Tác động của chuyển đổi số đến các doanh nghiệp dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu, mang lại lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Dệt may là một trong những ngành chủ lực, đóng góp lớn vào GDP và kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức. Bài viết này đánh giá tác động của chuyển đổi số đến hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may niêm yết tại Việt Nam, từ đó, cũng làm rõ mức độ ảnh hưởng của chuyển đổi số đối với ngành Dệt may trong bối cảnh mới.
Tổng quan về chuyển đổi số trong lĩnh vực dệt may Việt Nam
Dệt may Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp chủ lực, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu và tạo nhiều việc làm cho nền kinh tế. Tuy nhiên, với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và áp lực cạnh tranh toàn cầu, ngành Dệt may đang phải đối mặt với yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số để nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Chuyển đổi số trong ngành Dệt may bao gồm: Ứng dụng các công nghệ tiên tiến như tự động hóa, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và công nghệ đám mây (cloud computing) vào các quy trình sản xuất và quản lý. Nhiều doanh nghiệp (DN) lớn trong Ngành đã đầu tư máy móc hiện đại, hệ thống quản lý thông minh và các phần mềm quản trị chuỗi cung ứng nhằm giảm chi phí, thời gian sản xuất, đáp ứng nhanh chóng hơn với nhu cầu thị trường. Có nhiều yếu tố thúc đẩy các DN dệt may tại Việt Nam thực hiện chuyển đổi số.
- Yêu cầu từ chuỗi cung ứng toàn cầu: Các đối tác quốc tế ngày càng yêu cầu minh bạch trong quy trình sản xuất, chất lượng cao hơn và chi phí thấp hơn. Điều này buộc các DN phải nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả.
- Áp lực từ đối thủ cạnh tranh: Các nước như Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ đang chuyển đổi số nhanh chóng trong lĩnh vực dệt may. Để duy trì vị thế cạnh tranh, DN Việt Nam cần ứng dụng công nghệ để bắt kịp tốc độ đổi mới.
- Chính sách hỗ trợ của Nhà nước: Việt Nam đang tích cực khuyến khích các DN chuyển đổi số thông qua các chương trình và chính sách hỗ trợ như “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.”
Tác động của chuyển đổi số tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp dệt may niêm yết ở Việt Nam
Tác động tích cực
Thứ nhất, chuyển đổi số đã giúp các DN dệt may cải thiện rõ rệt khả năng sinh lời.
Việc áp dụng các hệ thống tự động hóa và AI trong quy trình sản xuất giúp giảm thiểu sự lãng phí tài nguyên và giảm chi phí nhân công. Chẳng hạn, các dây chuyền sản xuất thông minh được điều khiển bởi AI có khả năng điều chỉnh tốc độ và thời gian hoạt động tối ưu, giảm thiểu chi phí điện năng và nguyên liệu. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ số như IoT trong quản lý sản xuất giúp giám sát và điều chỉnh quy trình sản xuất theo thời gian thực, đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều. Điều này không chỉ giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi mà còn nâng cao sự hài lòng của khách hàng, từ đó tăng doanh thu.
Thứ hai, chuyển đổi số đã cải thiện hiệu quả quản lý tài sản và tài chính của các DN dệt may.
Nhiều DN đã triển khai hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) để tích hợp các quy trình quản lý tài chính, sản xuất, và quản lý kho vào một nền tảng duy nhất. Điều này giúp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực tài chính, đồng thời giảm thiểu thời gian và chi phí quản lý.
Thứ ba, chuyển đổi số đã thay đổi cách thức các DN dệt may tương tác với khách hàng.
Các hệ thống CRM (Customer Relationship Management) hiện đại giúp các DN thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng một cách chi tiết, từ đó, cá nhân hóa các chiến dịch marketing và chăm sóc khách hàng. Điều này làm tăng khả năng giữ chân khách hàng và tạo ra sự trung thành dài hạn.
Thứ tư, tăng khả năng cạnh tranh và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
Nhờ các hệ thống tự động hóa và phân tích dữ liệu thời gian thực, các DN có thể nhanh chóng điều chỉnh quy trình sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm thời gian đưa sản phẩm mới ra thị trường và cải thiện sự linh hoạt trong sản xuất. Ứng dụng IoT trong quản lý năng lượng giúp các DN giám sát và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, giảm lãng phí và chi phí vận hành, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các DN dệt may áp dụng công nghệ sản xuất xanh để giảm thiểu khí thải và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Một số khó khăn trong chuyển đổi số
Thứ nhất, khả năng tiếp cận công nghệ không đồng đều. Các DN lớn thường có lợi thế trong việc tiếp cận và triển khai các công nghệ mới do họ có đủ nguồn lực tài chính và kỹ thuật. Tuy nhiên, các DN vừa và nhỏ (DNNVV) lại gặp khó khăn hơn, dẫn đến sự chênh lệch trong mức độ áp dụng chuyển đổi số và hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, quy mô và nguồn lực tài chính cũng có nhiều sự chênh lệch. Các DN lớn thường có nguồn lực tài chính mạnh mẽ và khả năng tiếp cận dễ dàng với các công nghệ tiên tiến, cho phép họ đầu tư vào những giải pháp chuyển đổi số đắt đỏ như hệ thống quản lý DN (ERP), AI và IoT. Ngược lại, các DNNVV thường gặp khó khăn trong việc huy động vốn để đầu tư vào công nghệ mới, dẫn đến khả năng tiếp cận công nghệ của họ bị hạn chế. Sự chênh lệch này tạo ra khoảng cách về hiệu quả kinh doanh giữa các DN lớn và DNNVV, làm tăng thêm sự bất bình đẳng trong ngành.
Thứ hai, chi phí đầu tư cao. Để bắt đầu quá trình chuyển đổi số, các DN cần đầu tư vào các hệ thống phần cứng (như máy chủ, thiết bị mạng, thiết bị IoT) và phần mềm (như hệ thống ERP, CRM, phần mềm quản lý chuỗi cung ứng). Chi phí cho các công nghệ này rất cao, đặc biệt đối với các DNNVV. Các hệ thống phức tạp như ERP hay IoT đòi hỏi không chỉ phần mềm bản quyền mà còn cả phần cứng đặc biệt để vận hành, từ đó, dẫn đến chi phí đầu tư ban đầu tăng cao. Ngoài chi phí mua sắm, việc triển khai các hệ thống công nghệ đòi hỏi chi phí cao do yêu cầu kỹ thuật phức tạp và thời gian triển khai dài. Các DN cần thuê chuyên gia để triển khai và tích hợp các hệ thống công nghệ mới vào cơ sở hạ tầng hiện có. Quá trình tích hợp này có thể phức tạp và tốn kém, đặc biệt khi DN đang sử dụng các hệ thống cũ hoặc không tương thích với công nghệ mới.
Để nhân viên có thể sử dụng hiệu quả các công nghệ mới, DN cần đầu tư vào các chương trình đào tạo. Chi phí này gồm cả việc thuê chuyên gia đào tạo, tổ chức các khóa học, và thời gian nhân viên tham gia đào tạo thay vì làm việc trực tiếp. Điều này đặc biệt quan trọng trong các DN dệt may, nơi nhân viên thường không có sẵn kỹ năng công nghệ và cần thời gian để thích nghi với các hệ thống mới. Công nghệ số không ngừng phát triển, do đó, DN cần liên tục đào tạo, bồi dưỡng nhân viên để cập nhật các kỹ năng cần thiết. Việc này đòi hỏi chi phí liên tục và có thể trở thành gánh nặng tài chính cho các DN, đặc biệt khi họ phải duy trì nhiều chương trình đào tạo song song với hoạt động sản xuất.
Thứ ba, khó khăn trong thay đổi quy trình và tổ chức. Nhiều DN dệt may đã tồn tại trong một thời gian dài với các quy trình hoạt động được thiết lập từ lâu. Những quy trình này có thể trở nên cồng kềnh và phức tạp, bao gồm nhiều bước thủ công và sự phụ thuộc vào các hệ thống cũ. Việc chuyển đổi số đòi hỏi phải tái cấu trúc những quy trình này để tích hợp các công nghệ mới, điều này không chỉ mất nhiều thời gian mà còn đòi hỏi sự thay đổi căn bản về cách thức vận hành. Ngoài ra, nhân viên thường có xu hướng phản kháng khi đối mặt với những thay đổi lớn trong công việc, đặc biệt là khi những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến cách họ làm việc hàng ngày. Trong nhiều trường hợp, nhân viên có thể lo sợ rằng công nghệ mới sẽ thay thế công việc của họ hoặc làm tăng thêm gánh nặng công việc. Điều này dẫn đến sự kháng cự, làm chậm quá trình triển khai chuyển đổi số và giảm hiệu quả của các sáng kiến công nghệ.
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp dệt may niêm yết tại Việt Nam
Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số hiệu quả trong ngành Dệt may tại Việt Nam cần quan tâm đến một số giải pháp sau:
Một là, đầu tư hạ tầng công nghệ và trang thiết bị hiện đại.
Để tăng cường năng lực sản xuất và quản lý, DN cần đầu tư vào các công nghệ tự động hóa như hệ thống cắt và may tự động, công nghệ robot và các giải pháp tích hợp phần mềm ERP để kết nối các bộ phận của chuỗi cung ứng. Việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ sẽ giúp DN cải thiện năng suất và giảm chi phí sản xuất.
Nhà nước hỗ trợ DN bằng các chính sách ưu đãi về tài chính, như miễn giảm thuế hoặc cung cấp các khoản vay ưu đãi dành riêng cho đầu tư công nghệ.
Hai là, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các DN cần đầu tư đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng công nghệ số cho nhân viên, đặc biệt là các kỹ năng về vận hành và quản lý hệ thống công nghệ. Điều này giúp nhân viên nắm bắt nhanh chóng quy trình mới và giảm thiểu sự phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài.
Phối hợp với các trường đại học và viện nghiên cứu để thiết lập các khóa đào tạo chuyên sâu, nhằm phát triển nguồn nhân lực sẵn sàng tham gia vào các dự án chuyển đổi số trong lĩnh vực dệt may.
Ba là, ứng dụng AI và Big Data vào quản lý chuỗi cung ứng.
Các DN có thể sử dụng AI và phân tích dữ liệu lớn để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giúp dự đoán nhu cầu khách hàng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và phân phối hiệu quả. Điều này giúp DN giảm lượng hàng tồn kho và thời gian giao hàng.
Bốn là, phát triển hệ sinh thái số thông qua hợp tác.
Khuyến khích sự hợp tác giữa các DN trong ngành, các đối tác công nghệ và nhà cung cấp dịch vụ. Việc hình thành hệ sinh thái số sẽ giúp các DN tận dụng tối đa công nghệ và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyển đổi số với nhau.
Các hiệp hội dệt may và chính phủ có thể đóng vai trò tổ chức các sự kiện, hội thảo, và diễn đàn, tạo môi trường để các DN giao lưu và học hỏi.
Năm là, áp dụng các giải pháp bảo mật thông tin và bảo vệ dữ liệu.
Việc tăng cường bảo mật là yếu tố thiết yếu để xây dựng lòng tin với các đối tác và khách hàng quốc tế. Các DN dệt may cần đầu tư vào các giải pháp bảo mật dữ liệu, từ mã hóa đến tường lửa, và triển khai các chính sách an ninh mạng chặt chẽ.
Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách phát triển các tiêu chuẩn bảo mật thông tin và khung pháp lý để bảo vệ dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số.
Sáu là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số.
Lãnh đạo DN cần hiểu rõ về tầm quan trọng và lợi ích dài hạn của chuyển đổi số. Việc này giúp họ cam kết đầu tư lâu dài và có chiến lược cụ thể cho quá trình chuyển đổi số, thay vì chỉ đầu tư theo trào lưu.
Các hiệp hội và tổ chức trong ngành dệt may có thể tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho DNNVV, giúp họ thấy rõ lợi ích cũng như các bước thực hiện cụ thể.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Công Thương Việt Nam (2023), Báo cáo chuyên đề về chuyển đổi số trong ngành Công nghiệp dệt may;
- Hiệp hội Dệt may Việt Nam (2023), Báo cáo tổng quan về chuyển đổi số và phát triển bền vững trong ngành dệt may, Vietnam Textile & Apparel Association (VITAS);
- Hiệp hội Dệt may Việt Nam (2022), Báo cáo thường niên 2022: Đổi mới công nghệ và chuyển đổi số trong ngành dệt may, Vinatex Publishing House;
- Deloitte (2022), The Future of Textile and Apparel in Vietnam: Digital Transformation in the Era of Industry 4.0;
- McKinsey & Company (2021), How tech-enabled production can reshape the textile industry: Insights for Vietnam’s garment sector.