Tác động của đa dạng hóa thu nhập đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Trịnh Thị Thúy Hồng , Nguyễn Hoàng Phong, Lê Tiến Thành - Đại học Quy Nhơn

Theo lý thuyết tài chính, đa dạng hóa thu nhập có thể làm hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu thực tiễn lại kết luận, đa dạng hóa thu nhập có thể làm tăng nguy cơ phá sản và giảm khả năng sinh lời của các ngân hàng. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tác động của đa dạng hóa thu nhập đến hiệu quả hoạt động dưới góc độ sinh lời và rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2016.

Theo lý thuyết tài chính, đa dạng hóa thu nhập có thể làm hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng.. Nguồn: Internet
Theo lý thuyết tài chính, đa dạng hóa thu nhập có thể làm hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng.. Nguồn: Internet

Trên thế giới, quá trình tự do hóa tài chính bắt đầu từ những năm 1970 và ngày càng được chấp nhận rộng rãi. Bên cạnh thu nhập truyền thống từ lãi, các ngân hàng đã và đang kiếm thêm những nguồn thu nhập mới từ môi giới, tư vấn doanh nghiệp (DN), đồng tài trợ, quản lý danh mục đầu tư, chuyển tiền, bảo lãnh phát hành, quản lý tài sản... (Allen và Santomero, 2001). Trong ba thập kỷ vừa qua, nguồn thu nhập từ lãi có xu hướng suy giảm và thu nhập ngoài lãi có xu hướng tăng lên ở Mỹ, Canada và châu Âu.

Với việc mở rộng các hoạt động phi truyền thống, các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể cạnh tranh trên phân khúc thị trường rộng hơn, thu nhập từ nhiều nguồn hơn và cao hơn. Đa dạng hóa thu nhập đang dần trở thành một chiến lược quan trọng đối với các NHTM cũng như các tổ chức tài chính.

Số liệu từ báo cáo tài chính của hàng loạt ngân hàng chỉ ra một thực tế rằng, thu nhập của các NHTM Việt Nam vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào thu lãi từ hoạt động tín dụng, trong khi thu nhập ngoài lãi chỉ đóng góp dưới 25% tổng thu nhập hoạt động.

Điều này chứng tỏ, mảng dịch vụ phi tín dụng tại các NHTM Việt Nam còn khá mờ nhạt, quy mô dịch vụ nhỏ, sức cạnh tranh còn hạn chế. Những hoạt động ngân hàng phi truyền thống được phát triển sẽ kéo theo sự gia tăng lợi nhuận nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho các NHTM Việt Nam trong giai đoạn hội nhập tài chính sâu rộng như hiện nay.

Cơ sở lý thuyết

Đa dạng hóa thu nhập trong lĩnh vực ngân hàng thường kéo theo sự tăng lên của chi phí cũng như thu nhập ngoài lãi trong cơ cấu thu nhập hoạt động của một ngân hàng. Kết quả là đa dạng hóa thu nhập làm cho hiệu quả hoạt động của ngân hàng dưới góc độ sinh lời bị thay đổi. Mặt khác, theo lý thuyết tài chính, đa dạng hóa thu nhập trong ngân hàng có thể làm gia tăng hiệu quả từ việc điều chỉnh rủi ro.

Đa dạng hóa thu nhập và khả năng sinh lợi của ngân hàng

Các lý thuyết về trung gian tài chính hàm ý rằng, việc gia tăng lợi nhuận theo quy mô có liên quan đến đa dạng hóa nguồn thu nhập. Các ngân hàng nếu cung cấp nhiều loại sản phẩm và dịch vụ hơn sẽ tạo ra nhiều nhu cầu hơn và sẽ kiếm được nhiều thu nhập hơn.

Baele và cộng sự (2007) cho rằng, thông qua việc đa dạng hóa hoạt động, các ngân hàng có thể thu thập được nhiều thông tin hơn nên tạo điều kiện để bán chéo sản phẩm và phát triển các hoạt động khác hơn.

Bên cạnh việc chia sẻ thông tin, ngân hàng cũng có thể chia sẻ các yếu tố đầu vào như lao động và công nghệ cùng lúc cho nhiều hoạt động khác nhau nên được hưởng lợi ích về quy mô bằng cách hạ thấp chi phí hoạt động và tận dụng các chi phí cố định trong ngân hàng (Stiroh, 2004).

Đa dạng hóa thu nhập và rủi ro của ngân hàng

Với quan điểm tác động của đa dạng hóa thu nhập có thể hạn chế rủi ro của các ngân hàng, Smith và cộng sự (2003) chỉ ra rằng, việc không phụ thuộc quá nhiều vào thu nhập từ lãi sẽ góp phần ổn định lợi nhuận cho các ngân hàng hơn.

Thu nhập ngoài lãi từ thu phí dịch vụ thường ổn định hơn thu nhập lãi từ cho vay, do đó, các ngân hàng có thể giảm rủi ro từ đa dạng hóa thu nhập (DeYoung và Roland, 2001). Tuy nhiên, một số quan điểm khác cho rằng, thu nhập từ lãi có tính ổn định vì khách hàng e ngại những khoản chi phí phát sinh, do thay đổi mối quan hệ tín dụng.

Tác động của đa dạng hóa thu nhập đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam - Ảnh 1

Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi có thể sẽ biến động hơn bởi vì chi phí chuyển đổi không quá tốn kém. Hơn nữa, việc mở rộng các hoạt động thu nhập ngoài lãi sẽ khiến các ngân hàng phải tốn rất nhiều chi phí cố định, làm gia tăng đòn bẩy hoạt động và rủi ro cao hơn (DeYoung và Roland, 2001).

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của đa dạng hóa thu nhập đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam dựa trên mô hình kiểm định dữ liệu bảng sau:

πit = α + ∑_(k=1)^2 β1k IDIV(k,it)  + ∑_(k=1)^2 β2k IDIV*STATE(k,it) + γ1mXm,it + γ2nYn,t + it

Trong đó, πit là biến phụ thuộc (hiệu quả hoạt động) của ngân hàng i trong năm t, i=1,2,…I, t=1,2,…T. Hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng được thể hiện thông qua khả năng sinh lời (La Porta và cộng sự, 2002) và thường được đo lường bởi tỷ suất sinh lời trên bình quân tổng tài sản (ROAA) và tỷ suất sinh lời trên bình quân vốn chủ sở hữu (ROAE) (Karakaya và Er, 2013; Lee và cộng sự, 2014).

Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của ngân hàng còn được xem xét ở khía cạnh rủi ro. Trong nghiên cứu này, rủi ro của các NHTM được hiểu là sự không ổn định trong thu nhập và được tính bằng độ lệch chuẩn của tỷ suất sinh lời (Chiorazzo và cộng sự, 2008; Delpachitra và Lester, 2013; Gurbuz và cộng sự, 2013; Lee và cộng sự, 2014).

Tác động của đa dạng hóa thu nhập đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam - Ảnh 2

IDIVit là các biến đa dạng hóa thu nhập của ngân hàng i trong năm t. Để đo lường đa dạng hóa thu nhập, một số nghiên cứu sử dụng chỉ số Herfindahl-Hirshman để đo mức độ tập trung thu nhập của một ngân hàng (Mercieca và cộng sự, 2007; Stiroh, 2004):

HHIinc=(NON/NETOP)2+ (NET/NETOP)2   (1)

Trong đó: NON là thu nhập ngoài lãi, NET là thu nhập từ lãi và NETOP là thu nhập ròng, NETOP = NON + NET. Chỉ số HHIinc có giá trị dao động từ 0,5 đến 1. Để đo mức độ đa dạng hóa trong cơ cấu thu nhập của một ngân hàng. Nhóm tác giả sử dụng chỉ số DINC với cách tính như sau:

                     DINC = 1 - HHIinc      (2)

Chỉ số DINC có giá trị từ 0 đến 0,5. Nếu DINC = 0, tức là cơ cấu thu nhập của ngân hàng hoàn toàn tập trung vào một nguồn thu nhập duy nhất. Nếu DINC = 0,5 tức là ngân hàng đang đa dạng hóa thu nhập ở mức tối đa, tỷ trọng thu nhập ngoài lãi bằng tỷ trọng thu nhập lãi. Phương pháp này được sử dụng trong các nghiên cứu của Stiroh & Rumble (2006), Chiorazzo & cộng sự (2008) và Delpachitra & Lester (2013).

Để kiểm định sự khác biệt trong tác động của đa dạng hóa thu nhập đến hiệu quả hoạt động của các NHTM sở hữu nhà nước so với các NHTM cổ phần, tác giả sử dụng biến IDIV*STATE là biến tương tác giữa các biến đa dạng hóa thu nhập và loại hình sở hữu. Biến giả STATE có giá trị bằng 1 nếu là ngân hàng có sở hữu Nhà nước trên 50% và bằng 0 cho các ngân hàng còn lại.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính vững cho mô hình nghiên cứu, tác giả đưa thêm vào các biến kiểm soát gồm các yếu tố bên trong ngân hàng (Xm,it) và các yếu tố kinh tế vĩ mô (Yn,t). Cách đo lường các biến và các giả thuyết nghiên cứu được giải thích cụ thể trong Bảng 1.

Để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu, nhóm tác giả tiến hành hồi quy dữ liệu bảng lần lượt thông qua các mô hình ước lượng gộp (Pooled OLS), mô hình tác động cố định (FEM) và mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên (REM).

Tiếp theo, để lựa chọn mô hình ước lượng phù hợp, nhóm tác giả lần lượt thực hiện các kiểm định F, kiểm định Breusch – Pagan và kiểm định Hausman. Sau đó, tác giả tiến hành kiểm định các khuyết tật của mô hình được lựa chọn và sử dụng mô hình ước lượng FGLS, khắc phục hiện tượng phương sai sai số thay đổi và tự tượng quan.

Dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng thường niên thu thập từ nhóm 29 NHTM Việt Nam được cung cấp bởi Bankscope trong khoảng thời gian từ 2006-2016 với khoảng 287 quan sát. Ngoài ra, những dữ liệu vĩ mô được thu thập từ World Bank đảm bảo độ tin cậy.

Ma trận hệ số tương quan được trình bày ở Bảng 2 cho thấy, hầu hết các biến độc lập có tương quan không chặt chẽ (hệ số tương quan đều dưới 0,5). Kết quả từ ma trận hệ số tương quan cho thấy, không có hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến trong mô hình kiểm định.

Kết quả ước lượng

Bảng 3 trình bày các kết quả ước lượng mô hình nghiên cứu với các biến phụ thuộc lần lượt là ROAA, ROAE. Kết quả kiểm định lựa chọn mô hình phù hợp với mẫu nghiên cứu thông qua kiểm định F-test, kiểm định Breusch-Pagan và kiểm định Hausman (các giá trị p-value đều nhỏ hơn 0,01) cho thấy mô hình FEM là phù hợp nhất.

Tiếp theo, tác giả thực hiện kiểm định các khuyết tật của mô hình nghiên cứu. Kết quả kiểm định Wooldridge và kiểm định Wald (p-value < 0,01) cho thấy, có hiện tượng tự tương quan và phương sai sai số thay đổi đối với FEM.

Tác động của đa dạng hóa thu nhập đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam - Ảnh 3

Tiến hành xử lý các khuyết tật bằng hồi quy FGLS cho thấy, đa dạng hóa thu nhập có tác động tích cực đến khả năng sinh lời của các ngân hàng. Bên cạnh đó, thông qua biến tương tác giữa đa dạng hóa thu nhập và loại hình sở hữu, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tác động của đa dạng hóa thu nhập đến hiệu quả hoạt động đo lường bằng ROAE của các NHTM Nhà nước mạnh mẽ hơn so với các NHTM còn lại.

Hay nói cách khác, đa dạng hóa thu nhập sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho các NHTM Nhà nước. Hầu hết kết quả kiểm định của các biến kiểm soát đều tương đồng với kỳ vọng ban đầu.

Tác động của đa dạng hóa thu nhập đến tỷ suất sinh lợi hiệu chỉnh rủi ro:

Kết quả ước lượng mô hình nghiên cứu với biến phụ thuộc RROAA, RROAE lần lượt được trình bày trong Bảng 4. Kết quả kiểm định lựa chọn mô hình phù hợp đối với dữ liệu bảng thông qua kiểm định Hausman (p-value > 0,1) và kiểm định Breusch-Pagan (p-value < 0,01) đều cho thấy, mô hình REM là phù hợp nhất.

Tiếp theo, tác giả thực hiện kiểm định các khuyết tật của mô hình nghiên cứu thông qua kiểm định Wooldridge và Breusch-Pagan (p-value < 0,01) đối với dữ liệu bảng thì kết quả kiểm định cho thấy, có hiện tượng tự tương quan và phương sai sai số thay đổi đối với REM.

Tác động của đa dạng hóa thu nhập đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam - Ảnh 4

Tiến hành xử lý hiện tượng phương sai thay đổi và tự tương quan thông qua mô hình hồi quy FGLS cho thấy, đa dạng hóa thu nhập có tác động tích cực đến khả năng sinh lời hiệu chỉnh rủi ro của các ngân hàng và tác động này là mạnh mẽ hơn ở các NHTM sở hữu nhà nước. Bên cạnh đó, hầu hết các biến kiểm soát đưa vào mô hình đều tác động đáng kể đến biến phụ thuộc như kết quả từ các mô hình kiểm định với biến phụ thuộc là ROAA và ROAE.

Hàm ý chính sách

Từ kết quả ước lượng mô hình nghiên cứu cho thấy, các ngân hàng thực hiện đa dạng hóa thu nhập thì sẽ càng nâng cao được lợi nhuận, nhưng đồng thời cũng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn, đặc biệt là đối với các NHTM có vốn sở hữu nhà nước.

Điều này có nghĩa là khi mở rộng các nguồn thu nhập ngoài lãi để gia tăng lợi nhuận, các ngân hàng cũng cần lưu ý đến việc kiểm soát các rủi ro, do những hoạt động này mang lại.

Đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ ngân hàng

Nhằm đảm bảo được tính hiệu quả từ đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, việc đầu tiên là mỗi ngân hàng cần hình thành một bộ phận nghiên cứu chuyên trách phát triển sản phẩm. Trong đó, tập trung vào những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có đặc điểm nổi trội trên thị trường để  tạo sự khác biệt trong cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các NHTM cũng cần tiếp tục nghiên cứu và triển khai các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phát huy hiệu quả và tính năng kỹ thuật của công nghệ mới.

Ngoài ra, các NHTM Việt Nam cần thực hiện đa dạng hóa sản phẩm theo chiều sâu, khai thác giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng khả năng liên kết, tích hợp giữa các sản phẩm dịch vụ nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, tạo sự khác biệt trong cạnh tranh.

Nâng cao năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng

Nâng cao năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng trong điều kiện đa dạng hóa sản phẩm cần phải có chiến lược quản trị rủi ro. Theo đó, việc xây dựng chiến lược quản trị rủi ro của các ngân hàng cần tính đến những yêu cầu sau:

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dự báo, phân tích và phòng ngừa rủi ro, tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động quản trị rủi ro.

- Hạn chế tăng trưởng “nóng” về quy mô vốn và tài sản, đặc biệt là các tài sản cho vay, cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn, cần có sự kiểm soát và lộ trình chặt chẽ để hạn chế các cú sốc bất lợi khiến ngân hàng lâm vào tình trạng khó khăn.

- Khi tăng quy mô tài sản, các ngân hàng cần gắn với việc phân bổ danh mục sử dụng tài sản cho an toàn, hợp lý; đồng thời, cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng nhằm khơi thông dòng vốn, giảm thiểu thiệt hại và giữ vững lòng tin từ công chúng.

- Chú trọng tăng cường trích lập dự phòng và đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý nợ xấu nhằm thu hồi nhanh chóng nguồn vốn đã cho vay, hạn chế các khoản đầu tư và cho vay có độ rủi ro cao.

- Đảm bảo thanh khoản thông qua việc xây dựng một hạn mức dự trữ phù hợp, đầu tư vào giấy tờ có giá để khi cần thiết có thể xin tái chiết khấu hoặc tham gia thị trường mở. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn, chú ý gia tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn tài trợ ngắn hạn trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng.            

Tài liệu tham khảo:

1. Allen, F. & Santomero, A.M. (2001), ‘What do financial intermediaries do?’, Journal of Banking & Finance, 25(2), 271-294;

2. Baele, L., Jonghe, O.D. & Vennet, R.V. (2007), ‘Does the stock market value bank diversification?’, Journal of Banking and Finance, 3(1), 1999-2023;

3. Chiorazzo, V., Milani, C. & Salvini, F. (2008), ‘Income Diversification and Bank Performance: Evidence from Italian Banks’, Journal of Financial Services Research, 33, 181–203;

4. Delpachitra, S. & Lester, L. (2013), ‘Non-Interest Income: Are Australian Banks Moving Away from their Traditional Businesses?’, Economic papers, 32(2), 190-199;

5. DeYoung, R. & Roland, K.P. (2001), ‘Product mix and earnings volatility at commercial banks: Evidence from a degree of total leverage model’, Journal of Financial Intermediation, 10(1), 54-84;

6. Gurbuz, A.O., Yanik, S. & Aytürk, Y. (2013), ‘Income Diversification and Bank Performance: Evidence from Turkish Banking Sector’, BDDK Bankacılık ve;

7. Karakaya, A. & Er, B. (2013), ‘Noninterest (nonprofit) income and financial performance at Turkish commercial and participation banks’, International Business Research, 6(1), 106-117.