Tác động từ xuất khẩu đến giá trị gia tăng của nền kinh tế


Nền kinh tế mở gắn liền với hoạt động xuất, nhập khẩu. Hoạt động nhập khẩu làm cho nền kinh tế đa dạng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và phát triển sản xuất. Hoạt động xuất khẩu đóng góp về nhiều mặt, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, gián tiếp thúc đẩy phát triển ngành liên quan, nâng cao trình độ sản xuất trong nước đáp ứng theo tiêu chuẩn nước nhận xuất khẩu, nâng cao trình độ lao động.

Hoạt động xuất khẩu đóng góp về nhiều mặt, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, gián tiếp thúc đẩy phát triển ngành liên quan... Nguồn: Internet
Hoạt động xuất khẩu đóng góp về nhiều mặt, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, gián tiếp thúc đẩy phát triển ngành liên quan... Nguồn: Internet

Xuất khẩu là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của nền kinh tế, tạo điều kiện cho nhiều hoạt động khác của nền kinh tế... Bài viết đánh giá những tác động của xuất khẩu đến giá trị gia tăng của nền kinh tế Việt Nam.

Đặt vấn đề

Một quốc gia sẽ không thể xuất khẩu tất cả các loại sản phẩm họ sản xuất ra, chỉ một số loại sản phẩm quốc gia có lợi thế cạnh tranh. Lý thuyết về lợi thế cạnh tranh này đã được đề cập khá sớm bởi các nhà kinh tế, trong đó nổi tiếng với Ricardo, Herslin – Ohlin (H-O). Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của mỗi nước ở tại mỗi thời điểm sẽ tác động đến giá trị gia tăng nền kinh tế thông qua cấu trúc nền kinh tế.

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng, toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới, xuất khẩu luôn được coi là một trong những trụ cột của nền kinh tế. Tỷ trọng xuất khẩu trong GDP ngày càng cao qua các năm. Những tác động trực tiếp của xuất khẩu là làm thay đổi cầu cuối cùng, dẫn đến thay đổi tổng cầu. Sự thay đổi dễ nhận thấy đó là tăng giảm quy mô xuất khẩu, cầu cuối cùng và tổng cầu sẽ thay đổi tương ứng. Cơ cấu sự thay đổi này chưa được thể hiện qua sự tác động trực tiếp. Các mối liên hệ sau mới phản ánh được vai trò quan trọng của xuất khẩu với từng ngành, với nền kinh tế.

Để sản xuất một sản phẩm xuất khẩu, không chỉ sử dụng nguyên liệu của một ngành nào đó mà cần nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành kinh tế liên quan khác. Ngành lấy sản phẩm của chính nó và các ngành khác làm nguyên liệu đầu vào đã lan tỏa ngành khác gia tăng sản xuất. Khi có nhiều sản phẩm được xuất khẩu, hầu hết các ngành đều bị tác động. Tác động trực tiếp của xuất khẩu đến nền kinh tế được thể hiện qua bảng hệ số chi phí trung gian của bảng IO. Dùng mô hình IO dễ dàng thấy sự tác động của xuất khẩu đến giá trị gia tăng của nền kinh tế.

Giới thiệu về bảng IO

Bảng IO xuất phát từ ý tưởng trong lược đồ của Leon Waras. Nghiên cứu về hệ thống phương trình nhiều ẩn số, Leon Waras cho rằng, khi nền kinh tế hội tụ ở một điểm ta có lời giải cho sự cung, cầu và giá cả của từng mặt hàng trên thị trường. Hệ phương trình có lời giải vì trong số ẩn bằng tổng số phương trình. Trong khi đó, Leontief không chỉ đếm số phương trình và ẩn số bằng tổng số phương trình mà còn đưa thêm giả thuyết về sự tuyến tính. Trong nền kinh tế, sự liên hệ này được biểu diễn bởi một hệ thống hàm tuyến tính, với những hệ số được quyết định bởi công nghệ. Theo tính chất, có 2 loại bảng IO.

Bảng IO cạnh tranh: Bảng IO cạnh tranh có nghĩa là ma trận cầu trung gian và cầu cuối cùng sử dụng hàng hóa và dịch vụ không phân biệt nguồn gốc do sản xuất trong nước hay do nhập khẩu mà coi chúng là “cạnh tranh lẫn nhau” (dạng cạnh tranh) và được thể hiện trong cùng một bảng.

Bảng IO dạng phi cạnh tranh: Chúng ta coi chúng là các hàng hóa khác nhau “không cạnh tranh lẫn nhau” và thể hiện chúng dưới dạng 2 dữ liệu được chia. Cụ thể, sự khác biệt giữa 2 dạng là liệu nhu cầu trong nước có được thể hiện riêng biệt giữa nhu cầu trong nước và nhập khẩu hay không. Trong bảng IO cạnh tranh, ma trận hệ số chi phí trung gian trực tiếp A(aij) bao gồm: Chi phí đầu vào là sản phẩm sản xuất trong nước Ad(aij) và sản phẩm nhập khẩu Am(aij). Như vậy, việc phân tích mức độ lan tỏa và độ nhạy của nền kinh tế sẽ bị lẫn phần nhập khẩu, một ngành nào đó có độ lan tỏa cao chưa chắc đã gây ảnh hưởng tích cực đến sản xuất (nếu ngành đó nhập khẩu nhiều), nó chỉ kích thích mạnh đến nhập khẩu. Trong bảng IO phi cạnh tranh, ma trận hệ số chi phí trung gian trực tiếp đã được tách ra, không bao gồm chi phí đầu vào là sản phẩm nhập khẩu, như vậy việc phân tích sẽ dễ dàng hơn.

Tác động từ xuất khẩu đến giá trị gia tăng của nền kinh tế - Ảnh 1

Ngoài ra, chúng ta cũng thể hiện mức tiêu thụ nội địa hợp nhất của hàng hóa cuối cùng là “nhu cầu về sản xuất trong nước” và xuất khẩu là “nhu cầu về nhập khẩu”.

Mô hình sử dụng phân tích ảnh hưởng
của xuất khẩu đến giá trị gia tăng nền kinh tế

X = (I-Ad)-1 Yd

Trong đó: X là ma trận giá trị sản xuất; Ad là ma trận hệ số chi phí trong nước; (I-Ad)-1 là ma trận nghịch đảo Leontief; Yd là ma trận nhu cầu cuối cùng của sản phẩm trong nước.

Ma trận X (xik) có số dòng là số ngành trong mô hình và số cột (k=1,3) là các nhân tố của cầu cuối cùng: C – Tiêu dùng cuối cùng; I- Tích lũy; E- Xuất khẩu).

Giới hạn dữ liệu

Phân ngành kinh tế hiện nay của Việt Nam gồm 21 ngành cấp 1. Khi nghiên cứu về bảng IO, theo ý kiến của chuyên gia cũng như kinh nghiệm quốc tế: Hệ thống phân ngành kinh tế châu Âu (NACE Rev 2.0) có nhiều cấp độ phân tổ. Phù hợp nhất ở Việt Nam là việc phân tổ thành 39 nhóm ngành sản phẩm theo ngành hoạt động. Mức độ này chi tiết hơn việc phân tổ theo ngành kinh tế cấp 1 nhưng chưa đến mức đầy đủ theo ngành cấp 2.

Tác động từ xuất khẩu đến giá trị gia tăng của nền kinh tế - Ảnh 2

Trên thực tế, việc phân tổ thành 39 nhóm, đa số theo như ngành kinh tế cấp 1 ở các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ... Còn lại được phân tổ chi tiết hơn (một số nhóm chỉ gồm một ngành cấp 2, đa số là gom một số ngành cấp 2 lại) như: Công nghiệp; thông tin, truyền thông; Hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; Y tế, trợ giúp xã hội…

Khi phân tổ theo ngành kinh tế cấp 1, thuận tiện khi nhìn nhận các ngành quen thuộc, quy mô xử lý dữ liệu có nhỏ hơn một chút nhưng các nguyên tắc tương đồng sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Việc phân tổ thành 39 nhóm cũng đảm bảo các nguyên tắc khi lập bảng IO với các giả định tương đồng về công nghệ sản xuất và tương đồng về công nghệ của sản phẩm.

Tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, bảng IO thường được xây dựng cho một giai đoạn, giữa thời kỳ đó, có thể bổ sung, cập nhật theo mục đích nghiên cứu cho phù hợp. Hiện nay, bảng IO 2012 cũng như IO 2007 chỉ được công bố ở dạng cạnh tranh nhập khẩu. Dữ liệu chính thức về trong bảng IO được điều tra từ năm 2012, xây dựng và công bố năm 2015 là dữ liệu mới nhất cho nghiên cứu này.

Kết quả tính toán ảnh hưởng của xuất khẩu tới giá trị gia tăng

Về ảnh hưởng của xuất khẩu tới giá trị gia tăng.

Tác động từ xuất khẩu đến giá trị gia tăng của nền kinh tế - Ảnh 3

Kết quả cho thấy, sự khác biệt lớn giữa ảnh hưởng gán tiếp và trực tiếp, cụ thể như nhóm làm thuê hộ gia đình, có sự tác động trực tiếp (96%). Còn nhóm sản phẩm sữa thì ngược lại, chủ yếu là ảnh hưởng gián tiếp (92%). Hoạt động làm thuê hộ gia đình thường nhỏ lẻ, ít ảnh hưởng đến ngành khác. Còn ngành Sữa là kết quả của một chuỗi hoạt động, do vậy nó không chỉ ảnh hưởng trong ngành, còn kéo theo hoạt động của nhiều ngành khác. Sự khác biệt về mức độ không quan trọng, điều quan trọng là hiểu rõ cách thức ảnh hưởng từng ngành để có chính sách tác động sao cho phù hợp. Đa số các ngành kinh tế của Việt Nam có mức tác động trực tiếp lớn hơn ảnh hưởng gián tiếp. Mức ảnh hưởng trực tiếp thường gấp đôi mức ảnh hưởng gián tiếp…

Về lan tỏa của xuất khẩu tới giá trị gia tăng

Kết quả nghiên cứu cho thấy, từng thành phần của cầu cuối cùng: Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, đầu tư và xuất khẩu đến sản xuất năm 2012 mạnh hơn năm 2007. Kết quả lan tỏa của tiêu dùng cuối cùng và đầu tư năm 2012 cũng mạnh hơn năm 2007. Tuy nhiên, lan tỏa của xuất khẩu đến giá trị gia tăng năm 2012 lại yếu hơn so năm 2007, đây là điều đáng lo ngại về hiệu quả kinh tế.

Các phần trên đã phân tích tác động từng phần tới giá trị gia tăng, phần này sẽ phân tích tác động tổng hợp của xuất khẩu tới giá trị gia tăng. Như đã phân tích, tác động tổng thể của xuất khẩu tới giá trị tăng bao gồm tác động riêng lẻ của hệ số giá trị gia tăng, của công nghệ sản xuất và của quy mô giá trị xuất khẩu. Các yếu tố này tác động riêng lẻ, kết hợp với nhau và đồng thời cùng tác động. Các phân tích cũng đã chỉ ra những điểm nổi bật trong mối liên hệ xuất khẩu – giá trị gia tăng.

Trong thực tế, cũng như kích thích của xuất khẩu tới giá trị sản xuất, nếu xem xét số tuyệt đối thì khó phát hiện yếu tố khác biệt. Chính vì vậy, cần tính hệ số kích thích của xuất khẩu cũng như các mục cầu cuối cùng tới giá trị gia tăng. Hệ số càng lớn, càng chứng tỏ tác dụng kích thích của xuất khẩu đến giá trị tăng thêm càng mạnh, ngược lại là kích thích yếu. Nhìn tổng thể, kích thích của xuất khẩu trong nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2012 - nay là kém, chỉ đạt mức hệ số bình quân là 0,582. Xét về hiệu quả và chính sách xuất khẩu cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.

Tác động từ xuất khẩu đến giá trị gia tăng của nền kinh tế - Ảnh 4

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cần điều chỉnh định hướng xuất khẩu một số ngành để có được giá trị gia tăng cao hơn. Các ngành có giá trị xuất khẩu lớn mà lại có hệ số kém mức trung bình chung của nền kinh tế là: (14) Thủy sản và sản phẩm chế biến; (15) Rau; quả chế biến; (17) Sản phẩm xay xát – gạo; (22) Công nghiệp chế biến – Điện tử, điện thoại. Còn các ngành có giá trị xuất khẩu lớn và hệ số khá hơn mức trung bình là các ngành: (12) Khai khoáng; (7) Gỗ khai thác; (2) Cây lâu năm. Đa số các ngành này thuộc nông nghiệp và thuộc khu vực I của nền kinh tế.

Yếu tố giá trị gia tăng bị tác động tổng hợp các yếu tố hệ số gia tăng, công nghệ và lượng xuất khẩu. Do vậy, để đạt mục đích cần nâng cao hệ số gia tăng và thay đổi trình độ công nghệ quan trọng đối với sự phát triển bền vững. Chỉ còn lựa chọn ngành cho phù hợp với chiến lược phát triển dựa vào xuất khẩu đáp ứng được tăng trưởng và bước đầu phát triển bền vững mà không thất thoát tài nguyên, tiềm lực đầu tư.

Kết luận

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng, xuất khẩu có tác động tích cực tới giá trị sản xuất. Sự tác động đến giá trị gia tăng không phải đều nhau ở tất cả các ngành mà tùy theo đặc điểm sản xuất.

Có các lựa chọn ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế: Cách để phát triển tự nhiên (thực chất không cần tác động gì) là dựa trên những lợi thế sẵn có của nền kinh tế, để nền kinh tế tự phát tự lựa chọn ngành, ngành nào thuận lợi thì phát triển, ngành nào khó khăn thì thu hẹp. Hiểu theo cách khác là khi có nguồn lực, sẽ đầu tư như nhau ở tất cả các ngành trên mọi địa phương và cách chọn ngành then chốt để phát triển là đầu tàu kéo theo các ngành cùng phát triển. Nền kinh tế Việt Nam về chủ trương là chọn cách thứ 3, chọn ngành then chốt để phát triển, nhưng trong thực tế còn nhiều vấn đề cần bàn.

Từ bảng 2, có thể phân 39 nhóm ngành thành các thuộc đối tượng A: có thứ bậc cao về hệ số lan tỏa đồng thời thứ bậc cao về hệ số độ nhạy; đối tượng B: có thứ bậc cao về hệ số lan tỏa nhưng thứ bậc thấp hơn về độ nhạy; đối tượng C: có thứ bậc cao về hệ số độ nhạy nhưng có thứ bậc thấp hơn về độ lan tỏa; đối tượng D là các ngành còn lại trong số 39 nhóm ngành (thứ bậc thấp cả về độ nhạy và độ lan tỏa).

Có 1/3 ngành có hệ số tốt, đem lại giá trị gia tăng cao hơn giá trị xuất khẩu là một số ngành thuộc nhóm A, nhóm C và nhóm D. Nhóm B (các ngành sử dụng nguyên liệu của nhiều ngành khác và cung cấp cho ít ngành khác) không thấy xuất hiện trong nhóm có hệ số tốt. Việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thuộc ngành này không nên đặt mục tiêu quá cao mà làm cho thị trường trong nước trở lên khan hiếm và đắt đỏ. Công nghiệp chế biến bao gồm rất nhiều ngành nhỏ, sản phẩm cụ thể, cần phân chia các ngành chi tiết hơn mới lựa chọn chính xác hơn.

Cuối cùng, những ngành còn lại không có nghĩa là không được đầu tư. Bản thân nền kinh tế cần sự có mặt của các ngành này. Nếu thị trường trong nước không có, nó sẽ bị thay thế bởi sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, mức độ đầu tư với nhóm này là thấp nhất. Bản thân sự lan tỏa, sự kích thích phát triển các ngành kinh tế của nhóm trên đã làm cho ngành này phát triển. Đó cũng là chiến lược mô hình phát triển không cân đối. Tóm lại, không nên đầu tư dàn trải cho tất cả các ngành mà nên lựa chọn thứ tự ưu tiên ngành then chốt.   

Tài liệu tham khảo:

  1. Phan Thế Công, Mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam, VCU;
  2. Bùi Trinh – TS Kwang Moon Kim, Cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam;
  3. Tổng cục Thống kê, Bảng IO các năm 2007, 2012;
  4. Hirshman, Mô hình tăng trưởng không cân bằng;
  5. Bui Trinh, Trade in Value Added, the case Vietnam.