Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để hoàn thành khuôn khổ pháp lý, chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong năm 2018. Tạp chí điện tử Tài chính đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý để rõ hơn về cơ hội từ Hiệp định này.
Xin ông đánh giá về tiềm năng hợp tác và cơ hội đầu tư giữa Việt Nam và EU?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý |
Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU liên tục tăng từ năm 2010 đến 2016 (trừ năm 2009). Trong đó, riêng năm 2016, Việt Nam xuất khẩu vào EU 34 tỷ USD. Nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng tăng liên tục từ năm 2003 đến 2015 nhưng tốc độ tăng chậm hơn, từ 2 tỷ 500 triệu USD năm 2003 lên 10 tỷ 300 triệu USD năm 2015. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường EU vẫn là sản phẩm truyền thống, có thế mạnh như hàng dệt may, giày dép các loại, nông - lâm - thủy sản, máy vi tính… Các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng EVFTA dự kiến có hiệu lực vào năm 2018 sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tăng 50% vào năm 2020.
Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu thương mại giữa hai bên là tính bổ sung lớn về lợi thế và nhu cầu xuất nhập khẩu, ít mặt hàng mang tính đối đầu, cạnh tranh trực tiếp. Đây chính là lý do khiến Hiệp định EVFTA luôn được tin tưởng sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho doanh nghiệp và người dân của cả hai bên.
Về đầu tư: EU là một trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam sớm và nhanh chóng trở thành một trong những nhà đầu tư lớn, chỉ sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan. Tính đến tháng 12/2016, EU đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam 2142 dự án với tổng số vốn là 43 tỷ 922 triệu USD.
Về hợp tác phát triển: EU là nhà tài trợ ODA lớn thứ hai cho Việt Nam, trong đó trên 40% là viện trợ không hoàn lại. Có thể nói, EU là đối tác hàng đầu của Việt Nam.
Xin ông đánh giá vài nét sơ bộ về Hiệp định EVFTA?
Việt Nam và EU bắt đầu khởi động đàm phán EVFTA từ tháng 6/2012. Sau 14 vòng đàm phán, ngày 4/8/2015 hai bên đã tuyên bố kết thúc cơ bản việc đàm phán các nội dung của Hiệp định.
Ngày 2/12/2016 hai bên đã chính thức ký kết Hiệp định theo đúng trình tự dự kiến. Sau khi ký kết, EVFTA sẽ còn phải trải qua bước phê chuẩn tại Quốc hội của Việt Nam và Nghị viện Châu Âu trước khi chính thức được áp dụng (dự kiến từ năm 2018).
Hiện nay, cả EU và Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để hoàn thành khuôn khổ pháp lý, chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định EVFTA trong năm 2018 này.
Đối với Việt Nam, việc thực hiện EVFTA là bước đi quan trọng nhằm đa dạng hóa đối tác thương mại-đầu tư, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một khu vực cụ thể. Giai đoạn năm 2010 trở về trước, có thể thấy, hầu hết các FTA mà Việt Nam tham gia là đều với các đối tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như: Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam cùng ASEAN ký với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand...
Từ năm 2010 trở lại đây, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do với đối tác ở nhiều khu vực khác nhau như EU, TPP, trong đó có một số nước châu Mỹ; Liên minh Kinh tế Á-Âu trong đó có Nga; khối các nước Bắc Âu (EFTA) trong đó có Nauy, Thụy Sỹ ... Các thỏa thuận này, khi được thực hiện, sẽ tạo thành một hệ thống quan hệ thương mại tự do toàn diện và ổn định giữa Việt Nam với tất cả các đối tác thương mại lớn trên thế giới.
EVFTA được coi là một trong những Hiệp định đầu tư thương mại toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển. Sau Singapore, đây là hiệp định thứ hai EU ký kết trong khu vực ASEAN và được kỳ vọng sẽ tăng cường mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, tác động cộng hưởng của Hiệp định này là rất lớn đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của các nước, của Việt Nam ngày càng tăng trưởng tại các thị trường mà hai bên có FTA, cụ thể:
Thứ nhất, EVFTA tác động đến tiến trình xây dựng thể chế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế.
Với những cam kết sâu rộng về mở cửa thị trường cả về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư; bảo đảm các yếu tố của quá trình tái sản xuất hàng hóa và dịch vụ dịch chuyển tự do hơn giữa các thành viên tham gia Hiệp định; Đề cao sự minh bạch, tính ổn định, có thể tiên liệu được về pháp luật và chính sách kinh tế và các cam kết về thể chế kinh tế theo nguyên tắc thị trường, trong đó có chính sách cạnh tranh và những ràn buộc về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường, FTA Việt Nam - EU có tác động quan trọng đến tiến trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế.
Hơn nữa, FTA có chương Phát triển bền vững giải quyết những thách thức mà loài người phải đối mặt như biến đổi khí hậu, việc tận khai các tài nguyên không tái tạo được, giải quyết những yêu cầu bảo vệ người lao động theo các nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế, bảo đảm phát triển bền vững.
Thứ hai, EVFTA tác động đến tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động thu hút đầu tư và mở rộng xuất khẩu.
Khi chưa có EVFTA, EU gồm 28 thành viên đã là nhà đầu tư thuộc top đầu của Việt Nam. Với các cam kết mở cửa thị trường sâu rộng về đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, lại được ràn buộc bởi những cam kết về bảo hộ sở hữu trí tuệ, EVFTA sẽ tạo ra động lực mới cho việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp EU vào Việt Nam.
Trước khi có EVFTA, EU đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Với mức cắt thuế theo nguyên tắc 7/10, theo đó EU sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tối đa trong vòng 7 năm theo các lộ trình xóa bỏ ngay, xóa bỏ sau 3 năm, 5 năm và sau 7 năm.
Trong thực tế đàm phán, một số dòng thuế của cả hai bên có lộ trình dài hơn, song EU vẫn là bên có lộ trình loại bỏ nhanh hơn, trong đó nhiều sản phẩm là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam được loại bỏ thuế hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc với lộ trình ngắn. Điều này sẽ tạo xung lực mới cho xuất khẩu Việt Nam vào thị trường các thành viên EU.