ nhất, cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế so sánh, nhằm tăng năng suất và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Với những ngành sẽ mở rộng sau FTA thế hệ mới, nhân tố quan trọng nhất là đảm bảo sự dịch chuyển tự do của các nguồn lực sản xuất như lao động, vốn, đất đai và các tài nguyên khác để các ngành này có thể tiếp cận chúng. Với những ngành kém lợi thế sau hội nhập, đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành này nhằm tăng hiệu quả cũng là một định hướng cần được quan tâm hơn.

Thứ hai, việc tham gia các FTA không những đòi hỏi các nước tham gia phải cắt giảm thuế quan, mà ngày càng quan tâm hơn các vấn đề cắt giảm hàng rào phi thuế quan như cắt giảm chi phí vận chuyển, thủ tục chờ đợi nhập khẩu… FTA thế hệ mới hướng tới việc hình thành một thị trường chung, đồng thời tái định hình cấu trúc các luồng thương mại.

Vì vậy, khi tham gia FTA thế hệ mới, Việt Nam cần phải điều chỉnh cả những yếu tố không phải yếu tố thương mại như những nội dung liên quan tới lao động, quyền sở hữu trí tuệ... Do đó, việc thực hiện các cam kết trong FTA thế hệ mới đòi hỏi những thay đổi về chính sách và luật pháp trong nước.

Thứ ba, hiện nay, trình độ và công nghệ liên quan đến việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam còn rất hạn chế. Để cải thiện tình trạng này, cần tăng cường hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hợp lý khi mà các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ nhằm bảo vệ sản xuất trong nước đối với những ngành cần được khuyến khích, đồng thời, hỗ trợ các nhà xuất khẩu của Việt Nam trong việc đáp ứng các điều kiệu về kỹ thuật khi xuất sang các nước.

Như vậy, xét trên góc độ lý thuyết, tham gia FTA thế hệ mới, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước trong khu vực nhưng để các thế mạnh trở thành thực tiễn đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả Nhà nước, DN và cộng đồng. Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đang thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, nỗ lực vượt qua thách thức, chủ động tham gia các FTA thế hệ mới.

Tài liệu tham khảo:

1.12 FTA đã ký của Việt Nam: FTA ASEAN (AFTA); FTA ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA); FTA ASEAN-Ấn Độ (AIFTA); FTA ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP); FTA ASEAN-Trung Quốc (ACFTA); FTA Việt Nam-EU (EVFTA)...;

  1. Kỷ yếu Hội thảo khoa học về “Chủ trương, chính sách mới thu hút mạnh mẽ các nguồn lực bên ngoài”; Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức, tháng 12/2013...;
  2. Nguyễn Đức Thành và Nguyễn Thị Thu Hằng (2015), Tác động của TPP và AEC lên nền kinh tế Việt Nam - Các khía cạnh vĩ mô và ngành chăn nuôi, NXB Thế giới;
  3. Nguyễn Thị Thu Hà, DN Việt Nam trước cơ hội và thách thức hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Tạp chí Con số và sự kiện, số 4/2016 (507);
  4. Đinh Thế Hiển, Bản đồ đầu tư AEC trong năm 2016: Việt Nam đang “nằm” ở đâu, Diễn Đàn doanh nghiệp 2016.