Trung Quốc: Những nỗ lực đưa Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ của IMF
Trung Quốc đang nỗ lực để được đưa vào rổ tiền tệ SDR nhằm nâng cao vị thế của mình trên thị trường tài chính để đạt được những lợi ích nêu trên, tuy nhiên việc đưa Nhân dân tệ vào rổ SDR cũng kéo theo những rủi ro nhất định cho Trung Quốc.
Về mặt kỹ thuật, Quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights) của IMF được tạo ra vào năm 1969 chỉ là một loại tiền tệ và không phải là một đồng tiền bởi hình thái tồn tại của SDR là những con số ghi trên tài khoản. SDR đóng vai trò như một tài sản dự trữ và một đơn vị tài khoản, giá trị của nó phụ thuộc vào một rổ tiền tệ và các thành phần của rổ tiền tệ được IMF đánh giá 5 năm một lần. Những đồng tiền được chọn vào rổ tiền tệ SDR đóng vai trò quan trọng vì là nguồn dự trữ được quốc tế công nhận.
Năm 2009, tại Hội nghị G20, Trung Quốc đã đề nghị thay vị trí thống trị của đồng USD được quy định tại Hội nghị Bretton Woods tháng 7/1944 làm dự trữ quốc tế và trong giao dịch thương mại (kể cả giao dịch trên thị trường dầu mỏ) bằng một đồng tiền chung, phi chủ quyền quốc gia có giá trị được xác định trên cở sở “rổ” tiền tệ gồm một số đồng tiền của một số nước (trong đó có Trung Quốc), trước mắt có thể sử dụng SDR của IMF.
Đầu tháng 9/2009, Trung Quốc và IMF cũng đã ký thỏa thuận về việc Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn trái phiếu trong đợt phát hành đầu tiên của IMF với tổng mệnh giá 32 tỷ SDR, tương đương 50 tỷ USD và mua bằng đồng Nhân dân tệ. Đây là lần đầu tiên IMF phát hành trái phiếu và Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mua trái phiếu IMF. Động thái này của Trung Quốc đã nhận được sự đồng thuận của nhiều nước như Nga, Brazil, Indonesia, đồng thời qua đó nâng cao vị thế của đồng Nhân dân tệ tại IMF và SDR trên trường quốc tế.
Trong năm 2014, Trung Quốc đã thông qua kế hoạch thành lập 12 khu vực tự do thương mại (FTZ) và tính đến tháng 4/2015, sau khu vực tự do thương mại Thượng Hải, 3 khu vực tự do thương mại Quảng Đông, Thiên Tân, Phúc Kiến đã chính thức công bố phương án thí điểm cụ thể. Động thái thành lập các khu vực tự do thương mại này sẽ giúp Trung Quốc thực hiện thí điểm các biện pháp cải cách, như cho phép tự do chuyển đổi đồng Nhân dân tệ nhằm nới lỏng các hạn chế về đầu tư nước ngoài để tiến tới quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.
Mới đây, trong 3 ngày liên tiếp từ 11-13/8/2015, Trung Quốc đã giảm giá đồng Nhân dân tệ khoảng 4,6% so với đồng USD. Động thái này không chỉ nhằm hỗ trợ xuất khẩu cũng như tăng trưởng của nước này mà còn thúc đẩy tiến trình tự do hóa và quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, biến Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền dự trữ, được nằm trong rổ SDR của IMF. Phía Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng, động thái này sẽ giúp tỷ giá phản ánh cung cầu thực đúng hơn, do giá USD đã tăng mạnh trong thời gian qua. Đây là một bước đi quan trọng trong công cuộc cải cách tỷ giá của Trung Quốc nhằm cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong quyết định tỷ giá, dần tiến tới bỏ việc can thiệp của nhà nước.
Những đồng tiền tham gia vào cơ cấu rổ tiền tệ SDR được IMF lựa chọn dựa trên quy mô của khu vực xuất khẩu và tiêu chí sử dụng tự do, tức là nó được sử dụng rộng rãi trên thực tế và được giao dịch trên thị trường toàn cầu. Đối với Trung Quốc, việc Nhân dân tệ được tham gia vào cơ cấu rổ tiền tệ SDR thì sẽ là tuyên bố hiệu quả nhất về tính quốc tế hóa của đồng Nhân dân tệ, các nước trên thế giới sẽ coi Nhân dân tệ là một trong những đồng tiền mạnh. Đồng thời, thông qua đồng tiền này Trung Quốc sẽ có điều kiện đẩy mạnh vai trò của đồng Nhân dân tệ và từng bước thao túng thị truờng tiền tệ thế giới.
Tuy nhiên, trong lần đánh giá tiền tệ của IMF vào tháng 10/2010, IMF mặc dù có xem xét trường hợp đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, song vẫn xác định rổ SDR bao gồm bốn đồng tiền: đồng Đô la Mỹ, Euro, đồng Bảng Anh, và đồng Yên Nhật Bản với tỷ trọng lần lượt là 41,9; 37,4%; 11,3% và 9,4%, so với tỷ trọng của 4 đồng tiền này được xem xét trong năm 2005 là 44%; 34%; 11% và 11%. Lý do IMF chưa đưa Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ SDR là do Nhân dân tệ chưa đáp ứng được tiêu chí sử dụng tự do.
Theo kế hoạch, cuối năm 2015 IMF sẽ đánh giá và sắp xếp lại các đồng tiền cấu thành trong rổ tiền tệ SDR, tuy nhiên mới đây IMF đã quyết định thành phần trong rổ tiền tệ SDR hiện nay được giữ nguyên đến cuối tháng 9/2016. Đáng chú ý là những nỗ lực của Trung Quốc đã nhận được nhiều sự đánh giá tích cực từ IMF trong thời gian gần đây. Tháng 5/2015 IMF đã nhận định đồng Nhân dân tệ không còn bị định giá thấp sau khi tăng giá đáng kể trong năm qua và động thái phá giá đồng Nhân dân tệ mới đây của Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ của IMF do cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong quyết định tỷ giá.
Trong công bố ngày 4/8/2015, IMF nhận định đồng Nhân dân tệ đã đạt tiêu chí về tính phổ biến trong xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, so với lần đánh giá năm 2010 thì việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch quốc tế đang ngày càng gia tăng. Ngoài ra, Đại diện của IMF đã khẳng định việc bổ sung đồng Nhân dân tệ vào SDR chỉ còn là vấn đề thời gian. Mặc dù vậy, IMF cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần đánh giá trước khi quyết định đưa Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ SDR. Mục tiêu chính của đánh giá lần này là nhằm xác định Nhân dân tệ có là một đồng tiền có thể sử dụng tự do hay không. Tiêu chí trên được IMF đánh giá qua hoạt động sử dụng và trao đổi tiền tệ thực chất trên thị trường quốc tế chứ không dựa vào đồng tiền đó có được thả nổi hay có thể tự do chuyển đổi hay không. Nhân dân tệ hiện đã là đồng tiền được sử dụng phổ biến thứ 5 trong thanh toán quốc tế.
Tuy nhiên, tham vọng này của Trung Quốc cũng gặp phải sự phản đối từ phía Mỹ. Bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew (31/3/2015), cho rằng đồng Nhân dân tệ chưa đủ tiêu chuẩn để đưa vào rổ định giá SDR dù thừa nhận Trung Quốc đã ngừng các hoạt động kiểm soát tỷ giá đồng Nhân dân tệ song ông cho rằng Trung Quốc cần tiếp tục nhanh chóng hoàn thành các tiến trình cải tổ cần thiết, cho phép đồng Nhân dân tệ cần phải được tự do chuyển đổi. Trong thời gian tới, việc tham gia rổ tiền tệ SDR của đồng Nhân dân tệ sẽ vẫn còn phụ thuộc ít nhiều vào khả năng Mỹ có thể sẽ bác bỏ quyết định này.
Trung Quốc đang nỗ lực để được đưa vào rổ tiền tệ SDR nhằm nâng cao vị thế của mình trên thị trường tài chính để đạt được những lợi ích nêu trên, tuy nhiên việc đưa Nhân dân tệ vào rổ SDR cũng kéo theo những rủi ro nhất định cho Trung Quốc do Mỹ, IMF nhiều khả năng đặt điều kiện yêu cầu Trung Quốc nâng cao mức độ tự do sử dụng Nhân dân tệ, đẩy nhanh tự do hóa tài khoản vốn, nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư tư nhân ở nước ngoài, giao dịch chứng khoán, sản phẩm phái sinh, lưu thông vốn… Một khi Trung Quốc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này thì đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải đối mặt với tác động từ các dòng vốn nóng quốc tế, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách tiền tệ và quản lý kinh tế vĩ mô thận trọng.