Tác động của nguồn nhân lực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Mục tiêu của bài viết nghiên cứu sự tác động của yếu tố nguồn nhân lực lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân phối trễ tự hồi quy ARDL và sử dụng phần mềm Eviews để xử lý số liệu trên cơ sở dữ liệu được thu thập qua các nguồn: Tổng cục Thống kê, các báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, số người trong độ tuổi lao động tăng lên không làm tăng trưởng GDP tăng lên mà còn kéo tốc độ tăng trưởng GDP xuống. Yếu tố tuổi thọ và yếu tố giáo dục có tác động thuận chiều lên tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Cuối cùng bài viết đề xuất các khuyến nghị về nguồn nhân lực nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững.
Trong thời đại ngày nay khi vai trò của nguồn nhân lực đang ngày càng được thừa nhận là một yếu tố quan trọng bên cạnh vốn và công nghệ tác động đến tăng trưởng kinh tế thì một trong những yêu cầu để hòa nhập vào nền kinh tế khu vực cũng như thế giới là phải có được nguồn nhân lực có đủ sức đáp ứng những yêu cầu của trình độ phát triển của khu vực, thế giới.
Vai trò của nguồn nhân lực đối với tăng trưởng kinh tế đã được ghi nhận trong các lý thuyết về tăng trưởng nội sinh. Romer (1986), Lucas (1988), Squire (1993), Schultz (1999), Bassanini & Scarpetta (2001) đã xác định nguồn nhân lực trở thành yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Nghiên cứu này nhằm đóng góp bằng chứng thực nghiệm về tác động của nguồn nhân lực đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
Cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước đây
Cơ sở lý thuyết
Nguồn nhân lực là tổng thể các tiềm năng, năng lực, khả năng của mỗi cá nhân, của mỗi cộng đồng và toàn xã hội đã tạo ra sự phát triển cho xã hội được thể hiện qua các yếu tố như giáo dục, chuyên môn, kỹ năng lao động, mức sống, sức khỏe, tư tưởng tình cảm. Trong các yếu tố đó thì hai nhân tố quan trọng và bao quát nhất là giáo dục và sức khỏe.
Sức khỏe là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế, một trong những chìa khóa đối với yếu tố quyết định hiệu quả kinh tế cả ở cấp vi mô và vĩ mô. Điều này cũng xuất phát từ các nghiên cứu của Blomm & Canning (2003), Grossman (1972) cho rằng sức khỏe là một thành phần trực tiếp của đời sống con người và là một hình thức làm tăng sự phát triển cá nhân cũng như phát triển xã hội.
Theo lập luận của Shultz (1992) cho rằng chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định tới năng suất lao động và cũng nhấn mạnh vào giá trị của sự đầu tư giáo dục và y tế. Bên cạnh yếu tố về sức khỏe, thì giáo dục cũng đã được nhắc tới trong việc đánh giá sự phát triển của nền kinh tế. Các nghiên cứu của Shultz (1961), Denis (1962) đã chỉ ra rằng nền kinh tế phụ thuộc vào giáo dục.
Từ giữa thế kỷ XX, các nhà khoa học bắt đầu đưa yếu tố con người vào mô hình tăng trưởng. Vai trò của chi tiêu cho giáo dục và y tế đã góp phần cải thiện nguồn nhân lực, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là những vấn đề trọng tâm của lý thuyết tăng trưởng nội sinh.
Các nghiên cứu trước đây
Isola và Alani (2005) đã nghiên cứu về tác động của nguồn nhân lực lên tăng trưởng kinh tế tại Nigeria, dựa trên các yếu tố về sức khỏe và giáo dục: Số người lớn biết chữ, tuổi thọ bình quân, nguồn vốn đầu tư, tăng trưởng người lao động, và biến phụ thuộc là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế GDP giai đoạn 1982 đến 2005 đã chỉ ra chỉ có yếu tố số người lớn biết chữ có tác động tới tăng trưởng kinh tế ở mức ý nghĩa 5%.
Tác động của số người biết chữ mang dấu (+) cho thấy việc càng nhiều người biết chữ sẽ làm cho tăng sự phát triển kinh tế. Trong khi đó ở mức ý nghĩa 10% có thêm yếu tố tuổi thọ trung bình và nguồn vốn đầu tư có tác động tới tăng trưởng kinh tế. Điều này cho thấy tuổi thọ và nguồn vốn đầu tư có tác động yếu hơn so với tác động của số người lớn biết chữ.
Nghiên cứu của Hanushek (2013) đã chỉ ra các nhân tố số người lớn biết chữ và tuổi thọ bình quân đều có tác động lên thu nhập bình quân của các nước châu Mỹ La tinh, châu Phi, Nam Á và Trung Đông ở mức ý nghĩa 5%.
Hanushek and Woessmann (2012) đã nghiên cứu với kỹ năng nhận thức và số năm đi học để đánh giá nguồn lực con người lên tăng trưởng kinh tế. Kết quả cho thấy chỉ có yếu tố số năm đi học trung bình có tác động lên tăng trưởng kinh tế.
Mô hình và phương pháp nghiên cứu
Mô hình nghiên cứu
Tác giả kế thừa nghiên cứu của Isola và Alani (2005) để xây dựng mô hình nghiên cứu tác động của nguồn nhân lực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam có dạng như sau:
GDP = β0+ β1*LR + β2*LE+ β3*GRL
Trong đó:
Biến phụ thuộc:
GDP: Tăng trưởng kinh tế
Biến độc lập:
LR: Số người lớn biết chữ. Số lượng người lớn biết chữ đánh giá sự đầu tư phát triển con người về mặt giáo dục. Số lượng người lớn biết chữ càng lớn dẫn tới khả năng tiếp cận với sự phát triển chung của toàn cầu càng cao, tiến gần tới sự phát triển toàn diện con người và là yếu tố cần thiết để phát triển nền kinh tế.
LE: Tuổi thọ trung bình. Tuổi thọ trung bình là nhân tố đánh giá về sức khỏe của con người, con người có tuổi thọ trung bình tăng cho thấy sự đầu tư về mặt y tế làm cho sức khỏe được tăng cường. Người dân dành nhiều thời gian hơn trong việc rèn luyện sức khỏe để phục vụ công việc, hệ thống y tế được hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Với sự tự rèn luyện và hệ thống y tế tốt sẽ làm cho nền kinh tế phát triển hơn do năng suất lao động tăng lên khi công việc được đảm bảo về sức khỏe.
GRL: Tăng trưởng lao động. Lực lượng lao động là nhân tố để thực hiện các công việc xây dựng và phát triển đất nước. Với lực lượng lao động tăng cao sẽ là nguồn lao động tốt cho các công việc phát triển đất nước. Tuy nhiên, với tốc độ tăng lao động lớn khi cung về nhân lực chưa đáp ứng đủ sẽ tạo ra gánh nặng về mặt nhân sự, tỷ lệ thất nghiệp có thể từ đó mà tăng lên. Do vậy, với mức độ tăng trưởng lao động hợp lý sẽ làm cho nền kinh tế phát triển tốt và không phải chịu thêm các áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động.
β0 : Hệ số tự do - Nó chính bằng giá trị trung bình của biến phụ thuộc GDP khi biến độc lập nhận giá trị bằng 0.
β1; β2; β3; β4 : Các tham số chưa biết của mô hình.
Kỳ vọng dấu các biến được mô tả như sau: (Bảng 1)
Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
Bài viết đã sử dụng các dữ liệu thứ cấp để phục vụ cho quá trình nghiên cứu; các dữ liệu thứ cấp được thu thập qua các nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam, các bảng báo cáo của Chính phủ, Bộ ngành liên quan, từ năm 1990 đến 2013.
Dữ liệu được tiến hành xử lý sơ bộ thông qua các biện pháp sau: Phân loại dữ liệu thu thập; nhập liệu vào phần mềm ứng dụng theo mẫu; tính toán các chỉ tiêu cần nghiên cứu; mã hóa các thông tin định tính như thông tin về các đột biến trong các năm nghiên cứu nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu; trong phần ước lượng mô hình để tìm ra mô hình tối ưu cuối cùng, tác giả thực hiện các kiểm định: Kiểm định thừa biến, kiểm định phương sai sai số thay đổi, kiểm định tự tương quan, kiểm định sai dạng hàm và kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến có thể gặp phải trong quá trình ước lượng mô hình nghiên cứu.
Số liệu được phân tích bằng phương pháp phân phối trễ tự hồi quy ARDL (AutoRegressive Distributed Lag model) và sử dụng phần mềm Eviews để xử lý số liệu và các bước hồi quy.
Kết quả nghiên cứu
Trong giai đoạn 1990 – 2013, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình là 6,83%, trong đó cao nhất là 9,54% vào năm 1995 và thấp nhất là 4,77% vào năm 1999; Số người trong độ tuổi lao động trung bình là 77,7%, trong đó cao nhất là 79,2% vào năm 1990 và thấp nhất là 76,6% năm 2009; Tuổi thọ trung bình của người dân là 73,6 tuổi; Tỷ lệ phần trăm người lớn biết chữ trung bình là 89,9%. (Bảng 2)
Phương trình hồi quy đưa ra:
GDP = -7.70547 - 7.1684*D2GRL + 252.099*DLE + 0.121212179487*LR + 0.6267*GDP(-1) - 0.4329*GDP(-2) - 478.790*DLE(-1) + 237.727*DLE(-2)
Kết quả cho thấy, yếu tố tăng trưởng lao động có tác động tức thời và ngược chiều lên tăng trưởng GDP; khi tỷ lệ lao động càng tăng lên thì tỷ lệ GDP lại có xu thế giảm. Yếu tố tuổi thọ có tác động kéo dài lên tăng trưởng GDP, trong đó tuổi thọ có tác động tức thời và cùng chiều lên tăng trưởng GDP ở độ trễ 2, tuy nhiên ở độ trễ 1 tuổi thọ có tác động ngược chiều lên tăng trưởng GDP. Yếu tố tỷ lệ người lớn biết chữ có tác động tức thời và cùng chiều lên tăng trưởng GDP.
Kết luận và hàm ý chính sách
Như vậy, các yếu tố nguồn nhân lực tác động lên sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 1990 – 2013 là:
- Tỷ lệ người lao động có tác động ngược chiều lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Điều này cho thấy việc tăng trưởng lao động cũng như dân số đang là một sức ép lên nền kinh tế.
- Tuổi thọ có tác động tức thời lên tăng trưởng kinh tế. Điều này cho thấy, việc nâng cao tuổi thọ sẽ trực tiếp tác động ngay lên tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên tuổi thọ có tác động ngược chiều lên tăng trưởng GDP cho thấy nếu việc phát triển kinh tế không tương xứng với lượng lao động thì tuổi thọ nâng cao cũng sẽ là một sức ép lên nền kinh tế khi mà tỷ lệ người phụ thuộc cũng từ đó mà tăng cao.
- Yếu tố giáo dục được đánh giá qua chỉ số số người lớn biết chữ cũng có tác động tích cực và tức thời lên tăng trưởng kinh tế. Điều này đã khẳng định thêm việc nâng cao tri thức nhằm phát triển con người và phát triển kinh tế.
Kết quả nghiên cứu của tác giả giống với nghiên cứu của Isola và Alani (2005) thực hiện tại Nigeria khi đưa các tác động tích cực (+) của yếu tố tuổi thọ, số người lớn biết chữ. Yếu tố về số người lao động cũng có tác động ngược chiều lên tăng trưởng kinh tế, cho thấy tại hai quốc gia Việc Nam và Nigeria cũng đang gặp khó khăn về vấn đề giải quyết việc làm khi dân số tăng cao trong khi tăng trưởng kinh tế chưa đáp ứng đủ nhu cầu việc làm của người dân.
Để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:
- Đối với vấn đề dân số: Cần phải duy trì mức sinh hợp lý, đồng thời giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng (hiện ở mức 113,8 bé trai trên 100 bé gái). Để giải quyết thực trạng này, ngành dân số tập trung tăng cường truyền thông giáo dục, vận động để người dân thay đổi nhận thức, đồng thời cần có các chính sách ưu tiên nữ giới, những gia đình sinh con một bé là con gái; tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh.
- Về giáo dục cần đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục nhằm nâng cao trình độ học vấn của người dân. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường đào tạo nghề để tạo ra nguồn lao động đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp sau này. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách khuyến học cho các học sinh để tạo động lực cho học sinh cũng như gia đình cho con em đi học để nâng cao trình độ học vấn của người dân.
- Tuổi thọ là nhân tố đại diện cho chất lượng cuộc sống cũng như hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe của xã hội, do vậy cần thực hiện tốt chế độ lương hưu, hệ thống chăm sóc sức khỏe cần được nâng cao hơn nữa nhằm đem lại sức khỏe tốt để người dân làm việc cống hiến cho đất nước một cách tối ưu nhất. Ngoài ra, với tuổi thọ trung bình nâng cao (73 tuổi) trong khi khoảng cách tới độ tuổi nghỉ hưu là khá xa (nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi), do vậy đối với cá nhân sau khi hết độ tuổi lao động để tạo ra nguồn lực đóng góp tối đa cho tăng trưởng kinh tế cũng cần đẩy mạnh các việc làm cho người sau khi nghỉ hưu nhưng vẫn có nhu cầu làm việc cống hiến cho xã hội.
Tài liệu tham khảo
1. Asola, W. A., and Anali, R. A. (2005). Human Capital Development and Economic Growth: Empirical Evidence froem Negeria. Asian Economic and Financial Review, 2(7), 813-827;
2. Bassanini, A., & Scarpetta S. (2001). Does human capital matter for growth in OECD countries? Evidence from pooled mean-group estimates (OECD Economics Department Working Paper No.282). Pari: OECD;
3. Hanushek, E. (2013). Economic Growth in Developing Countries: The Role of Human Capital, Stanford University;
4. Schultz, T. P. (1992). The Role of Education and Human Capital in Economic Development: An Empirical Assessment. Yale Economic Growth Center Discussion Papers Series, 670.