Quỹ phòng hộ định lượng - mô hình quỹ đầu tư mới trong cách mạng công nghiệp 4.0
Quỹ phòng hộ định lượng (Quantitative Hedge Funds) là mô hình quỹ đầu tư không phải là quá mới trên thế giới. Đây là mô hình quỹ đầu tư phòng hộ với các giao dịch được thực hiện trên hệ thống máy tính.
Nói cách khác là hoạt động đầu tư của quỹ sẽ được thực hiện bởi máy móc thay vì các nhà quản lý quỹ như trước đây. Sau gần 20 năm phát triển, các quỹ phòng hộ định lượng đã dần khẳng định được hiệu quả trong hoạt động đầu tư so với các quỹ phòng hộ nói riêng và so với các chỉ số thị trường chứng khoán (TTCK) nói chung.
Với những biến đổi không ngừng về công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế đầu tư thông qua máy móc là tất yếu và ngày càng trở nên phổ biến. Bài viết sẽ giới thiệu về loại hình Quỹ phòng hộ định lượng cũng như hoạt động của các quỹ này trên các thị trường thế giới.
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI)
AI hay trí thông minh nhân tạo được dùng để chỉ các máy tính có khả năng bắt chước con người trong mọi hoạt động. Hệ thống được xây dựng dựa trên AI sẽ có khả năng đưa ra các quyết định, dự báo trên cơ sở phân tích, xử lý và thu thập các dữ liệu trong quá khứ.
AI ngày nay được ứng dụng nhiều các lĩnh vực và bao gồm: tự động hóa (thay thế các công việc của con người); Tự động hỗ trợ (giúp con người thực hiện công việc nhanh chóng hơn); Nâng cấp trí tuệ (giúp mọi người đưa ra quyết định tốt hơn); Tự động hoàn toàn (tự động hóa quá trình ra quyết định mà không cần tới sự can thiệp của con người). Với những chức năng trên, sự kết hợp giữa con người và AI sẽ mang lại kết quả đáng kinh ngạc trong mọi lĩnh vực.
Việc ứng dụng AI trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội được cho là sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn, đặc biệt là việc giúp cải thiện năng suất lao động bởi sự thay thế sức lao động của con người bằng máy móc.
Trong năm 2016, AI đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực của nền kinh tế và đem lại những giá trị nhất định đóng góp cho sự tăng trưởng chung của mỗi quốc gia, mỗi khu vực. Trong đó, Trung Quốc là nơi mà AI được đưa vào ứng dụng rộng rãi, đem lại khoản thu lên tới 7 nghìn tỷ USD, chiếm 26,1% GDP của nước này.
Chỉ tính riêng hai khu vực Bắc Mỹ và Trung Quốc, AI đã đóng góp 10,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế khu vực và chiếm tới 70% tác động kinh tế toàn cầu của AI. Đối với các nước đang phát triển, mức độ đóng góp của AI đối với nền kinh tế khá khiêm tốn do mức độ chấp nhận ứng dụng công nghệ cao còn thấp (xem Bảng 1).
PwCs1 đã thực hiện một cuộc khảo sát về các nhân tố ảnh hưởng tới việc ra quyết định, hay ai sẽ là người ra quyết định hiệu quả hơn trong các lĩnh vực. Khảo sát được thực hiện vào năm 2016 cho kết quả như sau:
Các quyết định mang tính chiến lược tùy theo từng ngành sẽ dựa vào phán đoán của con người hay do các thuật toán quyết định. Trong đó, nổi bật là 04 ngành mà các thuật toán sẽ chi phối nhiều trong việc ra quyết định, đó là các ngành Tài chính và ngân hàng, Công nghệ, Sản phẩm công nghiệp và Bảo hiểm.
Đáng chú ý là hiện nay, ngành Quản lý tài sản vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sự suy đoán của các nhà quản lý chuyên nghiệp. Thị trường vốn và ngân hàng là lĩnh vực có mức độ sử dụng máy móc hỗ trợ ra quyết định chiếm tỷ trọng tương đối so với các lĩnh vực khác.
Theo khảo sát về nguồn dữ liệu mà các nhà quản lý sử dụng trong năm 2016, đối với dữ liệu sơ cấp về bản cân đối hay báo cáo thu nhập, báo cáo tài chính, 62% các nhà quản lý cần tới dữ liệu này. Trong khi đó, có 38% các nhà quản lý cần sử dụng nguồn dữ liệu về kinh tế như tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát…
Đặc biệt, đối với dữ liệu giá chứng khoán hay khối lượng giao dịch, nguồn dữ liệu được khai thác 100% để đưa ra quyết định đầu tư. Như vậy, đầu tư chứng khoán hay tài chính nói chung đều cần tiếp cận và xử lý khối lượng dữ liệu rất lớn trước và trong khi đưa ra quyết định đầu tư. Bởi vậy, AI sẽ hỗ trợ đắc lực cho các nhà quản lý trong quá trình phân tích và xử lý dữ liệu này (xem Bảng 2).
Như vậy, AI dường như là một công cụ hoàn hảo cho thị trường tài chính, việc sử dụng AI để dự báo và đưa ra các quyết định đầu tư sẽ giúp hoạt động đầu tư hiệu quả hơn. Trong vài năm trở lại đây, thị trường tài chính đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của AI, đặc biệt là việc ứng dụng AI.
Từ dịch vụ khách hàng trong các tổ chức tài chính, ngân hàng tới các hoạt động đầu tư đều có thể sử dụng hệ thống dựa trên AI để cung cấp các công cụ dự báo, khuyến nghị hay nhận ủy thác đầu tư nhằm tạo ra lợi nhuận cao nhất bất kể biến động của thị trường.
Quỹ phòng hộ định lượng
Hoạt động đầu tư chứng khoán là một trong những lĩnh vực ứng dụng AI hiệu quả trong nhiều năm qua. Hiện nay, trong ngành Quỹ đầu tư có riêng một loại quỹ được gọi là Quantitative Hedge Funds viết tắt là Quant HFs - tạm dịch là Quỹ phòng hộ định lượng (sau đây được gọi là Quỹ QHF).
Đây là một loại quỹ phòng hộ nhưng các hoạt động phân tích, dự báo hay đưa ra quyết định đầu tư hoàn toàn dựa vào các hệ thống sử dụng AI. Các quỹ phòng hộ truyền thống ngày nay đang bị cạnh tranh quyết liệt và trở nên thất thế trước xu hướng sử dụng các mô hình toán học phức tạp để đưa ra các quyết định đầu tư trên thị trường.
Trong chiến lược đầu tư của mình, các Quỹ QHF sử dụng các chiến lược định lượng AI cũng như các nguồn nhân lực tài năng có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ, được gọi là Quantitative Strategies - Các chiến lược đầu tư định lượng. Các chiến lược này đã được đưa vào ứng dụng đầu tư và cũng đem lại những thành công nhất định, đặc biệt khi thị trường tăng trưởng tốt.
Nhưng khi thị trường rơi vào trạng thái khủng hoảng hay suy giảm, những rủi ro mà chiến lược định lượng mang lại cũng tương tự như các chiến lược khác. Về cơ bản, chiến lược định lượng của các Quỹ QHF cũng giống như bất kỳ chiến lược đầu tư nào khác, tập trung vào giá trị, lợi nhuận vượt trội và rủi ro. Tuy nhiên, điểm mạnh của chiến lược này là loại bỏ được cảm xúc của con người trong việc ra quyết định mua bán, thay vào đó là các quyết định được thực hiện dựa trên phân tích của hệ thống máy tính AI.
Lợi ích mà chiến lược định lượng mang lại là các mô hình đầu tư dựa trên kỷ luật đầu tư, bởi vậy sẽ khai thác được các nguồn dữ liệu trong điều kiện thị trường hiệu quả. Các mô hình này có thể dựa trên một số chỉ tiêu như P/E, nợ trên vốn cổ phần hay tăng trưởng thu nhập hoặc sử dụng một lượng dữ liệu đầu vào rất lớn tại cùng một thời điểm. Mô hình có khả năng phân tích một nhóm rất lớn các dữ liệu đầu tư đồng thời, điều mà các nhà phân tích truyền thống ít ai làm được.
Bởi vậy, những kết quả mà các mô hình đưa ra có tính tin cậy khá cao và làm cho quá trình giao dịch dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu trở nên dễ dàng hơn. Thêm vào đó, các chiến lược định lượng phục vụ cho tất cả các chiến lược ngắn và dài hạn và cho phép các quỹ kiểm soát mức độ đa dạng hóa mà không làm ảnh hưởng tới mô hình. Các Quỹ QHF thường có chi phí quản lý quỹ thấp do tinh giản được các nhà phân tích và quản lý danh mục đầu tư.
Bên cạnh những lợi ích đạt được, chiến lược định lượng cũng mang lại một số những bất lợi. Mặc dù có nhiều thành công, song cũng có những lúc thất bại. Hơn nữa, vẫn có nhiều nhà đầu tư không hoàn toàn đồng ý với việc giao tài sản cho máy móc quản lý. Bởi hoạt động quản lý của con người đã giúp rất nhiều quỹ trên thế giới thu được những sinh lời vượt trội so với thị trường. Sự kiện của công ty quản lý quỹ Long – Term Capital Management thanh lý và giải thể vào năm 2000 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường thế giới.
Đây là một công ty quản lý quỹ dài hạn với việc tuân thủ kỷ luật của chiến lược định lượng. Tuy nhiên, do các mô hình định lượng không bao quát được hết các khả năng về chính trị trên thế giới nên dẫn tới các phản ứng dây chuyền sau phản ứng lại thông tin trên thị trường. Nguyên nhân được đưa ra là bởi hệ thống chỉ xử lý được các sự kiện, dữ liệu quá khứ mà không bao gồm các sự kiện trong tương lai.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 1.360 Quỹ QHF (chiếm 9% trong tổng số các quỹ đầu tư đang hoạt động trên thị trường toàn cầu) đại diện cho khoản vốn đầu tư lên tới 197 tỷ USD. Như vậy, hiện máy móc đang thực hiện việc đầu tư một khối lượng vốn khá lớn thay thế cho các nhà quản trị tài sản, các nhà môi giới. Điều đáng nói là hiệu quả của hoạt động đầu tư dựa trên AI liệu có đánh bại được trí tuệ của các nhà quản lý quỹ hay các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư?
Từ cuối năm 2016, trong báo cáo khảo sát 340 nhà đầu tư quản lý khoảng 8 tỷ USD trên TTCK cho thấy các nhà đầu tư đã dần quan tâm tới các quỹ đầu tư có tính hệ thống, sử dụng hệ thống máy tính để hỗ trợ trong việc phân tích, dự báo và đưa ra quyết định đầu tư.
Từ đầu năm 2017, số lượng các Quỹ QHF ngày càng tăng lên, cùng những tiến bộ đáng kinh ngạc trong lĩnh vực công nghệ, AI được áp dụng ngày càng nhiều và đem lại hiệu quả đầu tư cao so với các quỹ phòng hộ truyền thống và thị trường chung.
Kết quả khảo sát về mức độ quan tâm của các nhà đầu tư đối với các lĩnh vực khác nhau cho thấy vào quý II/2016, các nhà đầu tư đã quan tâm nhiều hơn với các Quỹ QHF, với mức độ tăng 24% so với quý IV/2015. Điều này đã mở ra một xu thế mới cho các nhà đầu tư theo trường phái ứng dụng công nghệ trong giao dịch và buộc các nhà đầu tư của những kỹ thuật cũ cần thích nghi.
Theo một số nghiên cứu về chiến lược đầu tư có tính hệ thống (systematic strategies) của ngành Công nghiệp quỹ phòng hộ, chỉ có khoảng 17% (tương đương khoảng 500 tỷ USD) do các Quỹ QHF quản lý. Trong đó, phần lớn các sản phẩm của quỹ phòng hộ có tính hệ thống được quản lý bởi hệ thống độc lập (450 tỷ USD), phần còn lại được phân bổ trong các chiến lược thay thế tùy chọn của các quỹ. Cụ thể hơn, chỉ có 5% (tương đương 150 tỷ USD) vốn cổ phần do các quỹ định lượng quản lý, số còn lại đến từ các sản phẩm đầu tư khác của ngành quỹ này.
Ngành quỹ phòng hộ là một trong những ngành sử dụng dữ liệu nhiều nhất để có thể đưa ra các quyết định đầu tư. Thêm vào đó, với sự phát triển ngày càng cao của công nghệ, của thị trường, sự đa dạng hóa về hàng hóa giao dịch cũng như quy mô giao dịch của các nhà đầu tư, đã tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ cho ngành này tiếp cận. Trong thời đại công nghệ 4.0, Big data - dữ liệu lớn luôn được đề cập, bởi khả năng xử lý các bộ dữ liệu khổng lồ mà chỉ máy móc mới có thể làm được trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Bởi vậy, ứng dụng công nghệ trong ngành Quản lý quỹ là cần thiết. Trong năm 2016, trong số các nhà quản lý Quỹ QHF, chỉ có 24% sử dụng dữ liệu lớn và trên 50% các nhà quản lý đã kết hợp các kỹ thuật định lượng trong hoạt động đầu tư thông qua quá trình thu thập thông tin, tạo ý tưởng, quản trị danh mục đầu tư, quản lý rủi ro và các hoạt động khác trong quá trình đầu tư.
Hoạt động của các quỹ phòng hộ định lượng trên thế giới
Quỹ QHF được ra đời từ những năm 1980, sau hơn 30 năm hoạt động, giá trị thị trường của các quỹ đó đã có mức tăng trưởng tốt. So với năm 2009, giá trị thị trường của các quỹ đầu tư được kiểm soát bởi hệ thống máy móc dựa trên AI đã tăng hơn ba lần, từ khoảng 80 tỷ USD năm 2009 lên gần 330 tỷ USD vào năm 2016.
Các Quỹ QHF cũng có mức tăng tương đối so với các quỹ còn lại. Hiện tại, các Quỹ QHF kiểm soát 13% tổng giá trị tài sản dài hạn cho tất cả các quỹ phòng hộ, con số này chỉ là 8% vào năm 2011. Cụ thể tài sản của các Quỹ này trong năm 2009 chỉ đạt hơn 4 trăm tỷ USD là và tăng tới gần 1 nghìn tỷ USD vào giữa năm 2017.
Từ những số liệu về mức độ tăng trưởng của Quỹ QHF có thể thấy đây là xu hướng tất yếu để cạnh tranh và phát triển trong thời gian tới. Các quỹ đầu tư truyền thống hay các nhà quản lý tài sản hiện cũng đang dần kết hợp những yếu tố định lượng mới trong quá trình làm việc. Những phương pháp định lượng này giúp quản lý thời gian, quy mô và cách thức quản lý rủi ro.
Xét về tính hiệu quả trong hoạt động đầu tư, các Quỹ QHF không phải lúc nào cũng tốt hơn các quỹ phòng hộ thông thường. Tỷ suất sinh lời nói chung của các Quỹ QHF trong năm 2011, 2014 và 2015 vượt cao hơn so với các quỹ phòng hộ còn lại. Đáng chú ý trong năm 2011, mức độ giảm tương đối mạnh trong mức sinh lời của các quỹ phòng hộ (-1,78%) trong khi mức sinh lời của các Quỹ QHF ở mức 2,47%. Vào tháng 5/2017, các Quỹ QHF đã đạt mức sinh lời 13% so với mức tăng 1,2% của chỉ số S&P500. Điều này cũng cho thấy mức độ hiệu quả của loại hình quỹ đầu tư này.
Nếu xem xét hiệu quả đầu tư theo khu vực, trong suốt giai đoạn từ năm 2007 đến đầu năm 2017, mức sinh lời của các Quỹ QHF đều có xu hướng tăng mạnh. Trong đó, phải kể đến các quỹ định lượng ở khu vực Bắc Mỹ, với mức tăng luôn vượt trội, sau 10 năm đã tăng 200%, mức tăng trưởng thấp nhất thuộc về các quỹ định lượng ở khu vực châu Âu với mức tăng trên 120% sau 10 năm.
Mô hình quỹ phòng hộ định lượng đang ngày càng phát triển ở các thị trường. Nhiều quỹ đầu tư cũng bắt đầu áp dụng các thành tựu công nghệ vào từng khâu trong hoạt động của quỹ như các khâu dự báo hay phân tích dữ liệu.
Đối với các thị trường mới nổi hoặc đang phát triển, đây vẫn được coi là mô hình Quỹ mới. Ngay như đối với thị trường Việt Nam, hiện vẫn chưa có báo cáo về loại hình quỹ đầu tư này. Tuy nhiên, đây cũng là một gợi ý cho TTCK Việt Nam trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.