Triển khai Hiệp ước Basel II tại Việt Nam và một số giải pháp

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2019

Chuẩn mực Basel II là giải pháp tối ưu để các ngân hàng thương mại trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính. Các ngân hàng trên thế giới đã áp dụng chuẩn mực Basel II từ 13 năm trước, đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ có một số ngân hàng tuyên bố hoàn tất triển khai chuẩn mực Basel II. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc đang cản trở việc hội đủ tư cách an toàn và quản trị rủi ro chuyên nghiệp của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Chuẩn mực Basel II là giải pháp tối ưu để các ngân hàng thương mại trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính.
Chuẩn mực Basel II là giải pháp tối ưu để các ngân hàng thương mại trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính.

Vài nét về Basel II

Năm 1988, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đã giới thiệu khung rủi ro tín dụng (Basel I) xác định các tiêu chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro và tăng cường đảm bảo hệ thống tài chính. Để đáp ứng các yêu cầu phát triển liên tục trong ngành Ngân hàng, các quy định này đã được sửa đổi và đến tháng 6/2004, một hiệp ước về vốn mới (Basel II) được ban hành. Mục tiêu của Basel II là nâng cao chất lượng và sự ổn định của hệ thống ngân hàng quốc tế; Tạo lập và duy trì một "sân chơi" bình đẳng cho các ngân hàng hoạt động trên bình diện quốc tế; Đẩy mạnh việc chấp nhận các thông lệ nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực quản lý rủi ro… Nhằm đạt được các mục tiêu này, Uỷ ban Basel cũng đã đề xuất khung đo lường với các trụ cột chính cho phiên bản Basel II:

Trụ cột thứ nhất, liên quan tới việc duy trì vốn bắt buộc: Tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu vẫn là 8% của tổng tài sản có rủi ro như Basel I. Tuy nhiên, rủi ro được tính toán theo 3 yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt như: Rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành (hay rủi ro hoạt động) và rủi ro thị trường.

Trụ cột thứ hai, liên quan tới việc hoạch định chính sách ngân hàng: Basel II cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những “công cụ” tốt hơn so với Basel I. Trụ cột này cũng cung cấp một khung giải pháp cho các rủi ro mà ngân hàng phải đối mặt như: Rủi ro hệ thống, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng, rủi ro thanh khoản và rủi ro pháp lý. Basel II nhấn mạnh các nguyên tắc rà soát, giám sát sau:

(i) Các ngân hàng cần phải có một quy trình đánh giá được mức độ đầy đủ vốn nội bộ theo danh mục rủi ro và phải có được một chiến lược đúng đắn nhằm duy trì mức vốn đó.

(ii) Các giám sát viên nên rà soát và đánh giá việc xác định mức độ vốn nội bộ và chiến lược của ngân hàng, cũng như khả năng giám sát và đảm bảo tuân thủ tỷ lệ vốn tối thiểu; Giám sát viên nên thực hiện một số hành động giám sát phù hợp nếu họ không hài lòng với kết quả của quy trình này.

(iii) Giám sát viên khuyến nghị các ngân hàng duy trì mức vốn cao hơn mức tối thiểu theo quy định.

(iv) Giám sát viên nên can thiệp ở giai đoạn đầu để đảm bảo mức vốn của ngân hàng không giảm dưới mức tối thiểu theo quy định và có thể yêu cầu sửa đổi ngay lập tức nếu mức vốn không được duy trì trên mức tối thiểu. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế, khi tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tăng từ 7% lên 8% thì xác suất xảy ra khủng hoảng ngân hàng giảm khoảng 25 - 30%.

Trụ cột thứ ba, các ngân hàng cần công khai thông tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường. Để đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp ước Basel II với các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn và thanh khoản, các ngân hàng cần hoạch định lại hoạt động kinh doanh và các chiến lược kinh doanh một cách tích cực hơn.

Việc triển khai Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn hơn, lành mạnh hơn do trình độ quản trị rủi ro được tăng cường, các biện pháp quản trị rủi ro, đặc biệt là mô hình rủi ro và xếp hạng nội bộ được chủ động áp dụng, đồng thời nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực tín dụng, các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ phải chuyển hướng tập trung vào đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, thay vì dựa chủ yếu vào tài sản đảm bảo. Ngoài ra, sau khi áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn và thanh khoản, ngân hàng cần thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn, do ngân hàng hoạt động kinh doanh trong môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thực trạng triển khai Basel II tại Việt Nam

Cách đây hơn 10 năm, định hướng triển khai thực hiện Basel II tại Việt Nam đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định là một trong những trọng tâm của ngành Ngân hàng tại Đề án “Phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”.

Trên cơ sở định hướng này và căn cứ vào mức độ quan tâm, sự sẵn sàng của các ngân hàng cũng như đảm bảo tính đa dạng về quy mô và loại hình sở hữu, NHNN đã ban hành Công văn số 1601/NHNN-TTGSNH ngày 17/3/2014 lựa chọn 10 ngân hàng trong nước triển khai thí điểm Basel II, tiến tới triển khai áp dụng Basel II đối với tất cả các ngân hàng trong nước.

10 ngân hàng triển khai thí điểm Basel II gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VPBank, Techcombank, VIB, Maritime Bank, MB, Sacombank, ACB. Đồng thời, NHNN đã ban hành khung khổ pháp lý cần thiết hướng dẫn các ngân hàng thực hiện đầy đủ các trụ cột của Basel II, thể hiện tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1058).

Tiếp đó, tại Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện các Nghị quyết số 05/NQ-TW, ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã yêu cầu NHNN phải tăng cường chỉ đạo lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị rủi ro của các TCTD theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đến năm 2020, các NHTM cơ bản phải có mức vốn tự có đáp ứng theo chuẩn mực Basel II, trong đó có ít nhất từ 12 đến 15 NHTM áp dụng thành công Basel II.

Việc triển khai Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn hơn, lành mạnh hơn do trình độ quản trị rủi ro được tăng cường, các biện pháp quản trị rủi ro, đặc biệt là mô hình rủi ro và xếp hạng nội bộ được chủ động áp dụng, đồng thời nguồn vốn được quản lý hiệu quả hơn.

Năm 2016, thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội, NHNN đã ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở mức 8% tổng tài sản có rủi ro theo chuẩn Basel II có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Ngân hàng có khả năng thực hiện sớm thì đăng ký áp dụng trước.

Tại Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19/06/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh “đến năm 2020, các NHTM triển khai áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực vốn Basel II, trong đó phấn đấu khoảng từ 12-15 ngân hàng đáp ứng đủ mức vốn tự có theo chuẩn Basel II”.

Triển khai Hiệp ước Basel II tại Việt Nam và một số giải pháp - Ảnh 1

Thực hiện những mục tiêu trên, thời gian qua, NHNN đã hướng dẫn 10 ngân hàng triển khai thí điểm Basel II. Trên cơ sở hướng dẫn của NHNN, 10 ngân hàng thí điểm Basel II đã thành lập Ban quản lý dự án triển khai Basel II để điều phối công việc giữa các đơn vị, bộ phận liên quan; Thực hiện phân tích, đánh giá chênh lệch thực trạng hiện tại (về dữ liệu, quản trị, công nghệ thông tin…) so với yêu cầu của Basel II theo hướng dẫn của NHNN để từ đó xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm thu hẹp chênh lệch; làm quen với việc tính toán vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II; xây dựng các mô hình, công cụ đo lường rủi ro; xây dựng kho dữ liệu tập trung…

Hiện nay, công tác phân tích, đánh giá rủi ro khách hàng của các ngân hàng thương mại Việt Nam còn nhiều bất cập, trình độ quản lý còn yếu, bộ máy giám sát tài chính ngân hàng chưa được xây dựng đồng bộ. Nhiều ngân hàng chưa ứng dụng phương pháp chuẩn và phương pháp đánh giá nội bộ của Basel II trong đánh giá rủi ro tín dụng.

Đến nay, NHNN đã ra quyết định công nhận Vietcombank, VIB, MB, ACB, TPBank, VPBank và OCB đáp ứng chuẩn mực Basel II theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, đánh dấu một bước thành công quan trọng trong lộ trình triển khai Basel II của hệ thống NHTM Việt Nam. Thực tế cho thấy, việc triển khai Basel II tại Việt Nam là còn vướng nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả “Khảo sát về ngành Ngân hàng Việt Nam 2013” của Công ty kiểm toán KPMG cho thấy, 80% ngân hàng đã nắm bắt được việc NHNN lập kế hoạch thực hiện khung giám sát theo Hiệp ước Basel II nhưng chưa sẵn sàng để cam kết thực hiện lộ trình triển khai hay đưa ra một quyết định quan trọng gây tốn kém. 57% đối tượng tham gia khảo sát cho rằng, vấn đề quản trị rủi ro hoạt động là đáng quan ngại nhất.

Hiện nay, công tác phân tích, đánh giá rủi ro khách hàng của các NHTM Việt Nam còn nhiều bất cập, trình độ quản lý còn yếu, công tác quản lý rủi ro lỏng lẻo, năng lực thẩm định tín dụng còn dựa chủ yếu vào tài sản thế chấp; bộ máy giám sát tài chính ngân hàng chưa được xây dựng đồng bộ. Tại nhiều NHTM Việt Nam, tuy đã có các ban chuyên về chức năng quản trị rủi ro nhưng chỉ dừng lại ở quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, chưa quan tâm đến rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường… Nhiều ngân hàng chưa ứng dụng phương pháp chuẩn và phương pháp đánh giá nội bộ của Basel II trong đánh giá rủi ro tín dụng.

Thời gian áp dụng Basel II trong toàn hệ thống đến gần nhưng các yêu cầu chính thức của NHNN về trụ cột thứ hai của Basel II cũng như hệ thống quản lý rủi ro vẫn chưa được ban hành chính thức. Trong khi, khối lượng công việc để xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro là rất lớn, có thể cần thời gian nhiều năm. Để đạt chuẩn Basel II thì các NHTM cần phải tuân thủ cả 3 trụ cột, không chỉ dừng lại ở việc tính toán vốn theo trụ cột thứ nhất.

Hơn nữa, theo Basel II thì không ít NHTM vẫn gặp không ít khó khăn với vấn đề đảm bảo hệ số vốn tự có an toàn. Có thể thấy, tỷ lệ an toàn vốn của 10 ngân hàng trên luôn cao hơn mức 9% từ năm 2014 đến nay, ngoại trừ BIDV năm 2016 (Bảng). Dù giữ mức đủ vốn an toàn theo đúng quy định nhưng nhìn chung tỷ lệ CAR của 10 ngân hàng đang có xu hướng giảm dần. Để tăng vốn tự có, các ngân hàng Việt Nam đã cố gắng tăng cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2. Tuy nhiên, các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn cấp 1, vì ngành Ngân hàng không còn dễ thu hút vốn đầu tư như trước. Đa số các ngân hàng hiện nay đang phụ thuộc nhiều vào biện pháp ngắn hạn là tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu. Như vậy, thiếu vốn đang là vấn đề mà tất cả các ngân hàng khi triển khai Basel II phải đối mặt.

Việc phân định chức năng, phối hợp nghiệp vụ và trao đổi thông tin giữa các cơ quan giám sát còn rời rạc, hoạt động chồng chéo, phân cấp theo chiều ngang, không theo thông lệ quốc tế. Các nghiệp vụ và công nghệ giám sát toàn bộ thị trường tài chính, cảnh báo sớm và ngăn ngừa rủi ro theo Basel II còn yếu. Hiện tại, công tác thanh tra, giám sát NHTM tại Việt Nam còn có khoảng cách khá xa trong việc đáp ứng yêu cầu của các trụ cột quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II.

Vấn đề nhân lực cũng là một thách thức trong việc áp dụng Basel II tại các ngân hàng Việt Nam. Basel II đòi hỏi nhu cầu nhân lực cho một kế hoạch kéo dài qua nhiều năm, ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề số lượng, chất lượng tuyển dụng, đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng với yêu cầu đặt ra.

Giải pháp đẩy nhanh triển khai Basel II tại Việt Nam

Để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh, các NHTM Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp để dần tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế và mở rộng thị phần dịch vụ ra thị trường các nước phát triển. Thực hiện quản trị theo chuẩn Basel II là điều tất yếu của quá trình hội nhập, do đó, để triển khai Basel II nhanh chóng đi vào thực tế, các NHTM cần thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp giữa NHNN và các NHTM trong việc xây dựng, triển khai quy định hướng dẫn Basel II nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong quá trình triển khai Basel II. NHNN nên có văn bản hướng dẫn chi tiết yêu cầu nội dung để NHTM có căn cứ thực hiện cũng như có lộ trình triển khai phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hiệu quả của việc áp dụng tiêu chuẩn Basel cho ngân hàng Việt Nam.

Thứ hai, tăng chi phí đầu tư cho công tác quản trị rủi ro. Thời kỳ các ngân hàng cạnh tranh tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng về kế hoạch doanh thu, lợi nhuận đã qua, các ngân hàng hiện nay tập trung vào nâng cao chất lượng tín dụng, chú trọng quản trị rủi ro và xử lý nợ xấu. Để việc triển khai Basel II diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, lãnh đạo ngân hàng cần thay đổi "khẩu vị" về rủi ro, ưu tiên và tập trung hoàn thiện về quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Điều này sẽ làm cho khoảng cách giữa các chỉ số rủi ro thực tế và mục tiêu Basel II gần nhau hơn.

Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch/hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý để hoàn thiện cơ sở dữ liệu, đảm bảo cho việc chạy mô hình rủi ro cho kết quả chính xác nhất đối với từng ngân hàng. Cơ sở dữ liệu là yếu tố tiên quyết để thực hiện triển khai Basel II, đây cũng là yếu tố quyết định đến sự thành bại của việc thực hiện chuẩn Basel II tại tất cả các ngân hàng. Vì vậy, các NHTM cần rà soát, chuẩn hóa lại dữ liệu để chuẩn bị cho việc thực hiện (theo yêu cầu của Basel II, các thông tin/dữ liệu về khách hàng, thông tin về tài sản bảo đảm (bao gồm các biện pháp giảm thiểu rủi ro) phải được lưu trữ trong thời gian từ 3-5 năm; các dữ liệu về nợ xấu phải được lưu trữ từ 5-7 năm).

Thứ ba, tập trung giải quyết vấn đề thiếu vốn trong dài hạn. Để giải quyết vấn đề thiếu vốn trong dài hạn, các ngân hàng cần nghiên cứu việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ kinh doanh sử dụng nhiều vốn sang kinh doanh dựa ít vào vốn.

Thứ tư, chú trọng tuyển dụng, đào tạo nhân sự có chất lượng cao, gắn bó lâu dài với ngân hàng. Các ngân hàng cần có chính sách tuyển dụng các nhân sự chất lượng cao và cam kết gắn bó làm việc lâu dài để thực hiện dự án; Cần đào tạo và tuyển dụng nhân viên có nghiệp vụ sâu về quản trị rủi ro từng loại rủi ro khác nhau (tín dụng, thị trường…) để liên tục phản ánh tiềm ẩn rủi ro và rủi ro thực của ngân hàng.

Thứ năm, bên cạnh lựa chọn đối tác tư vấn là các công ty kiểm toán hàng đầu, có nhiều kinh nghiệm tư vấn triển khai áp dụng Basel II trên thế giới như E&Y, KPMG… các ngân hàng có thể học hỏi kinh nghiệm và tận dụng sự hỗ trợ của chính đối tác chiến lược của ngân hàng mình – đây đều là những ngân hàng đã được tìm hiểu, lựa chọn rất kỹ càng, có đủ năng lực và kinh nghiệm trong việc triển khai Basel II.  

Tài liệu tham khảo:

  1. Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19/06/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững;
  2. Báo cáo thường niên của các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VPBank, Techcombank, VIB, Maritime Bank, MB, Sacombank, ACB các năm;
  3. Vũ Ngọc Diệp (2017), Hiệp ước BASEL và giải pháp áp dụng hiệp ước BASEL II trong quản trị rủi ro tại các NHTM Việt Nam, Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, số 10 tháng 09/2017, Tạp chí Công Thương;
  4. Trần Việt Dung (2016), Áp dụng Hiệp ước vốn Basel II: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam, Luận án tiến sỹ, Đại học Kinh tế;
  5. Tô Ngọc Hưng, Phạm Quỳnh Trang (2018), Những vấn đề quan tâm để triển khai Basel II trong quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Khoa học & Đào tạo ngân hàng, Số 197- tháng 10/2018;
  6. KPMG (2013), Khảo sát về ngành Ngân hàng Việt Nam 2013;
  7. Basel (2014), Basel II: International Convergence of Capital Measurement and Capital Standards: A Revised Framework - Comprehensive Version.