Có nên dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu?
Nợ xấu được đánh giá là “điểm nghẽn” của nền kinh tế cần xử lý rốt ráo. Trong nhiều giải pháp được đưa ra để xử lý nợ xấu trước đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên chủ trương này không được Chính phủ đồng ý.
Gần đây, khi xây dựng và lấy ý kiến về Dự thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại tiếp tục đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu. Vấn đề này hiện đang được dư luận quan tâm với khá nhiều ý kiến tranh luận từ phía các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế.
Băn khoăn xử lý nợ xấu bằng tiền ngân sách
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu ngành Ngân hàng đã giảm xuống dưới 3%, đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016, cao hơn mức 2,55% vào cuối năm 2015. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016 số nợ xấu được xử lý khoảng 59,71 nghìn tỷ đồng, trong đó bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là gần 9.000 tỷ đồng; khách hàng trả nợ 30,98 nghìn tỷ đồng; sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được 7,24 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên theo giới chuyên gia thì tỷ lệ trên vẫn còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Việc xử lý nợ xấu đã mua của VAMC còn chậm, đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với nền kinh tế. Bởi vì, để xử lý nợ xấu dứt điểm và hiệu quả thì cần phải có nguồn lực về tài chính rất lớn, thậm chí có quốc gia còn phải tiêu tốn rất tiền vào quá trình xử lý nợ xấu, tính toán có thể lên tới 10-15% GDP.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu có nguồn tài chính hỗ trợ từ Nhà nước chắc chắn xử lý sẽ nhanh hơn, nhưng trong bối cảnh ngân sách nhà nước (NSNN) khó khăn, nợ công căng thẳng, đa số ý kiến đều băn khoăn về giải pháp này. Theo các chuyên gia, không thể lấy NSNN để xử lý nợ xấu trong thời điểm này vì ngân sách còn phải cân đối để sử dụng vào nhiều lĩnh vực cần kíp và quan trọng hơn.
Hơn nữa, nợ xấu không phải do lỗi của Nhà nước nên không thể cứ khó là lại trông chờ vào NSNN. Có chuyên gia còn ví von, phương án này chẳng khác nào “lấy của người nghèo chia cho người giàu”. NSNN hay tiền thuế của dân không thể bỏ ra để xử lý nợ xấu bởi như vậy là không đúng với nguyên tắc thị trường, không tạo được sự đồng thuận trong dư luận.
Bên cạnh đó, việc này cũng sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nước và tạo ra tiền lệ xấu cho các DNNN tức là tâm lý ỷ lại, cứ thua lỗ, nợ nần lại được Nhà nước cứu trợ. Vì vậy có thể nói, dùng NSNN để xử lý nợ xấu DNNN là đề xuất khó được chấp nhận, nhất là trong bối cảnh nợ công, bội chi ngân sách đã chạm ngưỡng cho phép.
Hiểu như thế nào về dùng ngân sách xử lý nợ xấu?
Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, nợ xấu nếu không được xử lý nhanh sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế, thậm chí cái giá phải trả còn lớn hơn rất nhiều. Có ý kiến cho rằng, nếu không dùng NSNN để xử lý nợ xấu thì rất khó khơi thông được dòng tài chính đang bị tắc nghẽn và tình trạng này sẽ còn kéo dài trong 5-7 năm tới.
Thời gian qua, điều kiện NSNN còn rất khó khăn, việc xử lý nợ xấu không sử dụng trực tiếp từ nguồn NSNN mà được thực hiện thông qua các biện pháp như trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro, tăng cường thu hồi nợ, bán, phát mại tài sản bảo đảm thu hồi nợ, chuyển nợ xấu thành vốn góp, thành lập VAMC (chẳng hạn như cấp 2.000 tỷ đồng cho VAMC hoạt động) để mua nợ xấu của các TCTD bằng trái phiếu đặc biệt VAMC, TCTD sử dụng trái phiếu này để vay tái cấp vốn của NHNN.
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu ngành Ngân hàng đã được đưa xuống dưới 3%. Đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016 nhưng vẫn cao hơn mức 2,55% vào cuối năm 2015. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016 con số nợ xấu được xử lý là khoảng 59,71 nghìn tỷ đồng.
Thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều người hiểu lầm rằng, sử dụng tiền NSNN để xử lý nợ có nghĩa là Chính phủ đứng ra trả nợ thay cho các doanh nghiệp hay cá nhân đã nợ ngân hàng và nay mất khả năng trả nợ. Cách hiểu này có phần khiên cưỡng và thiếu thực tế, bởi không một Chính phủ nào đi trả nợ thay cho con nợ của mình, trừ trường hợp đó là doanh nghiệp của Chính phủ nợ ngân hàng.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đây không phải là phương án NSNN bỏ tiền ra để xóa nợ cho người vay tiền, mà có thể coi như loại tín dụng Nhà nước ứng vốn để xử lý nợ xấu. Sau này ngân sách thu hồi thông qua việc bán tài sản đảm bảo để lấy nguồn tái tụng. Nhìn ra hầu hết các nước trên thế giới, NSNN là nguồn tài chính quan trọng để xử lý nợ xấu của nền kinh tế. Nhiều chuyên gia đưa ra minh chứng khi cho rằng, trên thế giới chưa có nước nào xử lý nợ xấu triệt để mà không dùng NSNN.
Cụ thể: Trong giai đoạn khủng hoảng ngành ngân hàng, Chính phủ Mỹ đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào ngân hàng để xử lý nợ xấu. Kết quả là Chính phủ Mỹ thu lại được toàn bộ số tiền bơm vào ngân hàng, mà còn có lãi. Nói cách khác, đây là cách để Chính phủ đầu tư, kinh doanh, chứ không phải là “cứu” ai hay “lấy của ai chia cho ai”. Theo một số chuyên gia kinh tế, với cách mua nợ bằng tờ giấy như vừa qua, VAMC chỉ giống như một bãi đáp tạm thời cho nợ xấu, chứ chưa hẳn là đã xử lý triệt để nợ xấu.
Mặc dù phản đối song một số chuyên gia cũng phải thừa nhận rằng, trong một số trường hợp bắt buộc cũng phải sử dụng tới NSNN để xử lý, đặc biệt đối với các trường hợp phục vụ quốc phòng, an sinh xã hội... Tuy nhiên, phải phân loại nợ nào do Chính phủ bảo lãnh, nợ nào vì an sinh xã hội, nợ nào do doanh nghiệp để xử lý.
Tức là, nếu nợ xấu do doanh nghiệp tự kinh doanh, tự gây lên thì doanh nghiệp sẽ phải tự xử lý. Còn nếu là các khoản nợ xấu do ngân hàng cho vay theo chỉ đạo, do Chính phủ bảo lãnh, hoặc vì mục đích an sinh, xã hội có thể Chính phủ sử dụng tới ngân sách để xóa nợ cho ngân hàng.
Tính chất hai mặt của sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu
Chúng ta cần nhận thức rằng, nguồn lực từ NSNN để xử lý nợ xấu không đồng nghĩa với việc chuyển tiền cho các TCTD để bù các khoản thiếu hụt trong quá trình xử lý nợ xấu cũng không phải “cho không” VAMC để mua nợ xấu mà NSNN ứng ra và sẽ thu về sau khi VAMC xử lý được nợ xấu. VAMC dùng tiền NSNN mua nợ theo giá thị trường, rồi bán nó hoặc bán tài sản bảo đảm để thu hồi vốn.
Nếu khoản nợ xấu bán thấp hơn giá mua, ngân sách sẽ bị lỗ phần thiếu hụt. Ngược lại, nếu bán cao hơn giá mua, ngân sách sẽ thu lợi. Như vậy, ngân sách sẽ được bảo toàn hoặc có thể bị thiếu hụt một phần sau khi VAMC hoàn thành cơ bản sứ mệnh xử lý nợ xấu. Theo các chuyên gia, cái lợi lớn nhất ở đây là thế giới thấy được Việt Nam quan tâm đúng mức về xử lý nợ xấu.
Theo các chuyên gia, nếu cứ phó mặc cho TCTD tự trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý nợ xấu thì về lâu dài chưa hẳn đã có lợi. Để trích lập dự phòng rủi ro đúng quy định, ngân hàng chỉ tiết giảm chi phí để tăng thu nhập là chưa đủ, mà phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng giảm lãi suất huy động, tăng lãi suất cho vay để gia tăng thu nhập.
Điều này khiến doanh nghiệp vay tiền khó tiếp nhận vốn để mở rộng sản xuất, kéo theo thu NSNN bị hạn chế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung theo đó cũng bị suy giảm. Ngoài ra, vốn NSNN tham gia xử lý nợ xấu sẽ góp phần giúp ngành Ngân hàng vượt qua khó khăn. Điều quan trọng lúc này là nền kinh tế đạng dựa khá nhiều vào vốn ngân hàng hàng, cho nên nếu không có giải pháp cải thiện tình hình nợ xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế. Như vậy, NSNN tham gia xử lý nợ xấu sẽ có lợi cho người gửi tiền, vay tiền và nền kinh tế.
Trên bình diện khác, việc sử dụng NSNN để xử lý nợ xấu vẫn gây ra nhiều lo ngại trong bối cảnh NSNN thường xuyên thiếu hụt, việc tạo thêm một khoản mục ứng tiền cho xử lý nợ xấu là một áp lực cho Chính phủ, các bộ, ngành... Việc huy động vốn NSNN để xử lý nợ xấu sẽ tăng nợ công của Chính phủ, trong khi đó nợ công lại đang sắp đạt ngưỡng giới hạn...
Về nguồn NSNN tham gia xử lý nợ xấu, theo các chuyên gia có thể lấy từ các nguồn như: Từ trích lập dự phòng rủi ro của chính các ngân hàng; từ các quỹ dự phòng; từ huy động để xử lý nợ; từ những phương thức xử lý bù trừ đã được ngân hàng áp dụng trước đây.
Một số chuyên gia lại cho rằng, nguồn lực mà Nhà nước sử dụng để xử lý một phần nợ xấu có thể có thể lấy từ hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn khỏi các công ty như Vinamilk, Sabeco… Bên cạnh đó,
Chính phủ cũng có thể tạo ra một quỹ xử lý với cơ cấu: NSNN chi khoảng 50%, 30% vay nước ngoài, 20% ngân hàng thương mại phải đóng góp. Trên cơ sở đó, có kế hoạch cụ thể cho từng lĩnh vực, số tiền xử lý cho từng phân khúc cụ thể là bao nhiêu, phải ưu tiên hóa xử lý nợ xấu lĩnh vực nào trước…
Một vài suy nghĩ
Nhiều ý kiến cho rằng, đã 5 năm qua, kể từ khi triển khai Đề án xử lý nợ xấu, đề xuất sử dụng một phần NSNN đã nhiều lần được đặt ra nhưng chưa từng được nhìn nhận một cách xứng đáng. Điều quan trọng là cần lượng hóa xem việc sử dụng NSNN có là một khoản đầu tư sinh lời hay không? Nếu sinh lời lớn, có lợi ích lớn cho cả nền kinh tế, thì tại sao không triển khai?
Hoặc ngược lại, nếu không thực hiện thì cái giá phải trả là gì? Và cả phía các ngân hàng thương mại, nếu được hỗ trợ xử lý nợ xấu, lợi nhuận sẽ gia tăng và nâng đóng góp cho NSNN như thế nào… Nếu thực sự dùng NSNN để xử lý nợ xấu có thể mang lại hiệu quả trên góc nhìn là một khoản đầu tư sinh lời, thì tại sao lại không thực hiện?
Vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay cần có bàn tay của Chính phủ vì nó đang nằm ngoài khả năng của của các ngân hàng thương mại. Theo một số chuyên gia, Chính phủ nên dùng NSNN để xử lý nợ xấu nhưng không chỉ là các khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, của các ngân hàng thương mại mà là của tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để xử lý được nợ xấu, điều đầu tiên bắt buộc Chính phủ phải minh bạch nợ xấu hiện tại là bao nhiêu, ở đâu, sử dụng nguồn tiền xử lý như thế nào?
Nguồn lực từ ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu không đồng nghĩa với việc chuyển tiền cho các tài chính tín dụng để bù các khoản thiếu hụt trong quá trình xử lý nợ xấu cũng không phải “cho không” Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng để mua nợ xấu mà ngân sách nhà nước ứng ra và sẽ thu về sau khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng xử lý được nợ xấu.
Điều này cần được nhận diện và thừa nhận chính xác để đưa ra định hướng xử lý mới thật chính xác, tránh tình trạng loay hoay, chuyển hóa nợ từ chỗ này sang chỗ khác như đã làm 5 năm qua. Tuy nhiên, dù bất cứ đưa ra sự lựa chọn nào, thì vẫn phải tính toán rất cẩn trọng, bởi thực tế, ý chí chỉ là một chuyện, còn việc triển khai hiệu quả và đúng như mong đợi hay không lại hoàn toàn là câu chuyện khác.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Dự thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020;
2. TS. Đinh Thế Hiển (2016), Xử lý nợ xấu bằng ngân sách: Bóc tách, nhận diện và đi vào bản chất, Diễn đàn Doanh nghiệp;
3. TS. Nguyễn Trí Hiếu (2016), Xử lý nợ xấu bằng ngân sách sẽ sinh lời, Diễn đàn Doanh nghiệp;
4. Nguyễn Mạnh Hùng (2016), Dùng ngân sách xử lý nợ xấu: Lợi nhiều, hại ít, Thời báo Ngân hàng;
5. Đỗ Huyền, (2016), Dùng ngân sách xử lý nợ xấu: Hiểu thế nào cho đúng? Thông tấn xã Việt Nam.