Tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động cho vay và chất lượng tín dụng

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 10/2020

Cho đến nay dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã cơ bản được khống chế sau hàng loạt các biện pháp nghiêm ngặt và quyết liệt của cả hệ thống chính trị và ý thức tự giác chấp hành của người dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, đại dịch này vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, tiếp tục tác động sâu rộng đến các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Trong đó, với hệ thống ngân hàng, hoạt động cho vay mới rất khó khăn và chất lượng tín dụng bị ảnh hưởng nặng nề, cần nhiều giải pháp đồng bộ để hạn chế các tác động tiêu cực.

 Diễn biến huy động vốn và cho vay

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thu nhập của doanh nghiệp (DN) và người dân bị giảm sút, khiến họ không có tiền gửi ngân hàng, thậm chí là phải rút tiền gửi, vay tiền, nguồn thu giảm sút, không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng, nợ xấu phát sinh.

Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến cuối tháng 9/2020, tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế tăng 7,74% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,41%), huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 7,7% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,79%). Dư nợ tín dụng đến 30/9/2020 tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%).

Về tín dụng theo ngành kinh tế, dư nợ ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn 63%, có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất khoảng 6,32%; dư nợ ngành công nghiệp xây dựng tăng 5,89%, chiếm 28,75%; tín dụng đối với ngành nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 8,66%, tăng 5,09%.

Về tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên: vốn cho vay của các TCTD tại Việt Nam vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là một số lĩnh vực đang tận dụng được lợi thế trong bối cảnh mới như tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 7%, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 5%, tín dụng đối với DNNVV tăng 5,5%.

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả tín dụng đã góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm của cả nước đạt 2,12%, cũng như là động lực cho tăng trưởng nhiều ngành, như: công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,7%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%, xây dựng tăng 5,02%, bán buôn và bán lẻ tăng 4,98%.

Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 thì dự kiến cả năm 2020 dư nợ tín dụng chỉ có khả năng đạt 8%-10%, thấp hơn rất nhiều mục tiêu dự kiến 13-14% và cũng thấp hơn con số thực hiện của năm 2019 (13,7%), ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, khôi phục sản xuất kinh doanh giai đoạn hậu Covid-19.

Dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vào khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống TCTD, tiềm ẩn rủi ro với hoạt động ngân hàng. Thời gian qua, các TCTD đã đồng loạt giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp với khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, mức giảm lãi suất phổ biến 2 - 2,5%/năm. Các NHTM đang công bố và triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi với quy mô lớn để sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn giải ngân cho khách hàng.

Thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020, quy định về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, đến nay, các TCTD thực hiện rất nghiêm túc và khẩn trương.

Cụ thể, các TCTD đã cơ cấu lại nợ cho trên 170.000 khách hàng, với tổng dư nợ xấp xỉ 130.000 tỷ đồng; đã miễn giảm lãi suất vay vốn và giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng, với dư nợ xấp xỉ 29.000 tỷ đồng; giảm lãi suất dư nợ hiện hữu cho khoảng 318.000 khách hàng, với dư nợ trên 980.000 tỷ đồng.

Mức giảm lãi suất phổ biến từ 0,5-2%/năm, thậm chí có một số TCTD đã hạ lãi suất từ 2,5-4%/năm. Đồng thời, các TCTD cũng đã cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 1-2% cho khoảng 200.000 khách hàng, với doanh số cho vay mới lũy kế kể từ 23/1/2020 đến  nay là trên 600.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần cắt giảm các loại lãi suất điều hành, để tác động đến giảm lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay của các TCTD đối với nền kinh tế. Trước thời điểm quyết định giảm lãi suất lần thứ 3 của NHNN vào ngày 30/9/2020 thì lãi suất huy động vốn của các NHTM đã có chung xu hướng giảm trong tháng 9/2020 đối với cả kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng ở tất cả các nhóm ngân hàng. Cụ thể, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm NHTM gốc quốc doanh giảm 0,125%; lãi suất của nhóm NHTMCP có quy mô nhỏ vốn dưới 5.000 tỷ đồng giảm 0,163%; lãi suất của nhóm NHTMCP có quy mô lớn vốn trên 5.000 tỷ đồng giảm 0,14%.

Xu hướng giảm lãi suất huy động vốn của các NHTM tiếp tục được tiếp nối trong những ngày đầu tháng 10/2020, sau động thái NHNN Việt Nam công bố cắt giảm thêm 50 điểm % lãi suất điều hành vào ngày 30/9/2020. Trong đợt giảm lãi suất lần này, một số NHTM còn giảm lãi tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống dưới mức trần cho phép.

Qua 3 lần giảm các loại lãi suất điều hành của NHNN, đến đầu tháng 10/2020, lãi suất cho vay trong nền kinh tế của các NHTM cũng giảm từ 0,5% đến 1,5% so với  thời điểm cuối tháng 12/2019 tùy theo kỳ hạn cho vay và đối tượng vay vốn. Lãi suất cho vay giảm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, khách hàng giảm chi phí vốn vay, giảm một phần khó khăn bởi đại dịch Covid-19.

Ngày 7/5/2020, NHNN ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN quy định về việc tái cấp vốn đối với Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỷ đồng. Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm.

Tuy nhiên, cho đến đầu tháng 10/2020 việc triển khai chủ trương nói trên vẫn còn rất chậm, gần như các danh nghiệp không được phê duyệt vay gói tín dụng trên để trả lương cho người lao động. Nguyên nhân chung gói tín dụng trên chưa có kết quả giải ngân vốn cho vay là do các quy định, các điều kiện vay vốn theo chương trình này quá chặt chẽ, doanh nghiệp rất khó đáp ứng.

Thực trạng chất lượng tín dụng của ngân hàng thương mại giai đoạn hiện nay

Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, ngành Ngân hàng đã quyết liệt tập trung xử lý nợ xấu với 2 cơ chế có tính đột phá về cơ chế chính sách, đó là Nghị quyết số 42/2017/QH14 ( ngày 21/06/2017 do Quốc hội ban hành về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng) và Quyết định số 1058/QĐ-TTg (ngày 19/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020"), tạo được những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD.

Nghị quyết số 42/2017/QH14 là văn bản có giá trị pháp lý rất quan trọng trong giai đoạn trước Covid-19 và hiện nay, khi lần đầu tiên các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội. Nghị quyết này tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Cùng với đó, Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm từ thực tế triển khai tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm đổi mới mạnh mẽ và toàn diện các TCTD.

Trong đó, đặc biệt chú trọng đổi mới mô hình quản trị, điều hành; nâng cao năng lực tài chính, tăng cường năng lực đánh giá, kiểm soát rủi ro; chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng và hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ; tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; cơ cấu lại các TCTD theo từng nhóm.

Mặc dù, công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua trước và trong đại dịch Covid-19 đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của TCTD. Các khó khăn có thể kể đến như: (i) Việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II của một số TCTD, nhất là các NHTM Nhà nước còn khó khăn; (ii) tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của tập đoàn, tổng công ty; (iii) việc xử lý, thu hồi nợ và TSBĐ của một số TCTD còn khó khăn trong trường hợp TSBĐ cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh…

Đặc biệt, một số TCTD vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14; thực hiện quyền áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế khi xử lý TSBĐ và nộp án phí theo bản án, quyết định của Tòa án các cấp…

Bên cạnh những thách thức liên quan đến quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nói chung và xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu nói riêng còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các TCTD xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu. Nếu không tăng được vốn điều lệ, một số NHTM Nhà nước, ví dụ như VietinBank sẽ phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tác động trực tiếp đến khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành và theo đó tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Sự bùng phát của Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay đang ảnh hưởng và tác động không nhỏ tới an toàn hoạt động ngân hàng, cũng như kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu toàn ngành ngân hàng giai đoạn 2016-2020.

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để vượt qua khó khăn theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Song, do bị ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ TCTD nên nợ xấu thời gian tới sẽ tăng lên và ngành Ngân hàng cần có giải pháp ứng phó với tình hình nợ xấu hậu Covid-19. Tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng trước tác động của Covid-19.

Cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,63% và đến 31/8/2020 là 1,96%, dự báo đến hết năm 2020 sẽ tăng lên trên 2,0%. Bên cạnh do tác động của đại dịch Covid-19, thì còn nguyên nhân quan trọng khác đó, là Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg hết hiệu lực thi hành trong thời gian tới nếu không được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ gia hạn, hay ban hành văn bản thay thế.

Khuyến nghị hàm ý chính sách

Nghị quyết số 42/2017/QH14 chỉ mang tính chất thí điểm, có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 15/8/2017. Do đó, giai đoạn nền kinh tế hậu Covid-19, sau thời điểm Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực, nếu không có văn bản thay thế thì có thể làm quá trình xử lý TSBĐ tiền vay của các khoản nợ xấu bị kéo dài, các nhà đầu tư mua, bán nợ xấu nghi ngại về khả năng xử lý các khoản nợ đã mua để thu hồi vốn.

Để triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu quả trên thực tế trong giai đoạn hiện nay khi chưa hết thời hạn hiệu lực, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, về phía Bộ Tư pháp, đề nghị tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát các vụ việc thi hành án có điều kiện thi hành án tồn đọng để ưu tiên xử lý, thu hồi dứt điểm cho các TCTD; Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có biện pháp kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối, cản trở, đe dọa tính mạng, tinh thần của cán bộ một số NHTM tham gia thu giữ TSBĐ, đảm bảo cho việc thu giữ TSBĐ được diễn ra thuận lợi, phù hợp với quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp với NHNN đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho TCTD về các khoản thuế, phí còn nợ của bên bảo đảm trong việc chuyển nhượng TSBĐ; Có hướng dẫn về tiêu chuẩn định giá khoản nợ để làm cơ sở cho các cơ quan thẩm định giá thực hiện thẩm định giá khoản nợ cho các TCTD.

Sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực, NHNN cần có tổng kết, đánh giá kết quả đạt được của Nghị quyết, tiếp tục  phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan đề xuất Chính phủ, các giải pháp để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tài chính hết quý I và quý II/2020 của các ngân hàng thương mại, tháng 9/2020,công bố trên trang web của các ngân hàng thương mại;

2. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, www.vnba.org.vn;

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, www.sbv.gov.vn.