Vai trò của báo cáo phát triển bền vững với doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hội nhập

NCS. Phạm Thị Minh Hồng - Viện Kế toán - Kiểm toán, Đại học Kinh tế Quốc dân

Báo cáo phát triển bền vững được coi là công cụ đo đếm, công bố, giải trình và cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các bên có liên quan về hoạt động phát triển bền vững. Dù rất phổ biến trên toàn thế giới, song báo cáo phát triển bền vững vẫn còn tương đối mới mẻ đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Mới đây, Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán công bố thông tin về phát triển bền vững.

Tập đoàn Bảo Việt là một trong những đơn vị tiên phong trong lập báo cáo phát triển bền vững. Nguồn: Internet.
Tập đoàn Bảo Việt là một trong những đơn vị tiên phong trong lập báo cáo phát triển bền vững. Nguồn: Internet.

Thực tiễn áp dụng Báo cáo phát triển bền vững

Thống kê cho thấy trong năm 2014 đã có trên 600 doanh nghiệp (DN) từ 65 quốc gia tham gia lập báo cáo phát triển bền vững. Trong đó, các nước có số DN tham gia lập báo cáo bền vững nhiều nhất là Australia, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Mỹ. Có trên 30 quốc gia đưa ra quy định pháp lý về báo cáo bền vững, trong đó 65% là quy định mang tính bắt buộc.

Báo cáo Trách nhiệm xã hội DN toàn cầu năm 2013 của Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hợp quốc đã khảo sát và cho kết quả: 96% Giám đốc điều hành cho rằng những vấn đề bền vững phải được lồng ghép đầy đủ vào trong chiến lược và các hoạt động của công ty; 93% Giám đốc điều hành cho rằng những vấn đề bền vững sẽ là then chốt đối với sự thành công của DN trong tương lai; 88% Giám đốc điều hành cho rằng, nên lồng ghép vấn đề bền vững vào chuỗi cung ứng của DN.

Về cách trình bày báo cáo bền vững, kết quả khảo sát của Hội đồng DN vì sự Phát triển Bền vững Thế giới cho thấy: 80% các thành viên lập báo cáo bền vững theo một báo cáo riêng biệt, nghĩa là toàn bộ nguồn thông tin về các vấn đề bền vững được trình bày riêng biệt, không chung với bất cứ một báo cáo nào cả; số ít DN đưa báo cáo bền vững vào trong Báo cáo lồng ghép hoặc Báo cáo tích hợp; gần 75% báo cáo bền vững được lập theo hướng dẫn của Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI).

Tại Việt Nam, nhiều DN, tập đoàn đã tiên phong trong lập báo cáo phát triển bền vững ngay từ khi chưa có quy định pháp lý yêu cầu bắt buộc lập báo cáo bền vững như Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD), Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam, Công ty cổ phần Vicostone, Tổng công ty POSCO E&C…

Bên cạnh đó, dù chưa có quy định pháp lý nhưng từ năm 2013, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên do Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX), Báo Đầu tư và Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cũng đã phối hợp tổ chức đưa Giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững vào khuôn khổ của Cuộc bình chọn, nhằm hướng các DN quan tâm, tìm hiểu và lập báo cáo bền vững.

Qua đó, các DN được vinh danh trong Giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững đã nhận được sự khích lệ của cộng đồng và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư. Những báo cáo phát triển bền vững được giải thưởng trở thành nguồn tài liệu minh họa quý giá để các DN khác học hỏi lập báo cáo phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, văn bản pháp lý đầu tiên yêu cầu công bố thông tin về phát triển bền vững của các DN niêm yết là Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 6/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Thông tư này quy định rõ: Báo cáo tác động đến môi trường và xã hội của công ty, công ty đại chúng phải báo cáo các nội dung liên quan tới phát triển bền vững bao gồm: quản lý nguồn nguyên liệu, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, chính sách liên quan đến người lao động, báo cáo liên quan đến trách nhiệm với cộng đồng địa phương, báo cáo liên quan đến thị trường vốn xanh.

Công ty có thể lập riêng báo cáo phát triển bền vững hoặc trình bày tích hợp trong Báo cáo thường niên. Thông tư số 155/2015/TT-BTC chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, do đó các công ty đại chúng phải công bố báo cáo bền vững của năm 2015.

Thông qua việc tổng kết tình hình công bố báo cáo phát triển bền vững năm 2015 của các DN niêm yết thuộc rổ VN30 của HSX, tác giả cho rằng, các DN dẫn đầu trong việc cung cấp báo cáo phát triển bền vững có chất lượng bao gồm: Tập đoàn Bảo Việt, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Vingroup...Đặc biệt, Tập đoàn Bảo Việt đã tiên phong trong việc thực hiện bảo đảm báo cáo phát triển bền vững được kiểm toán độc lập bởi Công ty TNHH PricewaterhouseCoopers (PwC) Việt Nam.

Các chỉ tiêu được lựa chọn đảm bảo nằm trong các lĩnh vực trọng yếu Tập đoàn Bảo Việt ưu tiên thực hiện trong năm 2015 đó là: Đóng góp gián tiếp về kinh tế (G4-EC6); Trách nhiệm của nhà cung cấp (G4-EN32; G4-LA14); Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (G4-LA9); Đầu tư cho hoạt động cộng đồng (G4-SO1) và các kiểm soát về tiêu thụ năng lượng (G4-EN3).

Bên cạnh việc minh bạch hóa thông tin tài chính, Tập đoàn Bảo Việt đã nỗ lực minh bạch hóa thông tin phi tài chính nhằm cung cấp cho nhà đầu tư và các bên liên quan góc nhìn tổng thể, bao quát mang tính chiến lược về toàn bộ hoạt động của DN phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, với vai trò là người tiên phong, đi đầu trong thực hành báo cáo và thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam, Bảo Việt đã nhiều lần đồng hành và đóng góp tích cực trong các hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm theo các chương trình của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD). Bảo Việt cũng là một trong những DN đầu tiên được cấp chứng chỉ của Tổ chức Sáng kiến GRI về thực hành Báo cáo Phát triển bền vững.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk (VNM) đã lập báo cáo bền vững riêng biệt với Báo cáo Thường niên. Báo cáo Phát triển bền vững được lập theo Hướng dẫn lập Báo cáo Phát triển bền vững GRI, Hướng dẫn số 4 về lĩnh vực sản xuất thực phẩm đồng thời tham khảo Hướng dẫn lập Báo cáo phát triển bền vững do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Tổ chức IFC phát hành.

Dữ liệu và thông tin trình bày trong báo cáo bao gồm tình hình hoạt động và thành tựu đạt được trong năm 2015; định hướng phát triển bền vững trong các năm tới; cam kết của Vinamilk đối với các bên liên quan, trong đó, cam kết trình bày thông tin chính xác nhất và đáng tin cậy nhất đối với các bên liên quan và với công chúng.

Đối với Công ty cổ phần FPT, DN này đã đưa phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh, Báo cáo phát triển bền vững của Công ty này được trình bày tích hợp trong Báo cáo thường niên. Thông điệp phát triển bền vững của FPT đó là “DN chỉ có thể phát triển bền vững, đảm bảo được lợi ích cao nhất cho các bên liên quan khi đạt được các mục tiêu tăng trưởng vững chắc về doanh thu, lợi nhuận gắn liền với sự phát triển chung của nền kinh tế, xã hội và môi trường”.

Báo cáo phát triển bền vững của FPT được xây dựng theo khung GRI phiên bản G4 theo lựa chọn cốt lõi. Dựa trên tầm nhìn, định hướng chiến lược kinh doanh của công ty, Báo cáo phát triển bền vững đã trình bày những tác động của FPT tới kinh tế - xã hội và môi trường. FPT cũng nêu rõ định hướng chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2015-2018 với mô hình 3P (Profit, People, Planet).

Các giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu lợi nhuận, phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ cộng đồng, bảo vệ môi trường cũng được mô tả chi tiết trong Báo cáo phát triển bền vững này...

Nghiên cứu của tác giả về tình hình lập báo cáo phát triển bền vững của các DN thuộc rổ VN30 cũng cho thấy: Đầu tháng 6/2016 đã có 15/30 DN công bố báo cáo phát triển bền vững của năm 2015 trên website. Trong đó, có 5 DN đã lập Báo cáo phát triển bền vững theo khung hướng dẫn của GRI. Tuy nhiên, một số DN lập Báo cáo phát triển bền vững còn sơ sài.

Số DN không lập Báo cáo phát triển bền vững hoặc chưa công bố báo cáo bền vững trên website chiếm một nửa số DN thuộc rổ VN30 (15/30 DN). Trong đó có 1 DN đã có truyển thống lập và công bố báo cáo bền vững từ khi chưa có qui định pháp lý nhưng trên website chưa có báo cáo bền vững năm 2015.

Kết luận và khuyến nghị

Trong hoạt động của mình, các DN luôn tìm cách khai thác các nguồn lực để đạt được mục tiêu lợi nhuận, do đó khó tránh khỏi làm tổn hại đến môi trường, cạn kiệt dần tài nguyên, phá hủy tầng ozone… Thực tế cho thấy, các bên liên quan như nhà quản lý, cổ đông, nhà đầu tư tiềm năng luôn muốn có thông tin về nỗ lực của DN trong phát triển bền vững.

Báo cáo phát triển bền vững được coi là công cụ để đo lường, ghi nhận và công bố các mục tiêu, trách nhiệm của DN hướng tới phát triển bền vững. Bởi bên cạnh những thông tin về tài chính, thông tin về hoạt động của DN trên khía cạnh môi trường, xã hội ngày càng được quan tâm. Báo cáo phát triển bền vững là một công cụ mới, giúp DN tổ chức và công bố thông tin về hoạt động mang tính bền vững theo cách tương tự như báo cáo tài chính.

Báo cáo bền vững có vai trò quan trọng đối với các bên có liên quan và chính nội bộ DN. Thông qua việc báo cáo công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và nỗ lực của mình trong các hoạt động cụ thể nhằm phát triển bền vững, DN củng cố lòng tin của các bên có liên quan, làm gia tăng uy tín, thương hiệu của DN.

Ngày nay, các bên liên quan luôn quan tâm tới các hoạt động mang tính bền vững mang lại lợi ích như thế nào cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của DN. Đối với nội bộ DN, quá trình xác định các khía cạnh phát triển bền vững và lập báo cáo bền vững giúp DN cân nhắc lợi ích của các bên có liên quan, nhận biết các rủi ro và cơ hội kinh doanh, từ đó chuẩn bị cho xu thế phát triển mới, phân cấp trách nhiệm và cải tiến hệ thống quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Khung báo cáo phát triển bền vững phổ biến nhất trên thế giới được xây dựng bởi Sáng kiến GRI. Báo cáo phát triển bền vững theo Sáng kiến GRI được coi là hữu ích nhất vì được sử dụng và công nhận một cách rộng rãi. Khung GRI đề cập đến các vấn đề cốt lõi của phát triển bền vững bao gồm tác động tới kinh tế, xã hội và môi trường với hướng dẫn kỹ thuật về cách thức đo lường và báo cáo các vấn đề này.

Hiện nay, việc công bố báo cáo phát triển bền vững đang trở thành thông lệ quốc tế. Báo cáo phát triển bền vững không chỉ giúp các DN củng cố tăng cường mối hợp tác với các bên liên quan, với nhà đầu tư và cộng đồng mà còn giúp các DN tăng cường quản lý rủi ro kinh doanh, nâng cao khả năng thích nghi trong môi trường thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy, đã có minh chứng xác thực về mối tương quan giữa phát triển bền vững và hiệu quả hoạt động và mức lợi nhuận thu được của DN. Việc thiếu thông tin về phát triển bền vững có thể làm mất cơ hội hợp tác kinh doanh, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư có trách nhiệm với phát triển bền vững. Báo cáo bền vững là một điều kiện cần để các DN tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, báo cáo phát triển bền vững là một sản phẩm báo cáo phi tài chính hữu ích. Nhưng phải thừa nhận một thực tế rằng, quá trình lập báo cáo bền vững còn quá mới mẻ, tương đối lạ lẫm đối với nhiều DN Việt Nam. Để báo cáo bền vững trở thành phổ biến, có chất lượng trước hết các DN cần nhận thức được vai trò quan trọng của quá trình phát triển bền vững và báo cáo bền vững.

Chỉ khi DN đảm bảo phát triển bền vững về môi trường, xã hội thì mục tiêu lợi nhuận của DN mới ổn định và phát triển. Thực tế tại DN Việt Nam thời gian qua cũng cho thấy, đa số các DN rất cần có hướng dẫn, tư vấn cụ thể hơn về nội dung và cách lập báo cáo bền vững. Theo tác giả, hướng dẫn lập báo cáo bền vững cho các DN Việt Nam nên dựa theo khung báo cáo bền vững của Sáng kiến GRI.

Bên cạnh đó, báo cáo phát triển bền vững của các DN có truyền thống quản trị tốt như Vinamilk, Tập đoàn Bảo Việt cũng là các ví dụ minh họa có giá trị cho các DN khác học hỏi. Việc cải thiện quá trình lập báo cáo bền vững sẽ mang lại lợi ích không những cho các bên có liên quan mà còn cho chính DN, cho cả nền kinh tế, cộng đồng và môi trường.

Tài liệu tham khảo:

1. Hội đồng DN vì sự Phát triển bền vững Việt Nam, 2014, Hiện trạng và xu hướng sử dụng Báo cáo bền vững tại Việt Nam và trên thế giới;

2. Hội đồng DN vì sự Phát triển bền vững Thế giới phối hợp với Radley Yeldar, 2014, Cải thiện hiệu quả của công tác Báo cáo bền vững;

3. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), Hướng dẫn báo cáo phát triển bền vững;

4. Bộ Tài chính, 2015, Thông tư số 155/2015/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán;

5. Website của các DN niêm yết thuộc nhóm VN30 Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và các DN khác;

6. Tập đoàn Bảo Việt, Báo cáo Phát triển bền vững năm 2013-2015;

7. Accounting for Business Sustainability: An Overview, truy cập từ ssrn.com ngày 30/5/2016;

8. David ent và Julie Richardson, 2003, SIGMA Guidelines Toolkit - Sustainability Accounting Guide, The SIGMA Project.

9. Accounting for Business Sustainability: An Overview, truy cập từ http://ssrn.com ngày 30/5/2016.