Tác động tiêu cực của thương chiến Mỹ-Trung đối với kinh tế Nga
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến hoạt động sản xuất ở hai nước này bị đình trệ, từ đó gây ảnh hưởng đến cả những đối tác trong chuỗi công nghệ.
Theo báo cáo phân tích mới đây của hãng xếp hạng AKRA (Nga), nền kinh tế “xứ Bạch dương” trong giai đoạn 2019-2020 có thể sẽ giảm tốc hai lần so với dự báo trước đó, tức là tốc độ tăng trưởng còn khoảng 0,7 – 0,8%, do hậu quả của cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ với Trung Quốc và Mexico.
Giới chuyên gia Nga cũng xác nhận không loại trừ khả năng Nga sẽ phải mở kho dự trữ ngay trong năm 2020. Báo cáo của AKRA khẳng định, không chỉ kinh tế Nga, kinh tế Mỹ và các nước lớn ở châu Âu cũng sẽ rơi vào tình trạng đình trệ, và nhiều khả năng là suy thoái, nếu các bên không giải quyết được tranh cãi trong vài tháng tới đây.
Ngày 10/5, Mỹ tăng thuế từ 10 lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chỉ thị bắt đầu quá trình tăng thuế đối với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nữa của Trung Quốc, với lý do Bắc Kinh đã không thực hiện các cam kết của mình. Đáp lại, từ ngày 1/6, Trung Quốc đã áp thuế nhập khẩu đối với hơn 5.000 mặt hàng có tổng trị giá 60 tỷ USD từ Mỹ.
Tại hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm G20 diễn ra hôm 9/6 ở Nhật Bản, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagard tuyên bố chiến tranh thương mại là nguy cơ chính đe dọa tăng trưởng kinh tế và cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới mất đi 0,5 điểm phần trăm (tương đương 455 tỷ USD) ngay trong năm 2020.
Theo báo cáo của AKRA, triển vọng giải quyết tranh chấp thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc hiện ở mức vô cùng nhỏ, vì vậy tình trạng đình trệ và suy thoái ở các nước phát triển rất có thể sẽ xảy đến ngay trong giai đoạn 2019-2020, trước hết là tại Mỹ và các nền kinh tế hàng đầu ở châu Âu. Kể từ đầu năm 2019 tới nay, cả hai nhân tố chính phản ánh thực trạng của nền kinh tế Mỹ là hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp và tỷ lệ việc làm đã đi xuống
Bất lợi tại các nước phát triển dẫn đến xu hướng suy giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu Nga, trong khi những bất ổn toàn cầu gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến các kế hoạch đầu tư vào nước này, thậm chí việc đồng ruble giảm giá nhẹ cũng sẽ kiềm chế mức thu nhập thực tế của người dân cũng như sức tiêu thụ nội địa.
Hậu quả là tăng trưởng GDP của Nga sẽ giảm xuống chỉ còn 0,7% trong năm 2019 và 0,8% năm 2020. Theo Phó Giám đốc phụ trách bộ phận xếp hạng tín nhiệm và dự báo của AKRA, ông Dmitry Kulikov, những con số trên khiến các mức dự báo bi quan trước đây của AKRA (theo đó tăng trưởng GDP được dự báo đạt 1,4% năm 2019 và 1,5% năm 2020) nay đã trở thành dự báo lạc quan.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Alpha-bank, bà Natalia Orlova cho rằng tác động của chiến tranh thương mại đến kinh tế Nga không lớn, vì nền kinh tế Nga tương đối độc lập, song bà dự đoán kinh tế Nga chỉ có thể đạt mức tăng 0,8%.
Theo bà Orlova, nếu dự báo của AKRA thành hiện thực, Nga sẽ phải dùng đầu tư trong nước, trước hết là thông qua các dự án quốc gia, để kích cầu. Không loại trừ khả năng hỗ trợ hoạt động kinh doanh, Nga sẽ phải mở quỹ dự trữ để đầu tư cho các dự án trong nước.
Lãnh đạo Trung tâm phân tích vĩ mô và dự báo ngắn hạn Dmitry Belousov cho rằng hiện nay chiến tranh thương mại và những cuộc khủng hoảng nợ tại một số thị trường tài chính đang gia tăng, song nguy cơ lớn nhất là nếu tất cả các hiện tượng trên kết hợp với nhau.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến hoạt động sản xuất ở hai nước này bị đình trệ, từ đó gây ảnh hưởng đến cả những đối tác trong chuỗi công nghệ. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nguy cơ lớn nhất sẽ rơi vào những nước kém phát triển về tài chính và những nước công nghiệp mới có tỷ lệ vay nợ cao.
Như vậy, những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ khơi mào cuộc khủng hoảng tại các nước đang phát triển, buộc các nhà đầu tư phải rút vốn từ các thị trường công nghệ - những nơi rơi vào “vùng nguy cơ”.
Về phần mình, kinh tế Nga có thể suy thoái nếu giá dầu mỏ giảm sút và nền kinh tế thế giới bị trì trệ. Theo ông Belousov, cho dù Nga có nguồn dự trữ ngoại hối bền vững, song không thể loại trừ khả năng cuộc khủng hoảng năm 2009-2010 sẽ lặp lại.
Còn theo ông Kulikov, nếu tình trạng xuất khẩu giảm hoặc không tăng không gây ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá đồng rouble và hệ thống ngân hàng thì kinh tế Nga có thể vượt qua thời kỳ căng thẳng đỉnh điểm với tốc độ tăng trưởng GDP 0,2 - 0,7%. Giai đoạn này có thể kéo dài một năm kể từ mùa Hè năm 2019.