Tác động tích cực của Abenomics đến kinh tế Việt Nam

TS. Nguyễn Ngọc Mạnh - Viện nghiên cứu Châu Mỹ

(Tài chính) Bên cạnh những tác động rõ ràng đối với sự phục hồi kinh tế Nhật Bản, Kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (Abenomics) còn tạo được những ảnh hưởng tích cực đến quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Abenomics đã tạo được những ảnh hưởng tích cực đến quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nguồn: Internet
Abenomics đã tạo được những ảnh hưởng tích cực đến quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nguồn: Internet

Về thương mại

Thời gian qua, dưới tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ của Chính phủ Nhật Bản, đồng yên (JPY) đã giảm giá mạnh. Xu hướng rơi tự do chính thức xác nhận từ đầu năm 2013, khi JPY đã liên tục mất giá so với đồng Việt Nam (VNĐ), tỷ giá JPY/VND giảm liên tục từ mức 240 ngày 31-12-2012 xuống còn 210 vào 30-6-2014, giảm hơn 12%.  Tác động rõ nhất là hàng hóa Nhật Bản vốn rất được người Việt Nam ưa thích nhờ tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu thế giới và độ bền cao, sẽ rẻ hơn rất nhiều, dẫn tới tăng nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo Tổng Cục Hải quan, Nhật Bản vẫn luôn là thị trường thương mại quan trọng của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 10% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Năm 2013, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản đứng thứ 4 trong tất cả các thị trường mà Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, trong đó, xếp thứ 2 về xuất khẩu và xếp thứ 3 về nhập khẩu. Hiện nay, cán cân thương mại Việt - Nhật tương đối cân bằng. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật chủ yếu gồm dầu thô, dệt may, linh kiện điện tử và phụ tùng. Vì vậy, chỉ có thể đánh giá tác động của việc giảm giá đồng yên sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của hàng dệt may, trong khi mặt hàng dầu thô và linh kiện điện tử, phụ tùng sẽ không ảnh hưởng nhiều. Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này các mặt hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh như máy móc, thiết bị, sản phẩm điện tử, sản phẩm từ chất dẻo, vải. Như vậy có thể thấy, các mặt hàng của hai quốc gia có tính bổ sung cho nhau nên sẽ ít có cạnh tranh, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật sẽ phụ thuộc vào chất lượng hàng hóa nhiều hơn là giá cả.  

Mặc dù, chính sách “đồng yên yếu” và các giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đã tác động không nhỏ đến thị trường toàn cầu nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, tính cạnh tranh của hàng hóa của Nhật và Việt Nam là không cao. Vì vậy, xu hướng giảm giá của đồng yên sẽ không làm các doanh nghiệp trong nước mất đi cơ hội cạnh tranh cũng như lo ngại quá nhiều về giá trị đồng tiền.

Về đầu tư

Xét trên góc độ lý thuyết, khi đồng nội tệ mất giá sẽ khuyến khích thu hút dòng vốn chảy vào Nhật và hạn chế đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, những rủi ro của việc đồng yên mất giá sẽ không làm giảm động lực đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Thứ nhất, do chi phí sản xuất và giá nhân công tương đối rẻ; có thị trường rộng lớn với dân số lên tới 90 triệu người; ổn định về chính trị và xã hội; người Việt Nam cần cù chăm chỉ, việc tìm kiếm lao động cũng tương đối dễ dàng.

Thứ hai, về mặt địa lý, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam có khả năng mở rộng thị trường trong khu vực Đông Nam Á do tính liên kết kinh tế trong khu vực, đồng thời dễ dàng kết nối với mạng lưới sản phẩm, hàng hoá và linh kiện sản xuất ở Trung Quốc nhờ cự ly gần hơn so với các nước khác.

Thứ ba, các công ty Nhật vẫn mong muốn đa dạng hóa đầu tư để tránh những rủi ro khó lường như thảm họa thiên nhiên (động đất, sóng thần) vẫn thường trực ở quốc gia này, đồng thời coi Việt Nam như một điểm đầu tư thay thế cho Trung Quốc hay Thái Lan, do những lo lắng về rủi ro trong quan hệ với Trung Quốc hay giá thành cao tại Thái Lan.

Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết: Đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản đang tăng lên. Số dự án đầu tư trong năm 2013 của doanh nghiệp Nhật Bản là 416 dự án, với tổng vốn đầu tư lên tới 5,7 tỷ USD. Lũy kế tính đến ngày 30/12/2013, Nhật Bản có 2.166 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 34.764 tỷ USD, đứng 1/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Cũng theo số liệu JETRO công bố, hiện nay, tính cả các văn phòng đại diện thì có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam. Vì vậy, có thể nói ảnh hưởng từ việc đồng yên mất giá làm giảm động lực đầu tư ra nước ngoài của các DN Nhật Bản là không cao, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản

Thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản

Theo chiến lược tăng trưởng của Abenomics, Chính phủ Nhật Bản cũng hướng tới tăng cường đầu tư cho hạ tầng ở nước ngoài. Phương châm mà Chính phủ đề ra là dự kiến đến năm 2020, sẽ đầu tư khoảng 30.000 tỷ yên cho cơ sở hạ tầng ở nước ngoài. Trong đó, Việt Nam là điểm đầu tư được Nhật Bản đặc biệt coi trọng.

Khi thực hiện mũi tên thứ 3, ông Abe đã quyết định giảm mạnh thuế doanh nghiệp. Đây là một thông tin tích cực đối với Việt Nam, vì với số tiền lợi nhuận sau thuế cao hơn, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể vươn ra đầu tư vào các nước ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam (chẳng hạn như là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, một lĩnh vực mà Nhật Bản vẫn ưu tiên đầu tư ở Việt Nam). Nếu cả Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản đều đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam thì hệ thống cơ sở hạ tầng ở đây sẽ hoàn chỉnh hơn, có lợi cho cả hai nước.

Một trong những điểm đáng chú ý nữa là mũi tên thứ 3 của Abennomics đề cao vấn đề cải thiện thị trường lao động của Nhật Bản, bằng cách nới lỏng luật tuyển dụng lao động nước ngoài, đặc biệt là đối với những lao động có trình độ và tài năng. Hiện tại Nhật Bản đang có chủ trương tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc và hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tiếp nhận các thực tập sinh của Việt Nam. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản đã mở rất nhiều những đặc khu kinh tế, trao quyền cho doanh nghiệp tự do lựa chọn lao động, đây cũng là những cơ hội cho thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam, trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, trong Chiến lược tăng trưởng của Abenomics, Nhật Bản còn chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, trong đó có dịch vụ chăm sóc người già, Dịch vụ này đòi hỏi rất nhiều hộ lý, điều dưỡng viên. Đây sẽ là một lĩnh vực mà hai nước có thể thúc đẩy hợp tác. Trên khía cạnh hợp tác phát triển du lịch, Chính phủ Nhật Bản hiện đang thực hiện các biện pháp nới lỏng các quy định cấp thị thực cho 10 nước ASEAN. Nhờ đó mà khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản đạt mức đột phá 10 triệu người trong năm 2013. Trong 10 triệu lượt khách đến Nhật này, lượng khách du lịch Việt Nam đang gia tăng rất nhanh. So với 10 năm trước, số lượng khách du lịch Việt Nam tăng gấp 5 lần.

Như vậy có thể nói, bên cạnh những tác động quan trọng của Abenomics đối với kinh tế Nhật Bản, Abenomics còn tạo được những ảnh hưởng tích cực đến quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, một địa bàn có tầm quan trọng đặc biệt trong chính sách đối ngoại, kinh tế, an ninh và chính trị của Nhật Bản. Đối với Việt Nam, các chính sách kinh tế mang tên Abenomics sẽ có những tác động tích cực, góp phần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế Việt Nam-Nhật Bản trong tương lai.