Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam


Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang giữ một vai trò không thể thiếu trong bối cảnh tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua các hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh những đóng góp tích cực, nhiều dự án FDI đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên, tác động lan tỏa tích cực của FDI cũng còn hạn chế. Bằng phương pháp thống kê mô tả dựa trên các dữ liệu thứ cấp, nghiên cứu này sẽ làm rõ một vài tác động tích cực, cũng như những hạn chế của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp để tận dụng những tác động tích cực và hạn chế những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế trong việc thu hút FDI đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Đặt vấn đề

Việt Nam tiến hành cải cách nền kinh tế từ cuối năm 1986. Từ một nước nghèo, Việt Nam  đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp (khoảng 2.800 USD/người/năm) và đạt được những thành tựu quan trọng về y tế, giáo dục, tương tự như nhiều nước có mức thu nhập cao hơn. Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ổn định và cao. Nhiều yếu tố đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trong đó có FDI.

Đối với Việt Nam, FDI gắn với quá trình mở cửa nền kinh tế. Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong thu hút dòng vốn FDI và giao dịch thương mại với các nước. Năm 2022, tổng vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỉ lục 22,4 tỷ  USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017 - 2022). Tính lũy kế trong giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI; trong đó, 274 tỷ USD đã được giải ngân, chiếm 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. 

Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục cải cách nền kinh tế theo hướng hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Nhiều giải pháp kinh tế đã được áp dụng để thu hút FDI và thúc đẩy thương mại quốc tế. Tuy nhiên, cần có đánh giá sâu sắc và thực tiễn về tác động của hoạt động kinh tế đối ngoại đến nền kinh tế Việt Nam để có cơ sở hoạch định chính sách phù hợp.

Tổng quan nghiên cứu

FDI luôn thu hút sự quan tâm của nhiều học giả với các cách tiếp cận khác nhau. Các kết quả nghiên cứu có thể không hoàn toàn thống nhất nhưng điểm chung là FDI có mối quan hệ với nhau đến tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Ali và Hussain (2017) khẳng định trên lý thuyết rằng FDI được coi là động lực chính của hội nhập kinh tế toàn cầu. Kết quả cho thấy FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Pakistan. Ali và Hussain khuyến nghị chính phủ Pakistan tăng cường thu hút FDI để thúc đẩy nền kinh tế.

Sokang (2018) có một cách tiếp cận khác khi ông sử dụng phương pháp bình phương tối thiểu hai giai đoạn để đánh giá tác động của FDI đối với nền kinh tế Campuchia. Với chuỗi số liệu giai đoạn 2006-2016, Sokang đã chứng minh tác động tích cực của FDI đối với tăng trưởng kinh tế của Campuchia. Sokang cho rằng, FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Campuchia nhờ chuyển giao công nghệ hiện đại, thúc đẩy học tập thông qua thực hành và đào tạo lao động. Sokang đề xuất Chính phủ Campuchia tiếp tục cải cách nền kinh tế để thu hút nhiều hơn vốn FDI vào Campuchia.

Marobhe (2015) cũng nghiên cứu mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế của Tanzania giai đoạn 1970-2014. Kết quả cho thấy, FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Marobhe đánh giá cao vai trò của FDI đối với tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển như Tanzania. Thông qua FDI, các nước đang phát triển được tiếp nhận công nghệ, vốn và có điều kiện nâng cao tay nghề cho người lao động. Ông đề nghị chính phủ Tanzania ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút FDI như ưu đãi về thuế, cải thiện cơ sở hạ tầng, ổn định chính trị và nâng cao kỹ năng làm việc của người lao động.

Mustafa (2019) đã kiểm tra sự đóng góp của FDI và doanh thu từ du lịch vào GDP của Sri Lanka trong giai đoạn 1978-2016. Sử dụng phần mềm kinh tế lượng Eviews 10, tác giả kết luận rằng 2 biến bao gồm FDI và doanh thu từ du lịch có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến GDP của Sri Lanka về lâu dài.

Thực trạng tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vào GDP có xu hướng tăng trong giai đoạn 2005 - 2021, điều này phản ánh mức độ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam ngày càng gắn chặt với nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều biện pháp thu hút vốn FDI, thực hiện chính sách hướng về xuất khẩu nhằm tận dụng các nguồn lực từ nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Hình 1)

Hình 1: Đóng góp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài GDP giao đoạn 2005-2021
Hình 1: Đóng góp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài GDP giao đoạn 2005-2021

Với mục tiêu chủ yếu là mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài, phát triển kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu trên cơ sở khai thác có hiệu quả tài nguyên, lao động và các tiềm năng khác của Việt Nam, ngày 29/12/1987, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã được ban hành. Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 35 năm thực hiện chính sách thu hút FDI, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh chóng, từng bước trở thành khu vực kinh tế có vị trí quan trọng trong nền kinh tế.

Trong những năm qua, hoạt động của các doanh nghiệp FDI đã có nhiều đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam, thể hiện ở một số khía cạnh chính sau:

Thứ nhất, FDI cung cấp nguồn vốn quan trọng để cải thiện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tạo ra cú hích cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế cho đầu tư còn thấp.

Hình 2: Cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2010-2021
Hình 2: Cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2010-2021

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam: Tính đến ngày 20/12/2022, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2022 có 109 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 426,6 triệu USD, tăng 4,3% so với năm trước; có 26 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 107,4 triệu USD (năm 2021 điều chỉnh giảm 776 triệu USD). Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt gần 534 triệu USD (năm 2021 điều chỉnh giảm 367 triệu USD) so với năm trước. (Hình 2)

Thứ hai, FDI tạo công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam. Tính đến nay, cả nước có hơn 4 triệu lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI còn có sức lan tỏa và tạo ra nhiều việc làm gián tiếp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam. Thông qua làm việc tại các doanh nghiệp FDI, người lao động Việt Nam còn được các nhà đầu tư nước ngoài tiếp thu kiến thức kinh doanh, kỹ năng quản lý tiên tiến của nước ngoài, từ đó nâng cao năng lực của bản thân.

Thứ ba, doanh nghiệp FDI góp phần thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu lớn, chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tính đến nay.

Thứ tư, hoạt động FDI góp phần chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào Việt Nam. FDI là kênh chuyển giao công nghệ hiệu quả được nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển quan tâm và ban hành nhiều chính sách khuyến khích nhằm thực hiện mục tiêu tăng cường năng lực công nghệ quốc gia. Thông qua thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế, Việt Nam có cơ hội tiếp nhận công nghệ nguồn từ các nước phát triển. Nhiều ngành kinh tế của Việt Nam đã tiếp nhận và tiếp cận công nghệ hiện đại của thế giới như ngân hàng, bưu chính viễn thông, dầu khí, giao thông vận tải...

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả của dòng vốn đầu tư này.

Thứ nhất, quy mô dự án đầu tư còn nhỏ. Trong số hơn 27 nghìn dự án đầu tư, số dự án có vốn đầu tư dưới 5 triệu USD chiếm 76%; số dự án dưới 1 triệu USD chiếm 45%. Quy mô dự án nhỏ làm hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp FDI trong môi trường kinh doanh quốc tế.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động không tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp FDI lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự buông lỏng quản lý để không chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp FDI vi phạm các quy định về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, thuế... Hiện tượng chuyển giá ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ kém hiện đại so với công nghệ hiện có tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có xu hướng đầu tư vào các dự án sử dụng nhiều lao động, chưa tạo được tác động lan tỏa tích cực đến các doanh nghiệp trong nước hoạt động cùng lĩnh vực. Tỷ lệ nội địa hóa chưa cao.

Đề xuất giải pháp và khuyến nghị

Để nâng cao tác động của FDI và thương mại quốc tế đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, cúng tôi đề xuất một số khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách như sau:

Thứ nhất, các chính sách ưu đãi thu hút FDI cần được duy trì, thực hiện và phát triển hơn nữa. Việt Nam cần có nhiều chính sách ưu đãi, cạnh tranh quốc tế vượt trội để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.

Thứ hai, chính sách FDI cần chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm mục tiêu hàng đầu. Việt Nam cần có chính sách ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, sạch, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối toàn cầu giữa chuỗi sản xuất và cung ứng.

Thứ ba, cần tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ngoại thương. Việt Nam cần tiếp tục khẳng định và thực hiện chính sách tự do hóa thương mại thông qua việc tham gia tích cực và đầy đủ vào việc ký kết các cam kết thương mại quốc tế.

Thứ tư, kiên trì thực hiện chính sách phát triển kinh tế hướng vào xuất khẩu. Việt Nam cần tiếp tục xác định và đầu tư phát triển các mặt hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cao để đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ năm, cần đề cao lợi ích từ hoạt động xuất nhập khẩu. Việt Nam cần nâng cao giá trị gia tăng hàng xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu, tài nguyên, khoáng sản, kiểm soát chủng loại hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, chuyển từ nhập khẩu hàng tiêu dùng trong nước sản xuất được sang nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, công nghệ tiên tiến và hàng hóa trong nước không có sẵn hoặc sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Kết luận

Trong quá trình thu hút FDI, cần có những chính sách quản lý chặt chẽ hơn nữa để tận dụng những tác động tích cực và hạn chế những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế trong việc thu hút FDI; Cần khuyến khích thu hút các dự án FDI có khả năng tạo tác động lan tỏa, tạo ngoại ứng tích cực cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào các mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam cần hoàn thiện và áp dụng triệt để hơn nữa các quy định kỹ thuật, điều kiện tiên quyết về khoa học công nghệ hay tiêu chuẩn môi trường đối với các dự án FDI bên cạnh các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các dự án FDI mang theo những công nghệ xanh, sách, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú trọng hơn tới đánh giá tác động của các dự án FDI đến các hệ sinh thái tự nhiên, sức khỏe con người và các vấn đề xã hội khác. Đây là những vấn đề chưa được nêu trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam hiện nay.

Cần khẳng định rằng, sự hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế thông qua thu hút FDI không chỉ tạo ra những tác động về kinh tế, môi trường thiên nhiên, mà còn tác động tới môi trường văn hoá ở Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần có những chính sách quản lý phù hợp với các doanh nghiệp FDI để có thể tiếp nhận những văn hóa kinh doanh lành mạnh, tiến bộ, văn minh và hạn chế những tác động tiêu cực về văn hóa - xã hội đối với doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trong nước.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ali, N., & Hussain, H. (2017). Impact of Foreign Direct Investment on the Economic Growth of Pakistan. American Journal of Economics, 7(4), 163-170. DOI: 10.5923/j.economics.20170704.01.
  2. Marobhe, M. (2015). Do Foreign Direct Investment Inflows Cause Economic Growth in Tanzania? The Granger Causality Test Approach. Journal of Economics and Sustainable Development, 6(24), 144-150. Retrieved from https://iiste.org/Journals/index.php/JEDS/article/download/27 913/28630.
  3. Nantharath, P., & Kang, E. (2019). The Effects of Foreign Direct Investment and Economic Absorptive Capabilities on the Economic Growth of the Lao People‟s Democratic Republic. Journal of Asian Finance, Economics and Business, 6(3), 151-162. DOI: 10.13106/jafeb.2019.vol6.no3.151.
  4. Sokang, K. (2018). The Impact of Foreign Direct Investment on the Economic Growth in Cambodia: Empirical Evidence. International Journal of Innovation and Economic Development, 4(5), 31-38. DOI: 10.18775/ijied.1849-7551- 7020.2015.45.2003.
  5. Tổng cục Thống kê (2022), Số liệu thống kê, https://pxweb.gso.gov.vn/pxweb/vi/Đầu%20tư/Đầu%20tư/V04.01.px/table/tableViewLayout1/?rxid=233fabd8-1944-4ff7-95c7-d398784412b3.
Theo Tạp chí Công Thương