Tác động của giao dịch bất động sản không qua sàn
(Taichinh) - Hiện nay, đang có nhiều ý kiến đa chiều xoay quanh việc quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện qua sàn giao dịch sẽ được bãi bỏ khi Luật kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây. Thay vào đó, Luật chỉ quy định nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản để bảo đảm công khai, minh bạch và quyền lợi của các bên.
Mang lại nhiều lợi ích
Trước tiên, việc bãi bỏ quy định giao dịch bất động sản phải thực hiện qua sàn sẽ là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ một cuộc thanh lọc các sàn giao dịch yếu kém và thiếu chuyên nghiệp. Theo báo cáo từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến cuối năm 2014, cả nước có trên 1.000 sàn giao dịch bất động sản và khoảng 30.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá bất động sản nhưng số sàn hoạt đông có hiệu quả lại rất ít. Do vậy, quy định giao dịch địa ốc không phải qua sàn sẽ loại bỏ được tình trạng trên.
Từ đó, khách hàng sẽ được chủ động lựa chọn giao dịch nhà đất trực tiếp với chủ đầu tư hay là thông qua các kênh môi giới. Các sàn giao dịch cũng như các đơn vị môi giới cũng sẽ phải nỗ lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, uy tín thương hiệu, hành nghề một cách chuyên nghiệp để có thể thu hút được khách hàng và tiếp tục tồn tại, phát triển.
Cũng từ phương diện của khách hàng, giao dịch bất động sản không phải qua sàn sẽ giúp họ không mất thời gian phải tìm hiểu dự án qua thông qua kênh trung gian là các sàn địa ốc mà có thể tiếp cận trực tiếp chủ đầu tư. Như vậy, khách hàng sẽ giảm thiểu được chi phí cũng như nắm bắt được thông tin dự án một cách chính xác hơn.
Quy định này cũng sẽ giúp cả người mua và người bán tiết giảm được nhiều thủ tục, chủ đầu tư sẽ đơn giản hoá thủ tục, quy trình trong bán hàng và xin cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho khách hàng. Nhờ đó quy trình mua bán, sang nhượng sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.
Cũng có nhiều băn khoăn
Thuận tiện và những lợi ích mà quy định bãi bỏ việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn là không thể phủ nhận. Nhưng cũng có không ít những băn khoăn, lo ngại đối với thị trường địa ốc khi quy định này có hiệu lực. Liệu thị trường có quay trở về thời kỳ mua bán nhà đất tự do, cò đất lộng hành, rất khó kiểm soát và quản lý như trước đây hay không?
Việc thanh lọc và loại bỏ các sàn giao dịch yếu kém cũng sẽ không phát huy tác dụng với những sàn giao dịch năng động, nhanh chóng chuyển từ sàn sang công ty môi giới. Như vậy, họ vừa là những nhà đầu tư thứ cấp, mua lại dự án vừa có thể là chủ đầu tư dự án thì họ lại sống “khỏe” hơn.
Thậm chí, một số chủ đầu tư có thể đưa ra thị trường những sản phẩm nhập nhèm về điều kiện bán hàng hoặc thiếu các thủ tục pháp lý. Khi đó, khách hàng lại gặp phải những khó khăn trong việc thẩm định dự án mình muốn mua. Bởi trước đó, việc kiểm tra tính pháp lý của sản phẩm và dự án hầu hết đều do các sàn giao dịch thực hiện. Vì vậy, những tranh chấp trong quá trình giao dịch trực tiếp giữa người bán và người mua rất có thể bùng phát.
Lo ngại cho các chủ đầu tư, TS. Trần Đức Diễn, Giám đốc sàn bất động sản Maxland cho hay, để chủ đầu tư tự bán hàng thì họ phải biết làm hài lòng ý khách hàng. Tuy nhiên, cái khó là hầu hết các chủ đầu tư chỉ chú trọng phát triển, xây dựng dự án và rất ít kinh nghiệm trong quá trình bán hàng.