Tác động không mong muốn khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc
Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang làm giảm sút sức tăng trưởng của nhiều nước Bắc Á và khiến một số nền kinh tế khác lao đao.
Bắc Á ngấp nghé cuộc suy thoái
Khi Trung Quốc thực hiện việc tái cân bằng nền kinh tế có quy mô chiếm 16% GDP toàn cầu, tăng từ mức dưới 10% một thập niên trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo mức tăng trưởng 5,5% trong năm nay cho Bắc Á – khu vực có sự hiện diện của các nền kinh tế mạnh về xuất khẩu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc).
Số liệu công bố ngày 21/10 cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng Chín tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2014 khi xuất khẩu tới Trung Quốc giảm 3,5%. Tăng trưởng xuất khẩu thấp đã gây lo ngại kinh tế Nhật Bản có thể rơi vào suy thoái trong quý 3, khi đồng yen yếu không đủ hỗ trợ cho xuất khẩu.
Trong khi đó, xuất khẩu của Hàn Quốc tháng Chín giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, đơn hàng xuất khẩu của vùng lãnh thổ Đài Loan trong tháng giảm 4,5%, riêngđơn hàng từ Trung Quốc lục địa giảm 9,8%.
Singapore tránh được một cuộc suy thoái trong quý 3 sau khi nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu chỉ tăng trưởng 0,1% trong quý trước. Trong khi đó, vùng lãnh thổ Đài Loan thì vẫn ở rất gần với một cuộc suy thoái.
Tại Đặc khu hành chính Hong Kong,Giám đốc điều hành HCCTL Mark Whitehead cho biết, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang tác động đến Hong Kong trên mọi khía cạnh, trong đó có vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không.
Theo nhà kinh tế cấp cao của Mizuho Bank tại Singapore Vishnu Varathan, một điều chắc chắn là chừng nào kinh tế Trung Quốc vẫn trong tình trạng yếu thì Bắc Á, khu vực phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, còn chịu ảnh hưởng và dự báo tình hình này có thể tiếp diễn trong ít nhất là nửa đầu năm 2016.
Tâm lý bi quan chiếm ưu thế
Theo các chuyên gia, tình trạng của Trung Quốc hiện khá nghiêm trọng. Nền kinh tế này tăng trưởng ở mức 7,4% trong năm ngoái, thấp nhất kể từ năm 1990; và nó sẽ khó có thể đạt được mục tiêu chính thức là 7% trong năm nay, và theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì nền kinh tế này có khả năng sẽ chỉ tăng trưởng được khoảng 6,3% vào năm 2016.
Trung Quốc cũng đang đánh mất động lực tăng trưởng về dài hạn khi tỷ lệ sinh sản và tỷ lệ hoàn vốn đầu tư giảm dần khiến việc mở rộng lực lượng lao động và tích lũy vốn bị suy yếu. Và Trung Quốc ngày càng khó có thể tận dụng được lợi thế từ việc tăng năng suất nhờ khoa học kỹ thuật.
Tất cả những thách thức này đã khiến nguyên Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Lawrence Summers và cộng sự tại trường Đại học Havard là Lant Pritchett đưa ra quan điểm rằng tăng trưởng của Trung Quốc có thể chậm lại còn 2-4% trong hai thập niên tới theo hướng “dần giảm xuống trung bình” (regression to the mean).
Ông Justin Lin – nguyên Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới có cái nhìn tích cực hơn khi cho rằng Trung Quốc có thể đạt tăng trưởng hàng năm ở mức 8% trong hai thập niên nữa do có nhiều lợi thế, một trong số đó là “lợi thế của nước đi sau” vốn đã giúp Trung Quốc tăng năng suất nhanh chóng nhờ bắt kịp công nghệ với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ôngLee Jong-Wha – Giáo sư Kinh tế và Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á, Đại học Korea cho rằng nhận định này khó xảy ra bởi nó không thỏa mãn được thuyết tăng trưởng chuẩn về “hội tụ có điều kiện”: chỉ những nền kinh tế có các đặc điểm cấu trúc tương đồng, như kỹ năng lao động và chất lượng thể chế, mới có thể đồng quy về các mức thu nhập bình quân đầu người.
ÔngLee Jong-Wha nhận định, tăng trưởng GDP tiềm năng bình quân của Trung Quốc sẽ rơi vào khoảng 5 – 6% cho tới năm 2030. Dự đoán tăng trưởng này được đưa ra dựa trên mô hình hội tụ có điều kiện hình thành từ chính các số liệu tạo ra bởi kinh nghiệm tăng trưởng độc đáo của Trung Quốc cũng như của những nền kinh tế khác trong ba thập kỷ qua.
Và để đạt dược điều đó,các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đưa được nền kinh tế của họ tới một con đường tăng trưởng cân bằng và bền vững hơn dựa trên những kỳ vọng thực tế. Trung Quốckhông được phép mắc lỗi khi xử lý những thách thức không thể tránh được trong tương lai, ví dụ như những khó khăn bắt nguồn từ các yếu kém về thể chế trong nước, bất ổn chính trị và các cú sốc từ bên ngoài.
Hiện tại, hệ thống tài chính của Trung Quốc bị điều tiết quá nhiều và bị thống trị bởi các ngân hàng, trong số đó rất nhiều ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước. Để thay đổi điều này, chính phủ cần phải đẩy mạnh phân bổ tín dụng theo cơ chế thị trường. Trung Quốc cần một nền tài chính linh hoạt và hiệu quả, được nâng đỡ bởi một thị trường vốn được giám sát và điều hành sát sao, nhằm tránh các bong bóng tài sản và hỗ trợ những công ty có hiệu suất và khả năng sáng tạo cao.
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc muốn duy trì tăng trưởng ở một mức tạm chấp nhận được là khoảng 7%/năm song song với việc theo đuổi tái cân bằng và cải cách. Rủi ro ở cách tiếp cận này là trước khi các biện pháp cải cách có hiệu quả, chính quyền có thể dựa quá nhiều vào các gói kích thích ngắn hạn để đạt được các mục tiêu tăng trưởng và làm trầm trọng thêm sự phân bố lệch lạc các nguồn lực cũng như các điểm yếu về mặt cấu trúc. Nếu xét đến tổng nợ của Trung Quốc năm ngoái chạm ngưỡng 282% GDP – vượt trên cả mức nợ của Mỹ – thì việc cho các chính quyền địa phương và doanh nghiệp tư nhân vay một cách bất cẩn thông qua các hoạt động ngân hàng ngầm sẽ khiến nền kinh tế phải đối mặt với rủi ro ngày càng lớn về một cuộc khủng hoảng tài chính.
Để tránh kết cục đó, ông Lee cho rằng Trung Quốc nên giảm mục tiêu tăng trưởng xuống còn khoảng 6% trong những năm tới. Như vậy, đất nước này sẽ vẫn có thể theo đuổi những cải cách tận gốc cần thiết để đưa nền kinh tế đi theo hướng tăng trưởng dài hạn cân bằng và bền vững hơn.