Tái cấu trúc thị trường chứng khoán: Lặng lẽ bám sát mục tiêu
(Tài chính) Câu chuyện “tái cấu trúc” hiện đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, thể hiện từ cả nghị trường Quốc hội, các cuộc hội thảo, hội nghị và cho đến trên khắp các mặt báo…
Tuy mới chỉ là đang mới nhập cuộc, nhưng công cuộc tái cấu trúc cũng đã mang lại những dấu ấn thay đổi rõ nét, trong đó, việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán dù thời gian này ít được nhắc đến, nhưng trên thực tế lại đang làm được rất nhiều, với những kết quả cụ thể, rõ nét…
Những con số “biết nói” của chứng khoán
Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đến thời điểm 24/10/2014 cho biết, mức vốn hóa thị trường đã đạt khoảng 1.202 nghìn tỷ đồng, giảm 0,97% so với tháng trước, tăng khoảng 253 nghìn tỷ đồng so với năm 2013 và tương đương 33,53% GDP.
Về tình hình huy động vốn, thì tính đến 16/10/2014, tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán (TTCK) đạt gần 215 nghìn tỷ đồng, tăng 29,53% so với mức vốn huy động 10 tháng đầu năm 2013. Trong đó, huy động vốn qua đấu thầu trái phiếu đạt gần 199 nghìn tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước; huy động vốn qua phát hành cổ phiếu ra công chúng ước đạt 11,4 nghìn tỷ đồng, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2013; huy động vốn qua đấu giá cổ phần hóa đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, tăng hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2013.
Còn chỉ số VN-Index đang ở mức 591,51 điểm (tính tại ngày 24/10), giảm 1,22% so với cuối tháng trước và tăng 17,22% so với cuối năm 2013. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 87,2 điểm, giảm 1,78% so với cuối tháng trước và tăng 28,32% so với cuối năm 2013.
Tình hình giao dịch trong 10 tháng của năm 2013 cũng đã có nhiều kết quả khả quan, tích cực. Trong tháng 10/2014, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 6.944 tỷ đồng, tăng 158% so với bình quân phiên năm 2013. Trong đó giao dịch trái phiếu chính phủ, bình quân mỗi phiên đạt 2.984 tỷ đồng/phiên, tăng 100% so với bình quân phiên năm 2013; giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mỗi phiên đạt 3.960 tỷ đồng, tăng 188% so với bình quân phiên năm 2013.
Hoạt động niêm yết của thị trường cũng đã có mức tăng khá mạnh so với năm 2013. Cụ thể, tính chung đến ngày 24/10/2014, trên 2 sàn có 670 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 421 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với thời điểm cuối năm 2013.
Về niêm yết trái phiếu, đã có tổng cộng 573 mã trái phiếu niêm yết trên 2 sàn (trong đó 37 mã trên HOSE và 536 mã trên HNX) với giá trị niêm yết là 661 nghìn tỷ đồng, tăng gần 27% so với cuối năm 2013.
Bám sát mục tiêu về tái cấu trúc
Công tác tái cấu trúc các tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tái cấu trúc nền kinh tế và đối với lĩnh vực thị trường chứng khoán, tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán (TCKDCK) cũng là 1 trong 4 trụ cột chính: Tái cấu trúc cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, tái cấu trúc TCKDCK và tái cấu trúc hệ thống thị trường.
Trong đó, lĩnh vực tái cấu trúc TCKDCK đã bám sát được mục tiêu đề ra và có được kết quả thực tế cụ thể, từng bước thu hẹp số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động qua việc tăng cường năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro; củng cố hoạt động; cơ cấu lại tổ chức, nhân sự…
Theo đó, từ 105 công ty chứng khoán trước đây, hiện đã thu hẹp còn 81 công ty (giảm 24 công ty). Riêng từ đầu năm 2014 đến tháng 10/2014, UBCKNN đã thực hiện cho giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc sáp nhật 8 công ty chứng khoán; đình chỉ, cho tạm ngừng hoạt động 3 công ty và đưa 13 công ty chứng khoán vào diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt hoặc rút bớt nghiệp vụ.
Đối với công ty quản lý quỹ, thì hiện tại còn 42 công ty, trong đó 10 tháng năm 2014 đã cho giải thể, chấm dứt hoạt động 2 công ty, đình chỉ hoặc tạm ngừng hoạt động 4 công ty, đưa 1 công ty vào diện kiểm soát và kiểm soát đặc biệt.
Trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, các công ty chứng khoán đã đóng cửa 10 chi nhánh, 8 phòng giao dịch. Tính đến ngày 30/6/2014, có 112 chi nhánh, 39 phòng giao dịch và 4 văn phòng đại diện…
Đối với các quỹ đầu tư chứng khoán, thì công tác tái cấu trúc đã thực hiện tương đối có kết quả rõ rệt theo 2 xu hướng đề ra, đó là: Thay thế dần thế hệ các quỹ đóng bằng hệ thống các quỹ mở không gây xáo trộn thị trường, bảo đảm hoạt động linh hoạt hơn và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn; thay thế dần các quỹ thành viên bằng hệ thống các quỹ đại chúng (quỹ mở) hoạt động minh bạch hơn. Cho đến nay, có 26 quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó có 15 quỹ mở và 2 quỹ ETF, 8 quỹ thành viên, 1 quỹ đóng. Dự kiến sẽ có thêm 2 quỹ mở trong thời gian tới…
Chính nhờ thực hiện quyết liệt và bám sát mục tiêu đề ra, vì vậy công tác tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán đã từng bước đạt được những kết quả tích cực và vững chắc.
Báo cáo của UBCKNN cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, đã có 63 công ty chứng khoán hoạt động có lãi với số lãi là 2.084 tỷ đồng, có 22 công ty hoạt động bị lỗ với số lỗ là (-113,8) tỷ đồng – trong khi đó vào thời điểm năm 2013, có 32 công ty bị lỗ với số lỗ là (-432) tỷ đồng.
Đánh giá chung công tác tái cấu trúc TCKDCK, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho rằng, công tác này đến nay đã đảm bảo được mục đích và nguyên tắc đặt ra. Trong đó trước hết là đã nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và khả năng kiểm soát rủi ro của các TCKDCK, trên cơ sở đó từng bước thu hẹp số lượng; Tăng cường khả năng, hiệu quả quản lý, giám sát đối với hoạt động TCKDCK.
Thứ hai là, việc tái cấu trúc các TCKDCK được thực hiện theo lộ trình, có bước đi thận trọng, chắc chắn, không làm xáo trộn hoạt động của thị trường chứng khoán, bảo đảm minh bạch, đảm bảo lợi ích hợp pháp và an toàn tài sản của khách hàng.
Thứ ba là các TCKDCK đã thực hiện tự tái cấu trúc trên cơ sở quy định của pháp luật, lộ trình của Đề án tái cấu trúc và theo sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Xử lý tốt mối quan hệ giữa TCKDCK, ngân hàng, khách hàng và đảm bảo quản trị rủi ro, đồng thời sử dụng các nghiệp vụ thị trường để tái cơ cấu thông qua cơ chế góp vốn minh bạch.
Một điểm nổi bật nữa, đó là các văn bản pháp lý được hoàn thiện đã góp phần kiểm soát chặt chẽ vấn đề rủi ro, đầu tư vào thị trường tài chính, bất động sản, vấn đề liên thông vốn với ngân hàng, vấn đề tách bạch tài khoản, hỗ trợ và đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn quá trình tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, một trong những kết quả cụ thể không thể không nhắc đến, đó là công tác xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng kỹ thuật… với việc đã có rất nhiều văn bản chính sách trong thời gian vừa qua đã được ban hành kịp thời và đưa vào áp dụng trong thực tiễn.
Góp sức nâng cao sức hút và vị thế thị trường vốn Việt Nam
Thực tế cho thấy, so với các hình thức huy động vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh như vay ngân hàng, sử dụng vốn của đối tác, khách hàng, huy động từ nguồn tự có, nội bộ trong doanh nghiệp... thì việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu để huy động vốn chi phí vẫn rẻ và hiệu quả nhất. Nguồn vốn này đủ sức phục vụ cho các kế hoạch đầu tư lâu dài.
Hiện nay, trong hầu hết nền kinh tế, các hoạt động của TTCK đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng cho việc phát triển của các hoạt động kinh tế.
Thời gian qua, Bộ Tài chính, UBCKNN đã tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường lớn tại châu Á, châu Âu và dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức tại Mỹ. Đồng thời đang triển khai các bước đi nhằm để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng cho thị trường chứng khoán từ hạng “thị trường cận biên” lên mức “thị trường mới nổi”.
Nếu thực hiện thành công việc nâng hạng này, đó sẽ là một bước tiến nhảy vọt về sức hút đầu tư vốn của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) và đã thực hiện ký kết ghi nhớ đa phương (MMoU) với 25 quốc gia châu Âu. Đây là những bước đi tích cực nhằm tăng cường vị thế trên thị trường tài chính quốc tế và góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Có thể thấy rằng, TTCK Việt Nam đang tiến triển những bước tích cực và ngày càng lành mạnh, vững chắc hơn. Cùng với những chất xúc tác chung từ những chuyển động tích cực từ nền kinh tế, thì bản thân nội tại của TTCK đã có những chuyển biến cơ bản và tích cực, trong đó không thể không nói đến vai trò tích cực từ công cuộc triển khai tái cấu trúc tổng thể thị trường chứng khoán thời gian qua.