Tác động của vốn chủ sở hữu đến rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại việt nam

TS. Nguyễn Thị Tuyết Nga

Bài viết đánh giá tác động của vốn chủ sở hữu đến rủi ro tín dụng tại hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2008-2015. Những khuyến nghị được đưa ra cho các nhà quản trị, hoạch định chính sách nhằm quản trị vốn chủ sở hữu tốt hơn, giảm thiểu chi phí, rủi ro tín dụng, đồng thời đảm bảo tính thanh khoản, góp phần gia tăng lợi nhuận và phát triển quy mô ngân hàng thương mại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng quan lý thuyết và thực nghiệm

Berger và cộng sự (2013) nghiên cứu thực nghiệm trên 42 ngân hàng tại châu Á cho kết quả, vốn chủ sở hữu tác động ngược chiều đến rủi ro tín dụng thông qua biến tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng.

Theo Shrieves & Dahl (1992); Jacques & Nigro (1997), mối quan hệ giữa vốn và rủi ro tín dụng là cùng chiều, nghĩa là khi rủi ro gia tăng thì vốn ngân hàng cũng gia tăng, là do công tác giám sát hiệu quả của thị trường. Shrieves & Dahl (1992) cũng thông qua dữ liệu của Mỹ và đạt được kết quả giữa 2 yếu tố là cùng chiều. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Vinh & Lê Phan Thị Diệu Thảo (2015), vốn ngân hàng có tác động ngược chiều với rủi ro tín dụng.

Tác động của vốn chủ sở hữu đến rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại việt nam - Ảnh 1

Mô hình nghiên cứu

Các nghiên cứu thực nghiệm trước cho thấy, tỷ lệ vốn chủ sở hữu có tác động đến rủi ro tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, các nghiên cứu này cũng cho rằng, rủi ro tín dụng còn chịu sự tác động của các biến kiểm soát:

Tỷ lệ dư nợ cho vay trên vốn huy động, quy mô ngân hàng (logarit của tổng tài sản), tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát. Căn cứ vào các nghiên cứu trước của nghiên cứu Nguyễn Thị Hồng Vinh & Lê Phan Thị Diệu Thảo (2015), tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu dự kiến có phương trình như sau:

LLRi,t = β0 + β1 LLRi,t-1 + β2 CAPi,t + β3 CAPi,t2 + β4 LTDi,t + β5 SIZEGDPi,t + β6 INFt + εi,t

Tác động của vốn chủ sở hữu đến rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại việt nam - Ảnh 2

Mô hình nghiên cứu có một số điều chỉnh so với những nghiên cứu trước để tạo tính mới, cụ thể như:

- Biến quy mô ngân hàng (SIZEGDPi,t) được tính bằng cách lấy tài sản chia cho tốc độ tăng trưởng GDP. Cách tính này phản ánh rõ quy mô thực tế của ngân hàng khi nền kinh tế thay đổi.

- Biến tỷ lệ vốn chủ sở hữu bình phương (CAPi,t2): Kỳ vọng rằng, tỷ lệ vốn và rủi ro tín dụng liên tục tăng (hoặc giảm) sẽ có tồn tại điểm cực trị.

Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu

Dựa vào kết quả các nghiên cứu trước, bài viết phân tích định lượng để tìm ra tác động của vốn chủ sở hữu đến rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Đồng thời, sử dụng phương pháp ước lượng Moment tổng quát (GMM) để khắc phục hiện tượng tự tương quan giữa các sai số nhằm đảm bảo ước lượng thu được vững và hiệu quả, đưa ra kết quả nhất quán và chính xác hơn.

Dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ các báo cáo tài chính đã kiểm toán được công bố trên website của 22 NHTM tại Việt Nam và dữ liệu được thu thập từ website của Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong giai đoạn 2008-2015. Sau đó, tác giả tính toán các biến dựa trên số liệu thu thập được.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Thống kê mô tả

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 22 NHTM trong giai đoạn 2008-2015 với các biến số được mô tả theo bảng 2.

Kiểm định giả thuyết nghiên cứu

Kiểm định White cho thấy, mô hình nghiên cứu có hiện tượng phương sai của sai số thay đổi với mức ý nghĩa 5%. Kiểm định Wooldridge cho thấy, mô hình nghiên cứu có hiện tượng tự tương quan với mức ý nghĩa 1%.

Kết quả hồi quy và thảo luận

Căn cứ vào kết quả kiểm định ở trên, ta thấy mô hình có sự tự tương quan giữa các sai số và hiện tượng phương sai thay đổi. Ngoài ra, vì mô hình nghiên cứu sử dụng biến trễ của biến phụ thuộc (LLRi,t-1) làm biến độc lập nên theo Richard Blundell & Stephen Bond (1998), nghiên cứu thuộc dạng mô hình với số liệu dạng bảng động và với biến trễ của biến phụ thuộc (LLRi,t-1) có khả năng là biến nội sinh.

Cũng theo Richard Blundell & Stephen Bond (1998) và Lê Thị Lanh & Lâm Ngọc Thiên Lý (2016), nên sử dụng phương pháp GMM để khắc phục hiện tượng tự tương quan giữa các sai số, hiện tượng phương sai thay đổi và hiện tượng biến nội sinh để đảm bảo ước lượng thu được vững và hiệu quả.

Với biến phụ thuộc là LLRi,t, sau khi sử dụng phương pháp GMM để khắc phục hiện tượng nội sinh, phương sai thay đổi và tự tương quan, mô hình có ý nghĩa ở mức ý nghĩa 1% (do Chi2 = 0,0000) nên kết quả mô hình phù hợp và có thể sử dụng được. Biến nội sinh là (CAPi,t, LTDi,t, SIZEGDPi,t), biến công cụ sử dụng là các biến trễ của biến này.

Kiểm định AR(2) có mức ý nghĩa là 0.337 > 10% nên mô hình không có hiện tượng tự tương quan.

Kiểm định Sargan test có mức ý nghĩa là 0.631 nên các biến công cụ được sử dụng trong mô hình là phù hợp. Ngoài ra, mô hình có số lượng biến công cụ (20) nhỏ hơn số lượng các nhóm (22) nên đảm bảo tính vững.

Vậy, kết quả mô hình nghiên cứu có phương trình như sau:

LLRi,t = 0.0086296 + 0.3845545 LLRi,t-1 - 0.081614 CAPi,t + 0.295134 CAPi,t2 -0.0061062 LTDi,t + 0.0000151 SIZEGDPi,t + 0.0181152 INFt + εi,t

Biến độc lập CAPi, tác động ngược chiều đến LLRi,t và CAPi,t2 có tác động thuận chiều đến LLRi,t với mức ý nghĩa 10%. Nghĩa là, khi tỷ lệ vốn tăng thì rủi ro tín dụng giảm, đến một ngưỡng nhất định (điểm cực trị) thì ngân hàng hoạt động không hiệu quả nên sẽ nới lỏng cho vay, khiến cho rủi ro tín dụng tăng lên. Đây chính là điểm mới của bài nghiên cứu; Biến kiểm soát LTDi,t tác động ngược chiều đến LLRi,t với mức ý nghĩa 5%; Các biến kiểm soát còn lại tác động thuận chiều đến LLRi,t với mức ý nghĩa 1%.

Tác động của vốn chủ sở hữu đến rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại việt nam - Ảnh 3

Một số khuyến nghị

Đối với dự phòng rủi ro tín dụng trong quá khứ (LLRi,t-1)

Rủi ro tín dụng hiện tại chịu tác động bởi rủi ro tín dụng trong quá khứ, việc quản lý tốt rủi ro trong hiện tại sẽ giúp giảm nợ xấu trong tương lai. Với cơ cấu thu nhập từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng luôn chiếm tỷ trọng lớn và là nguồn thu chủ yếu, áp lực tăng trưởng tín dụng ở tốc độ cao có thể dẫn đến việc chất lượng nợ suy giảm đẩy nợ xấu tăng và gây tổn hại trực tiếp đến vốn chủ sở hữu của các ngân hàng. Bên cạnh những nguyên nhân khác làm nợ xấu tăng cao, áp lực tăng trưởng dư nợ của các ngân hàng là một trong những nguyên nhân chủ yếu.

Ngân hàng cần kiểm soát rủi ro tín dụng; đa dạng hóa các khoản vay; Sử dụng nghiệp vụ bán nợ; Sử dụng các công cụ phái sinh; Hợp đồng hoán đổi tổng thu nhập; Hợp đồng hoán đổi tín dụng, hợp đồng quyền chọn tín dụng, hợp đồng quyền chọn trái phiếu.

Đối với tỷ lệ vốn chủ sở hữu

Ngân hàng cần xác định các đòn bẩy để giảm lãng phí vốn mà không cần thay đổi mô hình kinh doanh; tối ưu hóa các nguồn vốn khan hiếm để đạt được hiệu quả trong sử dụng vốn chủ sở hữu. Như vậy, khả năng đạt mức lợi nhuận kỳ vọng cho các cổ đông ngân hàng và sự đóng góp của các ngân hàng vào phát triển kinh tế xã hội chung được đảm bảo. Ngân hàng cần cải thiện năng lực trong đánh giá đúng về mức độ an toàn của vốn; phân bổ, quản trị vốn hiệu quả hơn và tiết kiệm vốn; đo lường hiệu quả hoạt động và quản lý dựa trên giá trị vốn chủ sở hữu.

Đối với tỷ lệ dư nợ cho vay trên vốn huy động

Việc sử dụng mối quan hệ giữa cho vay và tiền gửi như một thước đo về thanh khoản dựa trên tiền đề cho rằng, tín dụng là tài sản kém linh hoạt nhất trong số các tài sản sinh lời của ngân hàng. Vì thế, khi tỷ lệ LTD tăng thì tính thanh khoản của ngân hàng giảm đi một cách tương ứng (tỷ lệ LTD là một trong những tỷ lệ thanh khoản được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nước trong hoạt động quản lý và giám sát ngân hàng nhằm nâng cao chất lượng quản trị rủi ro thanh khoản của các ngân hàng, đảm bảo sự ổn định và an toàn của hệ thống).

Đối với quy mô ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát, giám sát quá trình mở rộng quy mô của các NHTM theo sự phát triển kinh tế; Đồng thời, linh động trong việc yêu cầu vốn pháp định tối thiểu của các NHTM. Việc bắt buộc các tổ chức tín dụng, ngân hàng phải đảm bảo yêu cầu vốn pháp định tối thiểu gây ra cuộc chạy đua tăng vốn, mở rộng quy mô làm tăng rủi ro cho các NHTM.

Các NHTM cần có lộ trình phù hợp cho quá trình mở rộng quy mô của mình; kiểm soát thận trọng trong việc sử dụng đòn bẩy, đảm bảo các rủi ro gia tăng do việc mở rộng quy mô nằm trong tầm kiểm soát của ngân hàng.

Đối với tỷ lệ lạm phát

Lạm phát thấp tạo điều kiện cho lãi suất giảm là tín hiệu vô cùng đáng mừng của nền kinh tế, tuy nhiên, thực tế cung và cầu vẫn chưa thể gặp nhau. Doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được khoản vay do không đáp ứng được các tiêu chuẩn của ngân hàng.

Vấn đề thiếu vốn vẫn còn và nhiều doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với những khó khăn phía trước. Thu nhập hạn chế làm người dân thắt lưng, buộc bụng, luồng vốn thu hẹp làm doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, chi tiêu công hạn chế nên đã làm giảm sức ép tăng giá.

Nền kinh tế Việt Nam có đặc thù riêng, không giống các quốc gia khác trên thế giới. Lạm phát hiện tại xuống thấp nhưng vẫn bấp bênh vì nền kinh tế chưa giải quyết được căn nguyên gốc rễ của nó, bởi các chính sách đưa ra mới chỉ mang tính tình thế là chính. Bởi vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình kinh tế, tái cơ cấu kinh tế cùng những thể chế phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Thị Lanh & Lâm Ngọc Thiên Lý (2016). Tác động của việc giảm nợ đối với các nước nghèo qua sáng kiến HIPC. Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ;

2. Nguyễn Thị Hồng Vinh & Lê Phan Thị Diệu Thảo (2015). Tác động của vốn ngân hàng đến khả năng sinh lời và rủi ro tín dụng: Trường hợp các NHTM Việt Nam. Tạp chí Phát triển Kinh tế;

3. Berger, A. N., & Bouwman, C. H. S. (2013). How does capital affect bank performance during financial crises? Journal of Financial Economics;

4. Blundell, R., & Bond, S. (2000). GMM estimation with persistent panel data: An application to production functions. Econometric Reviews…