Phát triển tín dụng xanh trong bối cảnh hiện nay
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới tăng trưởng xanh, chính sách tín dụng để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng xanh đóng một vai trò rất quan trọng.
Chính sách tín dụng xanh được nhiều quốc gia có trình độ phát triển khác nhau trên thế giới theo đuổi, trở thành xu hướng phát triển chung và là cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của các nước.
Phát triển tín dụng xanh giúp cho ngân hàng hạn chế được rủi ro về môi trường, xã hội trong hoạt động kinh doanh. Việt Nam cũng đang dần đi theo xu hướng này, song vẫn gặp nhiều khó khăn và cần giải pháp để đẩy mạnh dòng vốn này hơn nữa.
Những kết quả đạt được
Tín dụng xanh (TDX) được hiểu là việc các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung. Thực tế cho thấy, việc triển khai các chính sách tín dụng hướng tới tăng trưởng xanh giúp mang lại nhiều lợi ích trên các phương diện.
Đối với quốc gia, chính sách TDX đóng góp tích cực cho sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội; góp phần xóa đói, giảm nghèo và cải thiện chất lượng đời sống nhân dân; tránh được rủi ro về môi trường và xã hội mà nhiều quốc gia đã gặp phải do quá chú trọng về phát triển kinh tế mà coi nhẹ vấn đề môi trường sinh thái.
Chính sách TDX khuyến khích doanh nghiệp coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường, là cơ hội để họ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước, nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Về phía cộng đồng và người tiêu dùng, chính sách TDX mang lại cơ hội sử dụng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, hạn chế những rủi ro sử dụng sản phẩm độc hại. Đây cũng là vấn đề phù hợp với xu thế chung của thế giới, là cơ hội để các tổ chức tài chính, TDX quốc tế đầu tư vốn.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của TDX, Việt Nam đã có những bước đi cụ thể hóa kế hoạch hành động và triển khai khuôn khổ pháp lý dành cho cho lĩnh vực này. Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 403/QÐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Tại quyết định này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các ngân hàng thương mại phục vụ tăng trưởng xanh”.
Ngày 24/3/2015, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng TDX và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Tiếp đến, NHNN ban hành Quyết định số 1552/QÐ-NHNN ngày 6/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
Đặc biệt, ngày 7/8/2018, NHNN đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ những dự án thân thiện với môi trường… Cũng trong tháng 8/2018, NHNN đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường – xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 10 ngành kinh tế.
Để hỗ trợ các tổ chức tín dụng triển khai chính sách TDX một cách toàn diện, trên cơ sở thành công của cuốn sổ tay đã ban hành, NHNN tiếp tục phối hợp với IFC ban hành Hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường – xã hội đối với 5 ngành kinh tế khác gồm: sản xuất nhiệt điện, sản xuất giấy và bột giấy, nhuộm vải, chế biến thủy sản, pin và sắc quy.
Đây là “cẩm nang” giúp các tổ chức tín dụng nhận diện và chủ động quản lý các rủi ro môi trường – xã hội có thể gây tác động xấu, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án được cấp tín dụng cũng như khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó, giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng. Ngoài ra, NHNN đã lồng ghép chương trình TDX vào các văn bản quy phạm pháp luật do NHNN ban hành hoặc do NHNN soạn thảo trình Chính phủ ban hành.
Ngay sau khi có những văn bản chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các tổ chức tín dụng đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ, đồng thời lồng ghép hoạt động TDX trong chiến lược phát triển của mình; một số ngân hàng thương mại cũng chủ động tham gia các dự án có tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế về bảo vệ môi trường và cấp TDX, nhờ đó, hoạt động TDX đã có những chuyển biến tích cực.
Cụ thể, theo NHNN, đến hết tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đạt khoảng 317.600 tỷ đồng (Hình 1). Trong đó, dư nợ trung dài hạn chiếm 76% dư nợ TDX, lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn là 5-8%/năm, trung - dài hạn là 9-12%/năm.
Tỷ trọng TDX cũng tăng mạnh xét trong giai đoạn từ tháng 9/2016 đến tháng 6/2020, từ 1,5% lên 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Nếu so sánh với nhu cầu 30,6 tỷ USD tài chính xanh đến năm 2020, thì đây là nguồn vốn trong nước đáng kể cho tăng trưởng xanh của Việt Nam. Hơn nữa, việc xanh hoá đáng kể dòng tín dụng sẽ góp phần quyết định tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Dư nợ TDX chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, chiếm 45% tổng dư nợ TDX; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 17%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% và lâm nghiệp bền vững chiếm 5%.
Qua khảo sát của NHNN đối với các tổ chức tín dụng về lĩnh vực tăng trưởng xanh, TDX, sự hiểu biết của các tổ chức tín dụng về TDX cho thấy đã được cải thiện đáng kể, cụ thể: 19 tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội, 13 tổ chức tín dụng tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định TDX; 10 tổ chức tín dụng đã xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các ngành/lĩnh vực xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung, dài hạn và có sự ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh; 17 tổ chức tín dụng sử dụng Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 10 ngành kinh tế do NHNN và IFC phối hợp ban hành tháng 8/2018 (Thanh Hà, 2019).
Hiện nay, một số ngân hàng cổ phần cơ bản đã hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội với sự hỗ trợ từ IFC như Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank)... Các ngân hàng thương mại không chỉ tập trung dòng vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà còn có những chiến lược thúc đẩy TDX. Chẳng hạn, Agribank đã tham gia vào nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng; điện gió…
Hay như TPBank đã ký kết hợp đồng dài hạn khoản vay TDX trị giá 20 triệu USD trong vòng 3 năm từ Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu. Việc ký kết hợp tác sẽ mở thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hấp dẫn cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh có yếu tố tiết kiệm năng lượng, giảm thải CO2 và thân thiện với môi trường, xã hội (Đức Anh, 2019).
Khó khăn, thách thức trong hoạt động tín dụng xanh
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động TDX còn gặp một số khó khăn như:
Thứ nhất, khung pháp lý về TDX chưa đầy đủ, hoàn thiện; Thiếu các quy định về thẩm định, tiêu chí và cơ chế đánh giá quản lý rủi ro, việc đánh giá các tiêu chí tăng trưởng xanh của ngân hàng còn lúng túng, việc xác định thanh toán hỗ trợ cho các dự án còn chậm.
Thứ hai, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam hiện nay thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường nên có chi phí cao. Ðể có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh, các tổ chức tín dụng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay giữa các tổ chức tín dụng.
Thứ ba, nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm TDX mới ở bước đầu và còn hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên ngân hàng chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản trong thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.
Thứ tư, doanh nghiệp thiếu thông tin về các sản phẩm TDX. Thời gian xin cấp TDX dài, thủ tục vay vốn phức tạp. Doanh nghiệp cũng thiếu tài sản đảm bảo do hầu hết có quy mô vừa và nhỏ.
Giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh
Để đẩy mạnh phát triển TDX trong bối cảnh hiện nay, các giải pháp cần được tập trung thực hiện gồm:
Thứ nhất, NHNN tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện TDX cho các tổ chức tín dụng, trong đó đưa ra các tiêu chuẩn về TDX, danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất, làm cơ sở để các tổ chức tín dụng lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp TDX.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng chính sách lãi suất phù hợp khi thực hiện cấp TDX theo hướng ưu tiên hỗ trợ về lãi suất và các điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đầu tư thân thiện với môi trường. Ngoài ra, cần có các quy định về phòng ngừa rủi ro trong các dự án cấp TDX.
Thứ hai, NHNN tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường – xã hội cho một số ngành chưa có hướng dẫn trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Thứ ba, xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Thứ tư, tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách TDX tại Việt Nam, bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ưu đãi dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, IFC... huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu xanh để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, tiết kiệm năng lượng.
Thứ năm, doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, hướng tới công bố các báo cáo trách nhiệm xã hội. Các nhà quản trị doanh nghiệp cần tự nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội, môi trường, ý thức được vị trí, tầm quan trọng của việc cung cấp các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có lợi cho người tiêu dùng.
Khi vay TDX từ các ngân hàng, các doanh nghiệp cần tìm hiểu chính sách ưu đãi, hỗ trợ về lãi suất, thủ tục vay vốn, tài sản đảm bảo để tăng cường đầu tư vào dự án thân thiện với môi trường.
Tài liệu tham khảo:
1. Đức Anh(2019), “Xanh hóa” dòng vốn đầu tư, https://hanoimoi.com.vn/tintuc/Tai-chinh/945891/xanh-hoa-dong-von-dau-tu;
2. Thanh Hà (2019), Thực tế triển khai TDX tại Việt Nam, https://tinnhanhchungkhoan.vn/thuc-te-trien-khai-tin-dung-xanh-tai-viet-nam-post223606.html;
3. Ngân hàng Nhà nước (2015), Chỉ thị số 03/CT – NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tăng trưởng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng;
4. Ngân hàng Nhà nước (2019), Thống kê tăng trưởng xanh theo Chỉ thị số 03/NHNN-CT và Công văn số 9050/NHNN-TD giai đoạn 2016-2019;
5. Trần Trọng Phong, Thiều Thùy Dương (2016), Phát triển dòng tăng trưởng xanh trong bối cảnh hệ thống ngân hàng “xanh hóa”, Tạp chí Ngân hàng số 5/2016.